Thế nhưng, với những cách làm khác nhau, phương pháp tiếp cận thí sinh mỗi nơi mỗi khác đã khiến ít nhiều sĩ tử và người nhà lần đầu đặt chân đến thành phố không khỏi e dè với những người tình nguyện. Vì vậy, hoạt động tiếp sức mùa thi cần quy về một mối với sự quản lý thống nhất từ trên xuống dưới để chương trình Tiếp sức mùa thi đi vào tính chuyên nghiệp và chiều sâu hơn.
Trong 3 đợt thi vừa qua, nếu có mặt ở các điểm trực như: bến xe, nhà ga… sẽ dễ dàng bắt gặp những chiến sĩ khoác lên mình màu áo xanh tình nguyện của chương trình Tiếp sức mùa thi do Trung tâm Hỗ trợ Học sinh Sinh viên thành phố tổ chức, song song với màu áo xanh khác từ chương trình Chắp cánh ước mơ của bạn, báo Giác Ngộ tổ chức. Hai đội hình trực này cùng tham gia đón, tư vấn và hỗ trợ trực tiếp thí sinh khi vừa xuống xe. Được biết, đội hình báo Giác Ngộ đón thí sinh theo danh sách có sẵn, còn đội hình của Trung tâm thì tiếp cận bất kỳ thí sinh nào không phân biệt đối tượng. Vậy là có trường hợp, thí sinh vừa xuống xe đã được đến hai màu áo cùng tiếp sức, có trường hợp thí sinh chỉ muốn được ở tại chùa, vậy là đội hình này phải giới thiệu sang đội hình kia, hoặc nếu không có trong danh sách sẽ phải chuyển ngược lại. Điều này vừa gây mất thời gian cho cả hai đội, về phía thí sinh cũng không tránh khỏi cảm giác bối rối, như ý kiến sau của sinh viên Võ Văn Quang, đội trưởng đội bến xe miền Tây - chương trình Tiếp sức mùa thi do Trung tâm Hỗ trợ Học sinh Sinh viên TP tổ chức: "Nếu có đề xuất, em nghĩ hai bên nên phối hợp với nhau để tạo một khối đoàn kết lớn hơn, tạo lợi thế về sức mạnh, qua đó thí sinh và phụ huynh biết nhiều hơn về chương trình, giúp đỡ thí sinh nhiều hơn về chỗ ở và có nguồn lực xã hội lớn hơn”.
Vẫn chưa hết, vấn đề chỗ trọ, nhất là chỗ ở ưu đãi, giá rẻ là mối quan tâm hàng đầu của thí sinh vẫn chưa được tận dụng triệt để. Tính cả 3 đợt thi vừa qua, Trung tâm Hỗ trợ Học sinh Sinh viên TP đã giới thiệu và hỗ trợ tổng cộng hơn 76.000 chỗ, trong đó có hơn 12.000 chỗ miễn phí, chưa kể là vẫn còn dư số chỗ trọ đã chuẩn bị. Ngược lại, do một số chùa và điểm thi không gần nhau, nên việc phân bố chỗ ở cho thí sinh chưa đồng đều, dẫn đến tình trạng nơi thừa chỗ, thiếu người, thay vào đó nếu có sự phối hợp giữa các chương trình với nhau ắt hẳn thí sinh nào cũng sẽ được đáp ứng. Đại đức Thích An Đạt, Phó Ban thư ký chương trình hỗ trợ của báo Giác Ngộ cũng nhìn nhận bất cập này: "Có những điểm thi không có nhiều chùa và ngược lại, thành ra số lượng thí sinh cần về một số điểm nào đó lại không đủ chỗ để đáp ứng. Trong khi đó, có nơi dư chỗ nhưng lại không có thí sinh tới. Như vậy, bất cập ở chỗ là chỗ ở chúng ta không phân bố được đồng đều, vì vậy cần thay đổi là huy động thêm nguồn lực từ nhà dân. Chúng ta chưa huy động được nhiều nhà dân, chỉ dựa vào nhà chùa thì chỉ đáp ứng số nhỏ thí sinh và phụ huynh thôi”.
Như vậy có thể thấy, tất cả vì mục đích cao đẹp là cùng hỗ trợ cho thí sinh và phụ huynh, tinh thần thiện nguyện, nếu có sự phối hợp nhịp nhàng với nhau, chắc chắc hiệu quả mang lại sẽ còn nhiều hơn hiện tại. Không chỉ hai chương trình tiếp sức mùa thi song song nhau, còn có 52 trường đại học cao đẳng cùng triển khai tiếp sức cấp trường, cộng với 6 hội đồng hương cũng góp tay, các đoàn thể, nhà thờ, chùa chiền… cùng vào cuộc. Mỗi chương trình đều có sắc thái riêng, hình thức đa dạng phong phú, nguồn lực mỗi tổ chức cũng không giống nhau dễ dẫn đến tình trạng chồng chéo trong việc tiếp cận thí sinh, đồng thời lãng phí các nguồn lực nếu thiếu sự liên kết, chia sẻ nhân lực của nhau. Như chia sẻ của ông Quách Hải Đạt, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Học sinh Sinh viên TP, tiếp sức mùa thi là một hoạt động tình nguyện lớn trong hè với mục tiêu rất cụ thể: tư vấn, hỗ trợ thí sinh đi thi đại học. Cả xã hội từ nhiều năm qua đều công nhận thành công và ý nghĩa của chương trình này. Vì vậy, để nâng tầm chương trình tiếp sức mùa thi lên một bước cao hơn, cần đi vào tính chuyên nghiệp bằng việc thống nhất trong các nội dung hoạt động: “Tôi rất muốn đây là chương trình của cả xã hội, của tất cả các đoàn thể chung tay. Chúng ta không nên phân biệt chương trình này của ai, của tổ chức nào mà đây là chương trình tình nguyện của lực lượng thanh niên cả nước nói chung và thành phố nói riêng. Hy vọng rằng, với tất cả các tổ chức xã hội khác như: báo Giác Ngộ, hội đồng hương… cùng với chương trình Tiếp sức mùa thi, cùng với thanh niên thành phố để đứng ra tổ chức, làm sao khi thí sinh và phụ huynh ở các tỉnh, thành khác lên không bỡ ngỡ và không thấy đây là chương trình có quá nhiều tổ chức đứng ra thực hiện làm phân tâm thí sinh. Chúng ta cùng chung tay, góp sức quy về một mối để làm sao tổ chức chương trình tốt hơn, đứng dưới một màu cờ sắc áo để làm sao Tiếp sức mùa thi trở thành thương hiệu chung của thanh niên thành phố”.
Có thể nói, hoạt động Tiếp sức mùa thi đã để lại dấu son trong lòng xã hội, đó là giá trị nhân văn sâu sắc về lòng yêu thương, sự sẻ chia, về tinh thần tình nguyện và trách nhiệm với cộng đồng. Nếu như được quy về một mối, thống nhất trong một màu cờ sắc áo tình nguyện mang tính chất truyền thống của tiếp sức mùa thi để làm sao cho thí sinh và phụ huynh từ mọi miền về thành phố có thể dễ dàng nhận diện. Với những thành công hiện tại, hoạt động tiếp sức mùa thi trong thời gian tới sẽ đi vào chiều sâu hơn, hiệu quả hơn với nhiều thành phần cùng tham gia, hoạt động đa dạng nhưng cách thức tổ chức chuyên nghiệp, khoa học. Có như vậy, tiếp sức mùa thi sẽ càng vang xa hơn trong lòng mỗi người.