Hãng tin Reuters dẫn lời các nguồn tin thân cận khẳng định, thỏa thuận hợp tác giữa ByteDance - công ty mẹ của TikTok và Oracle không phải là thương vụ mua bán đứt đoạn mà chỉ nhằm mục đích tái cấu trúc hoạt động của ứng dụng này tại thị trường Mỹ, tiến tới xoa dịu phần nào căng thẳng hiện tại giữa Washington và Bắc Kinh.
Thông tin trên được đưa ra khi thời hạn cuối cùng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra đối với thương vụ mua lại TikTok đã gần kề - ngày 15/9. Sau ngày này, nếu TikTok không thỏa thuận thành công với các doanh nghiệp Mỹ, ứng dụng sẽ chính thức bị “cấm cửa” tại thị trường này.
Trước đó, Chính quyền của Tổng thống Trump nhiều lần cáo buộc TikTok và một số ứng dụng đến từ Trung Quốc khác là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Thỏa thuận giữa TikTok và Oracle có gì?
TikTok là ứng dụng được xây dựng trên nền tảng mạng xã hội với nội dung chính là chia sẻ các video dạng ngắn. Sau khi ra mắt, ứng dụng này nhanh chóng thu hút số lượng khổng lồ người dùng trên toàn cầu. Chỉ riêng tại Mỹ, số người dùng đăng ký TikTok đã hơn 100 triệu người. Chính quyền Trump lo ngại ứng dụng này có thể thực hiện đánh cắp dữ liệu và chuyển thông tin người dùng Mỹ về Bắc Kinh. Đáp lại, TikTok nhiều lần phủ nhận và khẳng định công ty này không hề có liên quan đến việc chia sẻ dữ liệu về Trung Quốc.
Tháng trước, tiến trình đàm phán mua lại hoạt động của TikTok đã bị gián đoạn bởi quyết định của Bắc Kinh khi ban hành luật kiểm soát xuất khẩu công nghệ, theo đó công ty mẹ ByteDance của TikTok cần phải xin giấy phép để bán công nghệ cho một công ty Mỹ. Theo Reuters, với động thái này, Trung Quốc dường như thà để TikTok phải đóng cửa ở Mỹ hơn là bị bán lại.
Ngày 14/9, kênh truyền hình nhà nước bằng tiếng Anh CGTN của Trung Quốc đã dẫn nguồn tin cho biết, ByteDance sẽ không bán lại quyền điều hành TikTok tại Mỹ cho cả Microsoft và Oracle, và cũng không cung cấp mã nguồn hay thuật toán của nền tảng công nghệ này cho bất kỳ doanh nghiệp Mỹ nào.
Trở lại thỏa thuận mới nhất giữa ByteDance và Oracle, thì Oracle sẽ trở thành đối tác công nghệ và phụ trách quản lý dữ liệu người dùng của TikTok tại Mỹ. Hiện tại, nguồn dữ liệu này đang được lưu trữ tại hệ thống điện toán đám mây của Alphabet Inc.
Bên cạnh đó, Oracle cũng đang đàm phán để có tên trong danh sách cổ đông của TikTok ở Mỹ. Ngoài Oracle thì một số nhà đầu tư chính của ByteDance hiện nay là General Atlantic và Sequoia cũng sẽ nắm giữ số cổ phần lớn nhất trong hoạt động của TikTok tại xứ cờ hoa.
Lập luận của ByteDance
Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Donald Trump có chấp thuận thỏa thuận giữa ByteDance và Oracle hay không. Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ (CFIUS) - cơ quan phụ trách chính trong vấn đề này - vẫn đang giám sát tiến trình đàm phán giữa hai doanh nghiệp nêu trên.
Về phía công ty mẹ của TikTok - tức ByteDance, công ty này lập luận rằng cách đây hai năm, CFIUS đã từng phê chuẩn việc một công ty Trung Quốc là tập đoàn Oceanwide Holdings mua lại công ty bảo hiểm của Mỹ Genworth Financial cũng với cách thức tương tự, đó là sử dụng một bên thứ ba để quản lý dữ liệu của Genworth.
Từ đó, ByteDance cho rằng trường hợp của mình và Oracle cũng tương tự và hợp lệ, trong đó Oracle có nhiệm vụ bảo vệ dữ liệu người dùng của TikTok tại Mỹ.
Hiện các bên liên quan gồm ByteDance, Oracle và cả Nhà Trắng đều chưa đưa ra phản hồi nào đối với các thông tin trên.
Tại Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân cũng từ chối bình luận về thỏa thuận của TikTok, tuy nhiên ông cho rằng TikTok đang trong tình thế bị “bao vây” và “ép buộc” ở Mỹ.
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Mỹ hãy tạo môi trường cởi mở, công bằng và không mang tính phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp nước ngoài đang làm việc và đầu tư tại Mỹ”, ông Uông nói.
TikTok: Chiếc bánh ngon của các công ty Mỹ?
Chủ tịch Oracle hiện tại - ông Larry Ellison là một trong số ít những nhân vật trong ngành công nghệ đứng sau hỗ trợ cho Tổng thống Trump. Oracle là công ty có năng lực và nền tảng công nghệ vững chắc trong việc xử lý và bảo vệ dữ liệu, tuy nhiên lại không có kinh nghiệm trong mảng truyền thông xã hội vì khách hàng của Oracle thường là các công ty chứ không phải người tiêu dùng trực tiếp.
Ông Jeffrey Towson - giáo sư chuyên ngành đầu tư tại đại học Peking cho biết trong thỏa thuận mới đạt được, quyền hạn của Oracle là quyền truy cập và quản lý, chứ không phải quyền sở hữu đối với giá trị công nghệ cốt lõi của ByteDance - điều tương tự như đối với các công ty phương Tây đang hoạt động ở Trung Quốc.
Trước đó vào ngày 13/9, gã khổng lồ Microsoft đã chính thức thông báo phía ByteDance đã chính thức từ chối lời đề nghị của công ty này về việc mua lại hoạt động của TikTok ở Mỹ.
Microsoft được coi là hãng công nghệ Mỹ có năng lực tài chính tốt nhất để mua lại TikTok. Hãng này đồng thời cũng có khả năng xoa dịu mối lo an ninh quốc gia vốn khiến Tổng thống Trump ra lệnh buộc TikTok bán mảng kinh doanh tại Mỹ.
Được biết, trong cuộc đua giành quyền điều hành TikTok lần này, đứng sau Microsoft còn một ông lớn khác là Walmart - ông trùm ngành bán lẻ ở Mỹ. “Đây là thông tin rất đáng tiếc đối với Walmart. Việc kết hợp tính giải trí, lượng người dùng sẵn có của TikTok với nền tảng thương mại điện tử của Amazon.com là cú hích không thể tuyệt vời hơn”, giáo sư Townson nhận định.