Nhiều giáo viên “bỏ” Zoom, chuyển đổi ứng dụng học trực tuyến

(VOH) - Trước những sự cố xảy ra trong quá trình trẻ học trực tuyến, nhiều giáo viên đã ngưng sử dụng Zoom và chuyển đổi ứng dụng học trực tuyến khác.

Mời người lạ tham gia lớp học trực tuyến, chia sẻ mật khẩu và đường dẫn để người ngoài vào bật nhạc ầm ĩ, đang học bỗng dưng xuất hiện hình ảnh nhạy cảm… Đó là những sự cố xảy ra trong một số lớp học trực tuyến bằng ứng dụng Zoom trong vài ngày gần đây.

Chưa hết lo lắng vì những giờ học trực tuyến “thiếu an toàn” của con em mình, nhiều phụ huynh còn “tá hỏa” khi biết thông tin khoảng 530.000 tài khoản Zoom được rao bán trên mạng.

Chuyển đổi ứng dụng để đảm bảo an toàn

Cô K. Y. – giáo viên tiểu học tại quận 2 vài ngày gần đây nhận được nhiều tin nhắn của phụ huynh học sinh đề nghị thay đổi ứng dụng giảng dạy để các buổi học bảo mật hơn. Tuy nhiên, bản thân cô cũng như nhiều giáo viên không phải ai cũng có thể thay đổi ngay ứng dụng giảng dạy vì còn phụ thuộc vào nhà trường và cả khả năng kinh tế chi trả cho các ứng dụng có tính bảo mật cao.

“Mình đã cân nhắc đến việc thay đổi ứng dụng dạy học trực tuyến nhưng còn chờ ý kiến từ nhà trường. Tạm thời, do giờ học của các con đã cố định nên mình vẫn phải sử dụng Zoom để giảng dạy. Khi có quyết định từ nhà trường, mình sẽ thông báo chuyển đổi ứng dụng học cho các phụ huynh” – cô Y chia sẻ.

học trực tuyến

Học sinh đang học trực tuyến bằng ứng dụng Microsoft Teams (Ảnh: MD)

Ngay khi có các thông tin về lỗi bảo mật và sự cố trong quá trình sử dụng Zoom, cô K. N. – một giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học đã tìm hiểu và chuyển qua giảng dạy trực tuyến bằng ứng dụng Microsoft Teams (MS Teams). Sau khi nhắn cho phụ huynh về cách thức sử dụng Microsoft Teams để kết nối với học trò, cô K. N. đã nhận được nhiều sự đồng tình.

Cô K. N cho biết: “Bản thân mình là một phụ huynh có con đang học trực tuyến nên cũng cảm thấy lo lắng khi Zoom có quá nhiều vấn đề. Mình mất vài ngày tìm hiểu và chuyển qua dạy bằng ứng dụng khác, trước hết là làm cho chính các phụ huynh của học trò yên tâm, sau là mình cũng muốn tạo động lực cho giáo viên của con mình thay đổi ứng dụng khác để dạy học”.

Trước sự lo lắng của phụ huynh học sinh, Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders Quận 2 cũng vừa thông báo chuyển đổi ứng dụng dạy học trực tuyến sang Microsoft Teams. Trung tâm Anh ngữ này đã gửi hướng dẫn cụ thể về việc cài đặt và sử dụng ứng dụng để phụ huynh dễ dàng nắm bắt và hỗ trợ trẻ trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên, một trong những lý do chuyển đổi ứng dụng được trung tâm nhấn mạnh đó là – thay đổi để đường truyền tốt hơn.

Với 8 trường phổ thông, 2 trường cao đẳng – đại học cùng với bộ phận văn phòng, Hệ thống Giáo dục TTC Edu đang sử dụng Microsoft Teams cho 15.000 học sinh, giáo viên, nhân viên học tập và làm việc trực tuyến... Khối Mầm non thuộc hệ thống cũng đang sử dụng Microsoft Teams để tổ chức các buổi trò chuyện giữa giáo viên và các bé trong giai đoạn dịch COVID-19.

Ông Đinh Hoàng Triều - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Hệ thống Giáo dục TTC Edu đánh giá: “So với các phần mềm học tập trực tuyến khác, Microsoft Teams có nhiều ưu thế nhờ vào việc hệ sinh thái dịch vụ - tính năng đa dạng và khả năng bảo mật cao. Đặc biệt, trong quá trình tổ chức học trực tuyến bằng Teams, chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ và chia sẻ từ Microsoft và cộng đồng MIE (Microsoft Innovative Educators - Giáo viên sáng tạo Microsoft) để nâng cao chất lượng của việc giảng dạy, học tập và quản lý trong giáo dục”.

