Hội thảo do Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học & Công nghệ), ĐHQG-HCM, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ và Tạp chí Quản lý nhà nước phối hợp tổ chức.
Mục đích của Hội thảo nhằm tạo ra một diễn đàn học thuật cho các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia trao đổi, chia sẻ những ý kiến đóng góp thiết thực trong công tác quản trị nhà nước trước những thay đổi của công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Theo TS. Nguyễn Đăng Quế - Phó Giám đốc điều hành Học viện Hành chính Quốc gia: Quản trị nhà nước không phải quá trình tác động một chiều từ phía nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước tới đối tượng quản lý; đó là quá trình tương hỗ nhiều chiều giữa Nhà nước - Thị trường - Xã hội.
Quá trình đó, dưới sự hỗ trợ của chuyển đổi số, được kỳ vọng sẽ giúp tạo ra những đột phá cả về lượng và chất. Vậy, giải pháp nào để khai thác những tiềm năng, thế mạnh của chuyển đổi số vào hoạt động quản trị nhà nước trong bối cảnh kinh tế - chính trị - xã hội có nhiều biến động như hiện nay?
Đây là câu hỏi cấp thiết đặt ra không chỉ cho Chính phủ Việt Nam, các cơ quan nhà nước, các nhà khoa học và các cá nhân yêu nước; chúng ta cần làm chủ hạ tầng số, làm chủ các nền tảng số, từ đó làm chủ không gian mạng quốc gia dựa trên các sản phẩm “Make in Viet Nam”.
Với hơn 100 bài tham luận gửi đến hội thảo, tác giả là các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã tập trung chia sẻ vào các nhóm chủ đề như tham luận “Một số nền tảng công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số của Chính quyền” do TS. Vũ Đức Kiên - Giám đốc Chiến lược Tập đoàn VNPT Việt Nam trình bày, đã phác thảo những nền tảng công nghệ quan trọng cho thực hiện chuyển đổi số, bên cạnh đó đề xuất những giải pháp kỹ thuật quan trọng cho quá trình chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số cho Chính quyền nói riêng.
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đã lắng nghe nhiều ý kiến trao đổi thảo luận chuyên sâu từ các nhà quản lý và các nhà khoa học tại Hội thảo, như: vấn đề chuyển đổi năng lực lãnh đạo như thế nào để nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước trong bối cảnh chuyển đổi số của TS. Bùi Thị Ngọc Mai - Học viện Hành chính Quốc gia; Xây dựng chính sách dân số ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổ số của ThS. Lê Hồng Hạnh - Học viện Hành chính Quốc gia; “Chính phủ điện tử trong bối cảnh đại dịch Covid-19: nghiên cứu điển hình ở một số quốc gia và bài học cho Việt Nam” của ThS. Nguyễn Thị Huỳnh Như, giảng viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin, ĐHQG-HCM; “Xã hội số, Xã hội 5.0: Những vấn đề cấp bách đặt ra đối với lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam” của ThS. Nguyễn Hữu Hoàng - Học viện Chính trị khu vực II; “Tác động của truyền thông đại chúng đối với vấn đề minh bạch hoá dịch vụ công ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số” do ThS. Trần Trương Gia Bảo - NCS của ĐHKHXH&NV, ĐHQG HN trình bày; “Quản trị tinh gọn made in Vietnam - Giải pháp cho chuyển đổi số bệnh viện công đáp ứng yêu cầu tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện” của ThS. Nguyễn Tiến Thành - NCS Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông.
Theo PGS.TS. Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM: Với ý nghĩa, tầm quan trọng của chủ đề Hội thảo “Quản trị nhà nước trong bối cảnh chuyển đổi số”, ĐHQG-HCM tin tưởng và hi vọng các đại biểu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia tham gia Hội thảo sẽ phát huy tinh thần khoa học, cùng nhau phân tích, thảo luận, chia sẻ những giá trị lý luận và thực tiễn về quản trị nhà nước, chuyển đổi số, cũng như các yêu cầu, thách thức mà chuyển đổi số đã và đang mang lại trong công tác quản trị quốc gia ở Việt Nam hiện nay.
Hội thảo sẽ là nguồn tài liệu quan trọng, có giá trị cao trong nghiên cứu về khoa học quản trị, quản trị nhà nước trong xu thế hội nhập, phát triển và bối cảnh chuyển đổi số. Song song đó, với kết quả nghiên cứu được tổng hợp diễn đàn Hội thảo, sẽ là tài liệu tham khảo chuyên sâu có chất lượng cho công tác quản trị nhà nước hiện nay ở các địa phương, đặc biệt là TPHCM - một đô thị phát triển hàng đầu cả nước, là nơi tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản trị nhà nước.