Những áp lực không tên

(VOH) - Gắn bó với trẻ từ tờ mờ sáng cho đến tối mịt, một ngày của các giáo viên mầm non là cùng ăn, cùng ngủ, cùng học và cùng chơi với trẻ.

Không chỉ đơn thuần chỉ là người giữ trẻ, các giáo viên ở bậc học đặc biệt này còn có trách nhiệm dạy dỗ, giáo dục trẻ một cách toàn diện, giúp trẻ hình thành, phát triển nhân cách ở những năm đầu đời.

Công việc vất vả, đòi hỏi sự hy sinh lớn… thế nhưng bên cạnh thu nhập chưa tương xứng, họ - những người thầy đầu đời của trẻ đang phải chịu nhiều áp lực vô hình rất đáng được tôn vinh.

(Ảnh minh họa: eva.vn)

Một ngày của giáo viên mầm non bắt đầu từ 6g30, còn kết thúc thì… khó nói trước. Mười mấy năm gắn bó với nghề, với cô Nguyễn Thị Xuân Hằng, giáo viên trường mầm non Phong Phú (Quận 9) có bao nhiêu chuyện buồn, vui.

Cô Hằng kể, khi mới bước vào nghề, đồng lương ít ỏi, cuộc sống nhiều thứ phải lo đến nỗi cô đã muốn bỏ nghề. Thế nhưng, thời gian đã làm cho cô hiểu được ý nghĩa công việc mình đang làm, đặc biệt là một người mẹ có hai con như cô thì lại càng thấm thía hơn. Đơn cử, trong năm học này, có một bé mới đi học nên cách nói chuyện của bé không đầu không đuôi và rèn bé trở nên ngoan ngoãn, lễ phép trước hết phải bằng cái tâm của người mẹ

Cô Hằng kể: “Giờ bé ngủ, mình ngồi kế bên tâm sự về nhà bé như thế nào, có mấy người. Bé trả lời 4 người. Mình mới chỉnh là “Con phải nói, dạ nhà con có 4 người”. Mình chỉnh từ từ như vậy. Để làm được cần phải có khoảng thời gian lâu dài, không phải muốn là được liền. Dù đôi khi mình nóng, nhưng mình phải nhớ lại nghề của mình là gì, là rèn cho bé lễ phép với ông bà, cha mẹ… và nhiều điều khác nữa”.

Hẹn mãi, chúng tôi mới gặp được cô Nguyễn Vũ Bảo Thi, giáo viên một trường mầm non ở quận 5 vì cô bận từ sáng đến tối ở trường. Cuộc trò chuyện với cô giáo trẻ mới vào nghề được 3 năm này luôn bị cắt ngang, vì cô luôn tất bật chuẩn bị cho các bé ra về.

Với giáo dục mầm non, giữ an toàn cho trẻ là yếu tố hàng đầu. Và khi, đây đó xảy ra tình trạng bạo hành trẻ,  dù chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, thế nhưng đã có những tác động mạnh mẽ đến tâm lý phụ huynh. Những lời nói vô tình, những ánh mắt nghi ngờ của phụ huynh, đã khiến giáo viên ít nhiều bị tổn thương.

“Có những phụ huynh cho con mình xem những đoạn clip đó và hỏi rằng, cô giáo có làm như vậy với con không, làm tụi em rất buồn. Sau thông tin về một vài trường hợp bạo hành trẻ, khi rước con, phụ huynh cũng có những cái nhìn rất khác. Vừa mới ra, cha mẹ đã hỏi hôm nay cô có làm gì con không. Khi nghe vậy, tụi em buồn vì không còn được phụ huynh tin tưởng như trước nữa”, cô Bảo Thi tâm sự.

Chính những điều này cũng làm cho những giáo sinh đang theo học ngành mầm non ít nhiều bị ảnh hưởng, Hoàng Duy -  sinh viên ngành giáo dục mầm non, trường ĐH Sài Gòn cho rằng: “Chúng ta phải đặt nhiều câu hỏi hơn ở nhiều khía cạnh để xem nguyên nhân từ đâu, đừng quơ đũa cả nắm, làm cho những giáo viên mầm non tương lai như em phải thất vọng. Khi em có tâm huyết thì sẽ dạy trẻ tận tình, sẽ giáo dục trẻ đàng hoàng, sẽ làm cho ngành của mình tốt hơn trong mắt mọi người. Em hy vọng trong xã hội sẽ có cái nhìn khách quan hơn”.

