Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với doanh nghiệp quốc tế trong 30 năm qua nhờ cải cách kinh tế nhanh chóng, tài nguyên phong phú và quy mô dân số lớn. Ý kiến được chia sẻ tại Diễn đàn Thành phố thông minh và bền vững do Đại học RMIT vừa tổ chức.
Theo Tiến sĩ Erhan Atay, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế và chương trình Thạc sĩ Kinh doanh quốc tế tại Đại học RMIT: “Trong kỷ nguyên mới này, các thành phố thông minh bền vững – nơi cho phép chuyển giao dữ liệu, công nghệ, ý tưởng và thực tiễn tốt nhất, đồng thời cung cấp môi trường bền vững và đáng sống – có thể ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của các tổ chức kinh doanh quốc tế”.
Ông giải thích rằng nếu như các mô hình toàn cầu hóa trước đây chủ yếu xoay quanh việc buôn bán hàng hoá hữu hình thâm dụng lao động giữa các quốc gia, thì toàn cầu hóa trong giai đoạn mới xoay quanh việc cung cấp dịch vụ kỹ thuật số tích hợp và phi vật thể cho doanh nghiệp và cá nhân. Xu hướng này có thể gọi là “toàn cầu hóa kỹ thuật số” hay “toàn cầu hóa số”.
Chuyên gia RMIT chỉ ra mối quan hệ giữa các mô hình kinh doanh kỹ thuật số mới và thương mại quốc tế như sau: “Các mô hình kinh doanh mới dựa trên ứng dụng Công nghệ thông tin và chia sẻ thông tin tức thì. Những luồng thông tin này sẽ giúp tổ chức và cá nhân thiết lập những mối liên kết mới về thương mại, tài chính và xã hội ở quy mô địa phương, khu vực, quốc gia và quốc tế. Và tất cả các mối liên kết này có thể giúp các đối tác thương mại mở rộng khối lượng giao thương”.
“Trong kỷ nguyên mới này, các thành phố thông minh bền vững – nơi cho phép chuyển giao dữ liệu, công nghệ, ý tưởng và thực tiễn tốt nhất, đồng thời cung cấp môi trường bền vững và đáng sống – có thể ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của các tổ chức kinh doanh quốc tế”, Tiến sĩ Atay nhận định.
Phát biểu tại Diễn đàn Thành phố thông minh và bền vững, lãnh đạo các công ty đa quốc gia cũng đồng ý với quan điểm trên. Ông Bùi Thanh Tuyền, Giám đốc kỹ thuật kiêm Cố vấn cấp cao của công ty tư vấn kỹ thuật quốc tế Aurecon Việt Nam, nhận định: “Các sáng kiến thành phố thông minh bền vững – với mục tiêu thiết lập sự cân bằng lành mạnh giữa các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường – sẽ là tiêu chí quan trọng đối với các khoản đầu tư FDI mới”.
“Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số vững mạnh đặc biệt quan trọng đối với hoạt động của các thành phố thông minh. Vì vậy, chúng ta phải tập trung vào các giải pháp như mạng không dây, quản lý nước và năng lượng thông minh, tái chế nước thải, hệ thống giao thông thông minh, quản lý bãi đậu xe tự động và các giải pháp tương tự”, ông Tuyền cho biết.
Ông Tuyền nhấn mạnh rằng trong quá trình thực hiện, các thành phố tại Việt Nam nên tuân theo những tiêu chuẩn và khuôn khổ quốc tế về phát triển thành phố thông minh.
Trong khi đó, ông Đồng Mai Lâm, Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia, thì nhấn mạnh rằng các thành phố thông minh bền vững sẽ phải dựa nhiều hơn vào kỹ thuật số và năng lượng điện. “Cả khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân đều đang nhận thức rõ hơn về các khía cạnh của tính bền vững, hướng tới trung tính các-bon và phát thải ròng bằng không. Vì vậy, chúng ta phải ứng dụng công nghệ đột phá để làm cho các sản phẩm và hệ thống bền vững hơn và có chất lượng cao hơn”, ông Lâm bổ sung thêm.
Tiến sĩ Erhan Atay cũng đưa ra nhận định: “Việt Nam nên đẩy nhanh các khoản đầu tư vào thành phố thông minh bền vững để duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong 30 năm qua, trở thành nam châm thu hút đầu tư nước ngoài, và trên hết là mang lại cuộc sống chất lượng cao cho người dân”