Nhiều “phi vụ” buôn bán nô lệ thông qua Facebook

VOH - 89.000 trang tài liệu đã được tiếp cận cho thấy, Facebook thường xuyên là nơi diễn ra trót lọt các hoạt động buôn bán nô lệ.

Một cặp vợ chồng sống tại Delaware (Mỹ) vừa bị cáo buộc âm mưu buôn người và nô lệ thông qua Facebook.

Chính phủ đã thu thập một lượng lớn dữ liệu từ Facebook để xây dựng bằng chứng truy tố. 89.000 trang tài liệu đã được tiếp cận, cho thấy Gibbs thường xuyên sử dụng Facebook để lừa đảo.

Facebook là nền tảng được các đối tượng sử dụng để tìm và kiểm soát những người phụ nữ dễ bị tổn thương, có tiền sử sử dụng chất kích thích để lừa đảo, kể cả những người phụ nữ từng có tiền án đang tìm kiếm việc làm sau khi ra tù.

vFacebook

Facebook được những kẻ buôn người sử dụng để tìm và kiểm soát những người phụ nữ dễ bị tổn thương, có tiền sử sử dụng chất kích thích để lừa đảo - Ảnh: Getty Images

Theo Forbes, Clifton Gibbs (66 tuổi), được hỗ trợ bởi “cánh tay phải” Brooke Walters tìm nạn nhân ở Facebook và những khu vực dân cư có mức độ lạm dụng ma túy cao.

Vào tháng 3 năm ngoái, Bộ An ninh nội địa (DHS) cũng cáo buộc Gibbs liên lạc qua Facebook với một người đàn ông điều hành tổ chức phi lợi nhuận chuyên “giúp đỡ” các nữ tù nhân.

Gibbs trả tiền để có được những bức hình của họ, sau đó giả vờ gửi chúng đến Delaware, nói là “hỗ trợ” tù nhân. Theo Bộ Tư pháp, mánh khóe trên nằm trong “kế hoạch chiêu mộ những người dễ bị tổn thương”.

Sau khi kiểm soát được nạn nhân, Gibbs yêu cầu họ làm nhiều công việc khác nhau, từ ăn trộm (sau đó bán lại trên Facebook Marketplace) đến dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc y tế. Theo lời khai của 1 trong số 13 nạn nhân, có người đã lấy trộm những món đồ trị giá khoảng 100.000 USD.

Tháng 3 năm nay, một số quỹ hưu trí và quỹ đầu tư sở hữu cổ phiếu Meta cũng đệ đơn kiện cáo buộc Mark Zuckerberg và ban lãnh đạo nhắm mắt làm ngơ trước những bằng chứng về nạn buôn người.

Vào năm 2021, tài liệu rò rỉ cũng được tờ WSJ tiếp cận, chỉ ra rằng Facebook tiếp tay cho các hoạt động nô lệ ở Trung Đông và châu Phi.

Dữ liệu từ Polaris, công ty điều hành đường dây nóng quốc gia dành cho nạn nhân bị buôn bán làm nô lệ cho thấy, Facebook là trang web có liên quan lớn nhất trong suốt năm 2020 và 2021 (dữ liệu từ năm 2022 vẫn chưa được hoàn thiện).

Dựa trên các cuộc gọi thông qua đường dây nóng vào năm 2021, người ta phát hiện ra rằng có tới 10% các hoạt động tuyển dụng lao động hoặc tình dục bóc lột bắt nguồn từ Facebook. Tỷ lệ này ở mức 7% với Instagram.

Giám đốc truyền thông của Polaris, ông Rafael Flores Ávalos lý giải, Facebook tiếp tục trở nên phổ biến với những kẻ buôn người - có khả năng do người dùng Meta thường xuyên chia sẻ về cuộc sống của mình.

“Sau khi bạn chia sẻ một lượng thông tin nhất định về cuộc sống cá nhân, quá trình tiếp cận nạn nhân của các đường dây buôn người sẽ trở nên dễ dàng” - ông Rafael Flores Ávalos nói.

Bình luận