Rác thải điện tử cần được thu gom, xử lý đúng quy trình

(VOH) - Trung bình mỗi năm TPHCM tiếp nhận khoảng 7.000 tấn chất thải điện tử. Trong đó, chủ yếu là máy vi tính, điện thoại di động và ti vi. Con số này sẽ tăng lên khoảng 11.000 tấn vào năm 2020.

Thành phần của loại chất thải này chủ yếu là nhựa, kim loại màu, đen, kim loại quý và một số chất độc hại như chì, cadimin… nếu các chất thải này không được thu gom và xử lý đúng quy trình sẽ gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng và môi trường.

Việt Nam tái chế (Vietnam Recycles) là chương trình thu gom miễn phí các thiết bị điện tử bị lỗi hoặc đã qua sử dụng, được tài trợ bởi Apple và HP cùng Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM. (Ảnh: VR)

Việt Nam tái chế là chương trình thu hồi và tái chế miễn phí các sản phẩm điện tử bị lỗi hoặc đã qua sử dụng, nhằm mục đích đảm bảo mọi thứ được an toàn và thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, lượng rác thải điện tử mà chương trình thu thập được từ hộ gia đình và cá nhân còn khá thấp vì người dân vẫn chưa thay đổi thói quen bỏ rác thải điện tử và chưa hiểu được tầm quan trọng của quy trình tái chế chuyên nghiệp.

Hiện nay, Chiến dịch thu gom rác thải điện tử tại nhà đang được triển khai tại các Quận 3, 4, Phú Nhuận và Bình Thạnh. Để hiểu thêm kết quả sau một đợt triển khai chiến dịch thu gom rác thải điện tử tại nhà cũng như ý nghĩa chương trình Việt Nam tái chế, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM có trao đổi với bà Mai Thị Thu Hằng, đại diện Việt Nam tái chế.

* VOH: Thưa bà, chiến dịch thu gom rác thải điện tử tại nhà đã đạt được kết quả gì? Khó khăn cũng như thuận lợi trong thời gian triển khai chiến dịch đợt này?

- Bà Mai Thị Thu Hằng: Trong chiến dịch vừa qua, chúng tôi cũng đã thu thập được một số lượng nhỏ sản phẩm điện tử thải bỏ, vì các hộ gia đình đã đưa cho chúng tôi vào tháng 10 năm trước.

Khi chúng tôi đến các hộ gia đình thì người dân rất vui mừng chào đón chúng tôi, chỉ là các thiết bị điện tử thải bỏ không còn nhiều nên chúng tôi không thu thập nhiều trong đợt vừa rồi.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc liên tục tuyên truyền trực tiếp đến người dân. Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động cũng như không ngừng tuyên truyền đến người dân về lợi ích của chương trình đối với họ và gia đình của họ.

Về thuận lợi thì cảm thấy rằng sau khi triển khai một chiến dịch đầu tiên thì người dân rất hoan nghên, họ biết đến Việt Nam tái chế, lần sau đến tiếp xúc nữa thì thấy rõ là dễ dàng hơn đợt đầu rất nhiều.

Chỉ có điều là thiết bị điện tử thải bỏ không còn nhiều nên mình không thu thập được nhiều, ngoài ra mọi việc rất tốt. Thực ra chiến dịch này ngoài việc thu gom rác thải điện tử thì cũng muốn thực hiện công tác tuyên truyền cho người dân biết đến Việt Nam tái chế nhiều hơn để sau này họ có thể tự đem các thiết bị điện tử thải bỏ đến đem đến các điểm thu hồi để bỏ.

* VOH: Thưa bà, Chiến dịch thu gom rác thải điện tử tại nhà là một trọng tâm của chương trình Việt Nam Tái Chế; đây là chương trình còn khá mới mẻ đối với người dân thành phố. Bà hãy cho biết thêm về ý nghĩa, mục đích cũng như quy trình hoạt động của Việt Nam tái chế tại Việt Nam?

- Bà Mai Thị Thu Hằng: Việt Nam tái chế bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2015, chương trình thu hồi và tái chế các sản phẩm điện tử bị lỗi hoặc đã qua sử dụng nhằm mục đích đảm bảo quy trình tái chế rác thải điện tử an toàn và thân thiện với môi trường.

Các thiết bị điện tử sau khi thu gom sẽ được xử lý theo một quy trình chuyên nghiệp và thân thiện với môi trường, cũng nhằm tối đa hóa lượng tài nguyên thiên nhiên thu hồi được sau khi tái chế. Việt Nam tái chế được vận hành bởi các nhà sản xuất điện tử hàng đầu, giống như là một liên minh để các nhà sản xuất có thể tham gia, thể hiện trách nhiệm đối với các sản phẩm của mình.

Việt Nam tái chế được thành lập với mục đích cải thiện môi trường và phát triển Việt Nam thành một quốc gia xanh – sạch – đẹp bằng việc giảm thiểu lượng rác thải điện tử, tuyên truyền các hoạt động về tái chế và quản lý chặt chẽ sự ảnh hưởng của các thiết bị điện tử đã qua sử dụng có liên quan đến môi trường, sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng.

* VOH: Hiện chưa có nhiều doanh nghiệp kết nối với dịch vụ thu gom rác thải tái chế; Việt Nam Tái Chế đã có kế hoạch gì để tiếp cận, vận động doanh nghiệp thực hiện thu gom rác thải tái chế?

- Bà Mai Thị Thu Hằng: Khi quyết định 16/2015 của Chính phủ được ban hành nhưng chưa có thông tư hướng dẫn thì doanh nghiệp chưa thực hiện được, điều này dẫn đến việc có thể có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dịch vụ của chúng tôi đã được triển khai và sẵn sàng phục vụ những công ty muốn trở thành thành viên tiên phong trong việc tái chế rác thải điện tử một cách có trách nhiệm. Chúng tôi đã làm việc với nhiều doanh nghiệp và đã thu gom một số lượng lớn các thiết bị điện và điện tử đã qua sử dụng và chúng tôi đã chuyển giao chúng đến các cơ sở tái chế chuyên nghiệp, đạt tiêu chuẩn.

Sau khi rác thải điện tử của các doanh nghiệp được xử lý thì doanh nghiệp sẽ nhận được giấy chứng nhận tiêu hủy và cũng như đảm bảo cho việc các thiết bị điện tử đã qua sử dụng của họ được xử lý an toàn.

* VOH: Cảm ơn bà về những chia sẻ vừa rồi.

Bình luận