Những điểm mới của Nghị định 91 về chống thư rác, tin nhắn rác

(VOH) - Trong thời gian qua, tình trạng cuộc gọi quảng cáo, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo, tin nhắn rác, thậm chí trừ cước phí một cách vô lý khiến nhiều người bức xúc.

Trước đây chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về đối tượng này. Vì vậy, sự ra đời của Nghị định 91/2020 của Chính phủ về chống thư rác, tin nhắn rác và cuộc gọi rác chính thức có hiệu lực từ hôm nay 1/10/2020, được kỳ vọng giúp người dân thoát khỏi vấn nạn này.

Có thể thấy rằng Nghị định 91 đã hoàn thiện hành lang pháp lý về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, không chỉ giúp các cơ quan quản lý, nhà mạng có đủ cơ sở pháp lý để ngăn chặn vấn nạn tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử rác đã hành hạ người dùng trong thời gian dài mà còn tạo ra nhiều "lá chắn" cho người sử dụng điện thoại chủ động tự bảo vệ mình.

Để hiểu rõ hơn về những nội dung của Nghị định 91, phóng viên VOH đã phỏng vấn ông Lê Quốc Cường – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM.

Ông Lê Quốc Cường – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM.
Ông Lê Quốc Cường – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM.

* VOH: Xin ông cho biết Nghị định 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 có hiệu lực chính thức vào ngày 1/10 có những điểm gì mới đáng chú ý?

Ông Lê Quốc Cường: Nghị định 91/2020/NĐ-CP ra đời thay thế Nghị định số 90/2008/NĐ-CP và Nghị định số 77/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Chống thư rác. Nghị định 91/2020/NĐ-CP có những điểm mới như sau: Điểm nổi bật của Nghị định là đã định nghĩa rõ ràng thế nào là tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.

Tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo là tin nhắn, thư điện tử, gọi điện thoại nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân; tin nhắn chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp viễn thông.Theo đó, mọi tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử có nội dung quảng cáo được gửi tới người dùng mà chưa nhận được sự đồng ý đều sẽ được liệt kê vào dạng "rác".

Đối với quảng cáo qua tin nhắn và đối với số điện thoại ngoài Danh sách không quảng cáo, Người quảng cáo chỉ được phép gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo đầu tiên và duy nhất. Trường hợp Người sử dụng từ chối nhận quảng cáo hoặc không trả lời sau khi nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo đầu tiên, Người quảng cáo không được phép gửi bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo hoặc tin nhắn quảng cáo nào đến số điện thoại đó.

Đối với cuộc gọi điện thoại quảng cáo đều phải có đầy đủ thông tin về người thực hiện cuộc gọi điện thoại quảng cáo (gồm tên, địa chỉ) và được giới thiệu đầu tiên trước khi cung cấp nội dung quảng cáo. Trong trường hợp quảng cáo cho các dịch vụ có thu cước thì phải cung cấp đầy đủ thông tin về giá cước. Trường hợp Người sử dụng từ chối nhận cuộc gọi điện thoại quảng cáo, Người quảng cáo phải chấm dứt ngay việc tiếp tục gọi điện thoại quảng cáo đến Người sử dụng đó.

cuộc gọi rác
Những cuộc gọi rác quảng cáo sản phẩm gây phiền toái cho người dùng (Ảnh: linkdln)

Đối với nhiều người không muốn nhận bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo, tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo nào thì có thể đăng ký vào Danh sách không quảng cáo (DoNotCall). Người quảng cáo, Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet không được phép gọi điện thoại quảng cáo, gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo, gửi tin nhắn quảng cáo tới bất kỳ số điện thoại nào trong Danh sách không quảng cáo.

Việc quy định rõ ràng khái niệm này sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước về rác điện tử được dễ dàng, thuận tiện, đẩy mạnh triển khai các biện pháp ngăn chặn rác điện tử của doanh nghiệp viễn thông được thuận lợi và đồng bộ hơn, giúp người dân hiểu rõ và nhận dạng tin nhắn rác dễ dàng và chính xác.

* VOH: Theo quy định của Nghị định 91 thì việc chống, ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác... được thực hiện cụ thể như thế nào?

Ông Lê Quốc Cường: Việc gửi tin nhắn quảng cáo được Nghị định 91 quy định rất rõ ràng. Doanh nghiệp có nhu cầu chỉ được gửi duy nhất một tin nhắn quảng cáo đến các thuê bao di động. Nếu thuê bao từ chối nhận quảng cáo hoặc không trả lời tin nhắn trên, nhà quảng cáo không được phép gửi bất kỳ tin nhắn có nội dung tương tự đến thuê bao đó nữa.

Trong trường hợp người dùng chấp nhận những thông tin quảng cáo, Doanh nghiệp cũng không được phép gửi quá 3 tin nhắn tới một số điện thoại, 3 thư điện tử tới một địa chỉ thư điện tử và 1 cuộc gọi tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người dùng.

Thời gian thực hiện các nội dung quảng cáo cũng được quy định rõ khi chỉ được gửi tin nhắn quảng cáo trong khoảng thời gian từ 7 - 22 giờ mỗi ngày, gọi điện thoại quảng cáo từ 8 - 17 giờ mỗi ngày.

