Nhà mạng chặn cuộc gọi rác bằng cách nào?

(VOH) - Từ ngày 1/7/2020, tất cả các thuê bao bị xác định là nguồn phát tán cuộc gọi rác sẽ bị khóa chiều gọi đi (nội mạng) và chiều gọi đến (liên mạng).

Thế nào là “cuộc gọi rác”?

Căn cứ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cuộc gọi rác được hiểu là cuộc gọi từ số điện thoại di động, cố định trong nước và quốc tế với nội dung quảng cáo, rao bán sản phẩm, dịch vụ mà người nhận không mong muốn. 

Cuộc gọi rác cũng dùng để chỉ các cuộc gọi có nội dung, mục đích lừa đảo, quấy rối, vi phạm các nội dung bị cấm theo quy định của pháp luật.

Cuộc gọi rác tập trung nhiều nhất vào các dịch vụ như rao bán nhà đất, căn hộ, condotel, mời mua bảo hiểm, các dịch vụ tài chính, học tiếng Anh… Đặc biệt, đã xuất hiện hình thức gọi quảng cáo tự động được ghi âm sẵn (Robocall). 

cuộc gọi rác

Các cuộc gọi rác lừa đảo, quảng cáo đang gây phiền toái cho người dùng (Ảnh: fox)

Theo thống kê sơ bộ của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), chỉ tính riêng trong tháng 3/2020, hệ thống phát hiện cuộc gọi rác đã tìm ra khoảng 49 triệu cuộc gọi nghi ngờ là cuộc gọi rác. Các cuộc gọi này phát sinh từ hơn 26.700 số điện thoại, gây ảnh hưởng đến khoảng 18 triệu khách hàng.

Các cuộc gọi rác sẽ được chặn như thế nào?

Theo kế hoạch, Viettel sẽ bắt đầu triển khai các biện pháp kỹ thuật để chặn cuộc gọi rác kể từ ngày 1/7/2020. VinaPhone và MobiFone, 2 nhà mạng này sẽ bắt đầu chặn cuộc gọi rác trước thời điểm ngày 1/8. Các nhà mạng còn lại như Vietnamobile, Gtel, Đông Dương Telecom, Hà Nội Telecom... việc chặn cuộc gọi rác sẽ được triển khai trước ngày 1/10/2020.

Để chặn các cuộc gọi rác, các nhà mạng sẽ áp dụng thuật toán dự đoán trên hạ tầng dữ liệu lớn (Big Data) và công nghệ học máy đối với tất cả các cuộc gọi nội và ngoại mạng.  

Từ dữ liệu về hành vi, đặc điểm cuộc gọi (không bao gồm các thông tin riêng tư) và ý kiến phản hồi của người dùng, nhà mạng sẽ xác định đâu là hành vi phát tán cuộc gọi rác.  

Việc chặn lọc cuộc gọi rác sẽ dựa trên 5 tiêu chí, bao gồm: số lượng cuộc gọi bất thường, tần suất cuộc gọi, khoảng cách giữa các cuộc gọi, độ dài cuộc gọi và phản hồi của người dùng di động đối với cuộc gọi nghi ngờ là cuộc gọi rác. 

Trong trường hợp bị xác định là cuộc gọi rác, thuê bao thực hiện hành vi phát tán cuộc gọi sẽ bị xử lý bằng cách khóa chiều gọi đi đối với thuê bao nội mạng và khóa chiều gọi đến đối với thuê bao liên mạng.

Theo, Cục Viễn thông, trong trường hợp không thực hiện ngăn chặn cuộc gọi rác, nhà mạng có thể bị xem xét xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 66 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

SIM rác phải được thu hồi hết trong tháng 9 - 6 tháng đầu năm tình trạng SIM rác, mua bán SIM kích hoạt sẵn thông tin thuê bao đã giảm đáng kể nhưng chưa chấm dứt hẳn.

Thuê bao di động giảm sau khi thu hồi sim rác - Tính đến hết tháng 6, tổng số thuê bao điện thoại của cả nước ước đạt 126,5 triệu, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước.