Chờ...

Hội thảo 'Ứng dụng chuyển đổi số trong nuôi tôm trên địa bàn TPHCM'

(VOH) - Sáng 11/11, Trung tâm khuyến nông thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo trực tuyến “Ứng dụng chuyển đổi số trong nuôi tôm trên địa bàn TPHCM”.

Theo ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm khuyến nông TPHCM, hiện nay, tôm nước lợ là một sản phẩm chủ lực của TPHCM với diện tích nuôi hơn 3000 hec-ta, tập trung ở huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè. Hàng năm, sản lượng thu hoạch trên 10 ngàn tấn, đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp thành phố.

Quá trình chuyển đổi số trong nuôi tôm công nghệ cao đang được quan tâm và khuyến khích bởi đây là quá trình chuyển đổi tất yếu của nền kinh tế nông nghiệp. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào quá trình sản xuất giúp sản lượng tôm có thể tăng lên đến 10 lần so với hình thức thâm canh trước đây, giảm thiểu và hạn chế rủi ro trong quá trình sản xuất cũng như góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường và kiểm soát dịch bệnh.

Ông Phạm Lâm Chính Văn cho biết thêm: "Hiện nay, với chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của TPHCM, người nuôi tôm ở huyện Cần Giờ, Nhà Bè đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm. Cụ thể là chúng ta đã đưa những loại giống có khả năng sạch bệnh, giống có khả năng kháng một số loại bệnh cũng như cho năng suất cao. Thứ 2 là việc ứng dụng một số kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong nuôi tôm, góp phần làm cho năng suất nuôi tôm ở TPHCM bình quân từ 5 tấn/ha tăng lên bình quân 20 tấn/ha/vụ".

Hiện nay ngành nuôi tôm công nghệ cao đem lại lợi nhuận rất cao cho bà con nông dân và có mùa vụ rất ngắn so với các hoạt động nông nghiệp khác. Tuy nhiên, sẽ có những rủi ro nhất định trong việc nuôi tôm. Từ những rủi ro này, đã có xuất hiện những thành kiến, tâm lý e ngại đối với một số nhà đầu tư khi tham gia nuôi tôm và cho rằng việc nuôi tôm có mang yếu tố hên xui.

Hội thảo “Ứng dụng chuyển đổi số trong nuôi tôm trên địa bàn TPHCM” 1
Ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TPHCM và ông Trần Duy Phong, Giám đốc công ty Tép Bạc trả lời câu hỏi của nông dân liên quan đến ứng dụng chuyển đổi số trong nuôi tôm.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Đinh Thế Nhân, Trưởng Bộ môn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, thuộc Khoa Thủy sản, trường đại học Nông Lâm TPHCM, chúng ta nên thay đổi tư duy về nuôi tôm vì nuôi tôm có thể có xảy ra rủi ro nhưng nếu phân tích những rủi ro đó và áp dụng các giải pháp công nghệ phù hợp thì hiệu quả sẽ khác đi.

Hiện nay nhiều nông dân đã rất thành công trong việc nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao: "Tôi hy vọng với trung tâm công nghệ cao của thành phố, nông nghiệp công nghệ cao sẽ thúc đẩy ngành nuôi tôm. Từ những mô hình hiện nay có hiệu quả và mang tính bền vững, chúng ta sẽ nhân rộng lên và làm sao để phần lớn những người nông dân ở Cần Giờ, vùng ven TPHCM có thể tiếp cận được về công nghệ, kỹ thuật cũng như sản xuất tốt với nguồn lợi sẵn có, phát triển hiệu quả ngành nuôi tôm trong tương lai."

Tại hội thảo, có nhiều ý kiến của nông dân, nhà đầu tư xung quanh các vấn đề chuyển đổi số trong nông nghiệp, chuyển đổi số trong nuôi tôm (điều kiện cần thiết để nông dân, người nuôi tôm chuyển từ quản lý truyền thống sang phương thức quản lý chuyển đổi số, sự hỗ trợ từ thành phố, từ ngành nông nghiệp trong chuyển đổi số) đã được các diễn giả, các chuyên gia cũng như Trung tâm khuyến nông thành phố trả lời rõ ràng.

Kết luận hội thảo, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đánh giá: "Chúng tôi mong rằng tất cả chúng ta làm sao cùng chuyển đổi số, tạo ra các giá trị hiệu quả cho nông dân thì sẽ chuyển đổi được phương thức sản xuất, phương thức quản lý và tạo điều kiện để ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Thực sự TPHCM chúng ta làm được thành công những mô hình này thì chắc chắn rằng sẽ lan tỏa các mô hình này, công nghệ này, cách tiếp cận mới này, giúp nông dân ở phía Nam có thể ứng dụng những mô hình mới nhất và tạo ra các giá trị gia tăng lớn nhất".