Tắt sóng 2G gây ảnh hưởng tới người dùng sẽ giải quyết ra rao?

VOH - Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam sẽ thực hiện tắt sóng 2G vào tháng 9/2024 và từng bước tiến tới tắt sóng 3G. Việc tắt sóng sẽ ảnh hưởng như thế nào, giải quyết ra sao?

Điện thoại ‘cục gạch’ bị “khai tử”

Tắt sóng 2G ảnh hưởng tới người dùng như thế nào? 1
Hình minh họa

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, sẽ thực hiện tắt sóng 2G vào tháng 9/2024. Không chỉ 2G mà công nghệ 3G đã được cấp phép từ năm 2009 cũng đang được xem xét để dừng vào thời điểm dự kiến là vào năm 2026.

Khi đó, các điện thoại phổ thông mà người dùng hay gọi đùa là điện thoại "cục gạch" chỉ dùng để “nghe, gọi và chọi” chắc chắn sẽ không còn 2 tính năng nghe và gọi. Khi đó người dùng nếu muốn xài điện thoại đi động sẽ phải chuyển sang dùng điện thoại thông minh 4G, 5G và thậm chí 6G…

Năm 1999, công nghệ sóng 2G xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam. Cho tới thời điểm hiện tại, khi Internet, điện thoại thông minh và các dịch vụ kinh tế số phát triển bùng nổ thì mạng 2G trở nên lỗi thời, lượng người dùng ngày càng giảm mạnh trong khi gây tiêu tốn tài nguyên về dãi tần số quốc gia.

Việt Nam đã lựa chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu trong Chương trình Chuyển đổi Số Quốc gia, cùng với đó là phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh đến từng người dân Việt Nam.

Mục đích của việc tắt sóng 2G là nhằm hướng tới mục tiêu thúc đẩy cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, giúp người dân có thể tiếp cận các dịch vụ công, giao dịch trên môi trường hiện đại với tốc độ cao.

Ngoài ra, việc dừng 2G và tiến tới là dừng 3G giúp tiết kiệm tài nguyên, chi phí vận hành cho các nhà mạng.

Các chuyên gia nhận định, đây sẽ là cuộc cách mạng để thúc đẩy phát triển Chính phủ Điện tử, Kinh tế Số, Xã hội Số, giao dịch điện tử một cách nhanh chóng.

Sau khi tắt 2G, 3G, trên mạng chỉ còn 4G - cung cấp dịch vụ truy cập Intetner tốc độ cao. Tiếp đó hạ tầng của nhà mạng sẽ phục vụ cho công nghệ 5G, tạo điều kiện để đến năm 2030 có thể khai thác công nghệ 6G.

Hiện nay trên thế giới, nhiều quốc gia phát triển đều đã tắt sóng 2G từ lâu. Một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Myanmar, Singapore, Malaysia cũng đã hoặc đang trong tiến trình loại bỏ sóng 2G.

Tắt sóng 2G ảnh hưởng tới người dùng như thế nào? 2
Hình minh họa

Sẽ gây ảnh hưởng đến đối tượng nào, giải quyết ra sao?

Con số thống kê cho biết hiện Việt Nam có khoảng 15 triệu thuê bao 2G đang hoạt động. Khi tắt 2G thì số thuê bao này sẽ bị ảnh hưởng tước tiên. Để thúc đẩy chuyển đổi sang 4G, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các nhà mạng, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp.

Khi sóng 2G bị tắt, chắc chắn gây ra những phiền toái cho một số người dùng đó là những đối tượng như người có thu nhập thấp không đủ khả năng mua smartphone như học sinh, sinh viên và người già không thể và không có khả năng dùng smartphone. Những người nay thực tế nằm trong con số 15 triệu thuê bao nói trên.

Trong quá trình dừng công nghệ di động 2G các doanh nghiệp cần phải triển khai các giải pháp chuyển đổi thuê bao sang sử dụng smartphone 4G/5G với mục tiêu cuối năm 2023 chỉ còn dưới 5% thuê bao 2G.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải có kế hoạch bảo đảm cung cấp các dịch vụ thông tin di động liên tục, không gián đoạn; quyền lợi của người sử dụng dịch vụ khi dừng công nghệ 2G được đảm bảo và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.

Vòng đời thiết bị 2G thường chỉ 3 năm. Các đơn vị trong Bộ Thông tin và Truyền thông đã rà soát, yêu cầu các đơn vị kinh doanh không nhập khẩu thiết bị này. Do vậy các thiết bị 2G đã giảm dần trên mạng lưới”, đại diện Cục Viễn thông cho biết.

Theo Viettel Telecom, tỷ lệ thuê bao 2G chiếm khoảng 16% tổng số thuê bao của Viettel. Đến thời điểm tháng 9/2024, cần dịch chuyển, đưa số lượng thuê bao 2G trên mạng chỉ còn dưới 5% thì doanh nghiệp mới có thể tắt sóng được.

Riêng VNPT hiện còn khoảng 3 triệu thuê bao 2G, tương đương 8% tổng số thuê bao. Còn MobiFone hiện còn khoảng 3 triệu thuê bao 2G. 

VNPT đã kết hợp cả hoạt động kỹ thuật cũng như tuyên truyền cho thuê bao trong khu vực và tiến hành tắt sóng khoảng 10% trạm riêng 2G.

Viettel cũng đã đưa giá dịch vụ 4G xuống rất thấp, tiệm cận và thậm chí là thấp hơn giá dịch vụ 2G để phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của khách hàng.

Khi khách hàng có nhu cầu, MobiFone sẽ hỗ trợ người dùng đổi SIM 2G lên 4G miễn phí và thiết kế các gói cước đa dạng để đào tạo thị trường, giới thiệu cho khách hàng các tính năng mới.

Với những trường hợp này thì Bộ TT&TT cũng đã định hướng giải quyết qua việc Bộ sẽ sử dụng kinh phí từ Quỹ Viễn thông công ích và nguồn xã hội hóa hỗ trợ 400.000 smartphone giá rẻ cho người dùng các đối tượng yếu thế ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để thực hiện tắt sóng 2G.

Hiện Quỹ Viễn thông công ích sẽ dành kinh phí hỗ trợ cho thuê bao là hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa chuyển đổi thiết bị từ 2G sang 4G với khoảng 400 ngàn máy. Hiện Quỹ đang thực hiện thống kế các hộ dân thuộc diện cần hỗ trợ.

Các chính sách kích thích, thúc đẩy người dùng chuyển dịch lên dùng data, dùng máy smartphone, 4G cũng được triển khai. Như khách hàng khi chuyển lên 4G sẽ được trải nghiệm dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định, không phải trả phí tạo ra thói quen cho khách hàng trong việc sử dụng dịch vụ 4G.

Bình luận