Tại các trường, giáo viên – cán bộ nhân viên TTC Edu đều được Khối Quản lý Hệ thống tập huấn sử dụng, hỗ trợ giải đáp thắc mắc một cách chi tiết. Nhà trường cũng ban hành bộ hướng dẫn sử dụng Microsoft Teams cùng với “Nội quy khi tham gia lớp học trực tuyến” dành cho học sinh, phụ huynh, đảm bảo mọi người cùng thông suốt và tuân thủ.

Theo đó, mỗi học sinh, thầy cô được cung cấp một tài khoản riêng biệt với sự kiểm soát chặt chẽ. Lớp học được quản lý bởi đội ngũ nhân viên công nghệ thông tin từ Nhà trường. Dữ liệu đảm bảo tập trung và bảo vệ tại Microsoft Cloud. Vì thế, trong thời điểm học sinh tạm nghỉ học để phòng chống dịch bệnh COVID-19, nhà trường luôn trong tâm thế sẵn sàng và thích ứng nhanh chóng với việc học tập trực tuyến.

Cần cân nhắc khi chọn ứng dụng học trực tuyến

Khi lựa chọn một ứng dụng để dạy học trực tuyến, bên cạnh việc cân nhắc về sự tiện lợi trong quá trình sử dụng, chi phí mua ứng dụng… thì điều quan trọng nhất mà nhà trường, giáo viên cần cân nhắc đó là tính bảo mật và an toàn thông tin.

Hiện nay, có rất nhiều ứng dụng được sử dụng cho các cuộc họp trực tuyến hay dạy học trực tuyến, chẳng hạn như Skype, Jitsi, CISCO Webex Meetings, FreeConference, Zoom, Google Meet hay Microsoft Teams…

Tại Việt Nam, ba ứng dụng phổ biến được nhiều cá nhân, tổ chức sử dụng làm công cụ dạy học, tổ chức hội nghị trực tuyến là Zoom, Google Meet và Microsoft Teams.

Cả ba ứng dụng này không bắt buộc phải cài đặt khi sử dụng. Giáo viên chỉ cần gửi đường link hay mã số lớp người học cũng có thể truy cập trực tiếp bằng website mà không cần cài đặt phần mềm. Hơn thế, người học không cần phải đăng ký tài khoản mà vẫn có thể tham gia các lớp học tại Zoom hoặc Google Meet.

Với Microsoft Teams, người học cần phải có tài khoản trường học hoặc được giáo viên mời vào mới có thể tham gia. Chính vì thế, tính bảo mật của Microsoft Teams được đánh giá cao hơn hẳn.

Trong tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp, trẻ em không đến trường, việc dạy học trực tuyến có thể còn kéo dài. Do đó, nhà trường và giáo viên cần chủ động lựa chọn và thay đổi phần mềm phù hợp để tổ chức học tập trực tuyến để ngoài việc đảm bảo chất lượng giảng dạy, còn phải đảm bảo cả tính bảo mật và an toàn cho các em học sinh và chính các giáo viên.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo không dùng phần mềm Zoom

Tối 14-4, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã phát cảnh báo các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân về nguy cơ mất an toàn thông tin từ phần mềm họp trực tuyến Zoom. Theo khuyến cáo của Cục An toàn thông tin, các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước không nên sử dụng phần mềm Zoom để phục vụ các buổi họp trực tuyến tại đơn vị mình.

Theo Cục An toàn thông tin, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam thuộc Cục ghi nhận có hơn 500.000 tài khoản Zoom đã bị lộ lọt thông tin cá nhân của người sử dụng. Trong đó, bao gồm email, mật khẩu, đường dẫn URL các cuộc họp và mật khẩu kèm theo.

Cục An toàn thông tin cũng lưu ý, với những người dùng đã sử dụng phần mềm Zoom, cần thực hiện ngay việc đổi mật khẩu phức tạp, tránh sử dụng chung mật khẩu với các tài khoản khác.

Trường hợp phát hiện nguy cơ, dấu hiệu lộ, lọt thông tin cá nhân của người sử dụng, cần nhanh chóng khắc phục và kịp thời thông báo cho Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT và các cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan để phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

ĐH Ngân hàng TPHCM tăng chỉ tiêu tuyển sinh và chỉ tiêu xét tuyển học bạ - Trường Đại học Ngân hàng TPHCM vừa điều chỉnh phương thức tuyển sinh đại học năm 2020 theo hướng tăng chỉ tiêu xét tuyển học bạ.

Nhiều trường đại học giảm học phí, cấp học bổng cho sinh viên trong mùa dịch COVID-19 - Nhiều trường đại học triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, chia sẻ khó khăn cùng sinh viên, trong đó có chính sách giảm học phí học trực tuyến.

Bình luận