Trách nhiệm của Doanh nghiệp viễn thông, dịch vụ Internet cũng được yêu cầu cao hơn khi Nghị định bắt buộc các đơn vị này phải áp dụng công nghệ cao, hiện đại như xử lý dữ liệu lớn (Bigdata), trí tuệ nhân tạo (AI) vào các hệ thống chặn, lọc tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác dành cho người dùng sử dụng dịch vụ của mình.

- Nghị định 91 quy định Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin Truyền thông phải xây dựng, vận hành Hệ thống tiếp nhận phản ánh về tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác trên đầu số 5656; Danh sách không quảng cáo (DoNotCall); Danh sách đen địa chỉ IP phát tán thư điện tử rác. Đây được coi là giải pháp bảo vệ người sử dụng thuê bao di động trước những cuộc gọi rác, tin nhắn rác; giúp người dân có được một công cụ mạnh để bảo vệ mình trước những tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo; đồng thời góp phần giám sát việc gửi quảng cáo của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

- Nghị định 91 quy định “Trường hợp Người sử dụng từ chối nhận quảng cáo hoặc không trả lời sau khi nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo đầu tiên, Người quảng cáo không được phép gửi bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo hoặc tin nhắn quảng cáo nào đến số điện thoại đó”. Như vậy, muốn nhận được tin nhắn quảng cáo, buộc người dân phải trả lời tin nhắn đăng ký do doanh nghiệp gửi đến lần đầu tiên.

- Ngoài quy định “Chỉ được gửi tin nhắn trong khoảng thời gian từ 07h đến 22h mỗi ngày”, Nghị định 91 còn quy định thời gian gọi điện thoại quảng cáo là từ 08h đến 17h mỗi ngày; Không được phép gửi quá 3 tin nhắn tới một số điện thoại, 3 thư điện tử tới một địa chỉ thư điện tử và 1 cuộc gọi tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người dùng.

* VOH: Trong trường hợp các doanh nghiệp viễn thông vẫn dung túng để xảy ra tình trạng tin nhắn, cuộc gọi... rác thì sẽ bị những chế tài như thế nào?

Ông Lê Quốc Cường: Nghị định 91 đã bổ sung chế tài xử phạt mới, mạnh mẽ mang tính chất răn đe và bảo vệ người dùng. Trong đó phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi “Gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng khi chưa được người sử dụng đồng ý một cách rõ ràng”.

Thậm chí, phạt từ 80 triệu đến 100 triệu đồng nếu gửi tin nhắn, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong danh sách không quảng cáo; phạt từ 140 đến 170 triệu đồng đối với doanh nghiệp viễn thông, Internet vi phạm quy định.

Tuy nhiên, nếu người ta sử dụng các sim rác, ở đây có nghĩa là các thuê bao trả trước, không đăng ký đầy đủ thông tin thì trong Nghị định này sẽ không xử lý được mà vấn đề này thuộc về quản lý các thuê bao trả trước và trách nhiệm thuộc về các doanh nghiệp viễn thông như thế nào? Như vậy, song song với Nghị định 91 này về việc quản lý tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo thì chúng ta vẫn tiếp tục tăng cường quản lý thuê bao trả trước. và đây là trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông theo quy định của quản lý Nhà nước.

* VOH: Nhằm quán triệt và phổ biến những nội dung của Nghị định 91 đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp... Sở Thông tin Truyền thông sẽ có những giải pháp gì?

Ông Lê Quốc Cường: Theo Nghị định 91, tất cả các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đăng ký tên định danh đều thực hiện lập hồ sơ và gửi báo cáo định kỳ cho Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin Truyền thông. Hệ thống tiếp nhận thông tin phản ánh sai phạm được cung cấp từ người dân đều do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý. Như vậy, đầu mối quản lý đều tập trung ngoài Bộ.

Do đó, để thực hiện triển khai những hoạt động trong việc thực hiện Nghị định số 91/2020/NĐ-CP trên địa bàn thành phố, Sở Thông tin Truyền thông tỉnh/thành phối hợp công tác thanh, kiểm tra thông qua việc phân cấp, chia sẻ thông tin dữ liệu từ Bộ Thông tin Truyền thông. Đồng thời, Sở Thông tin Truyền thông sẽ chỉ đạo các cơ quan báo đài trên địa bàn Thành phố tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện Nghị định số 91/2020/NĐ-CP.

Lưu ý, Nghị định số 91/2020/NĐ-CP sẽ được áp dụng từ ngày 1/10/2020. Riêng việc áp dụng các hình thức xử phạt liên quan đến Nghị định sẽ có hiệu lực sau đó. Đặc biệt, hiện tại Sở Thông tin Truyền thông cũng đã vận hành Cổng thông tin 1022, và qua Cổng thông tin này thì mọi thắc mắc của người dân về thực thị Nghị định 91 sẽ được Sở Thông tin Truyền thông tiếp nhận và xử lý. Chúng tôi cũng khẳng định, trong thời gian sắp tới, Sở Thông tin Truyền thông sẽ có kế hoạch thanh kiểm tra các doanh nghiệp trong việc chấp hành Nghị định 91 này.

* VOH: Cảm ơn ông!

Đọc thêm:

Bình luận