Dưới góc độ tâm lý, Thạc sĩ Huỳnh Anh Bình nhìn nhận, hiện xã hội đang quá bất công với giáo viên mầm non. Nuôi dạy trẻ là công việc lặng thầm, rất vất vả và đòi hỏi sự hy sinh. Vì vậy, cần có sự công bằng với họ bởi trong nghề nào cũng có người tốt, người chưa tốt hay việc tốt, việc chưa tốt.

“Những việc tốt chúng ta nên nhìn nhận và tôn vinh, và nhân rộng nhưng việc tốt đó. Chúng ta đừng nhìn vào những con sâu làm rầu nồi canh. Rất nhiều giáo viên mầm non hiện thu nhập rất thấp, nhiều giáo viên mầm non đang lao động miệt mài vì con em chúng ta, chúng ta nên công tâm nhìn nhận họ. Đừng vì những “con sâu” mà làm xấu đi bộ mặt chung của nghề giáo viên mầm non”, Thạc sĩ Bình nói.

Với 27 năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ, trong đó có 18 năm ở vai trò quản lý, cô Vũ Thị Tố Loan, Hiệu trưởng trường mầm non 27, Bình Thạnh thấm thía tất cả những vất vả, khó khăn trong nghề mà khi trẻ cô đã quyết lựa chọn và chỉ duy nhất mình ba cô ủng hộ.  

Theo cô, người quản lý phải tạo được bầu không khí thân thiện trong tập thể trường, trong mối quan hệ giao tiếp với phụ huynh. Mình phải biết giáo viên mình cần cái gì, họ đang thiếu cái gì để bồi dưỡng và giúp đỡ kịp thời. Theo cô, giáo viên đến trường rất cần phải có nụ cười đem tới cho các con, điều đó sẽ giúp cho công việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ hiệu quả hơn. Việc làm cô cảm thấy trăn trở, đó chính là suy nghĩ của phụ huynh về các cô.

“Tôi buồn nhất là khi phụ huynh cứ nghĩ rằng chính đồng tiền mà phụ huynh bỏ ra bồi dưỡng các cô mỗi tháng sẽ làm cho các cô chăm sóc con họ tốt hơn. Phụ huynh nên đặt trường hợp có những phụ huynh rất khó khăn nhưng con họ vẫn được chăm sóc tốt” – cô Loan chia sẻ.

Trong môi trường giáo dục đặc thù này, sự cảm thông và thấu hiểu của phụ huynh chính là động lực và là niềm an ủi đối với các cô. Chị Trần Gia Lộc, một phụ huynh ở quận Tân Phú suy nghĩ: “Có vấn đề gì đối với con tôi, cô cũng gặp tôi trực tiếp trao đổi để sao cho bé tiến bộ hơn, hai bên cùng phối hợp để bé cải thiện hơn. Đôi khi tôi cũng không biết dạy con như thế nào, tôi cũng nhờ cô can thiệp, bởi vì bé nhỏ bé lại nghe lời cô giáo hơn ba mẹ”.

Hầu hết các giáo viên mầm non, đều đã bén duyên với nghề từ tình yêu con trẻ và tình nguyện trở thành những người mẹ thứ hai của trẻ. Và với nhiều người, họ gắn bó với trẻ và quên đi những niềm vui cho riêng mình. Nếu ai cũng có suy nghĩ như vị phụ huynh trên, thì có lẽ mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh sẽ đơn giản và tốt đẹp biết bao, bởi trên hết, tất cả cùng chung mục đích là vì tương lai của con trẻ.

Xã hội cần có nhìn nhận công bằng hơn về công việc của giáo viên mầm non. Sự cảm thông, chia sẻ của phụ huynh trong cách nhìn nhận, cùng hợp tác trong việc giáo dục trẻ… còn quý hơn bất cứ sự tôn vinh nào đối với họ, nhất là trong những ngày này, ngày tôn vinh những thầy cô giáo.