Ứng dụng AI/IoT trong quản lý môi trường của Đại học Bách khoa TPHCM được tài trợ 250.000 đô la Úc

(VOH) - Dự án này sẽ tập hợp các chuyên gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), công nghệ môi trường và bảo tồn sinh học từ trường ĐH Bách khoa-ĐHQG-HCM và ĐH Wollongong.

Mới đây, Đại sứ quán Úc tại Hà Nội vừa công bố, dự án quản lý môi trường hệ sinh thái với công nghệ AI được thực hiện bởi các giảng viên trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Wollongong (Úc) được Chính phủ nước này tài trợ 250.000 đô la Úc.

Vườn Quốc gia Tràm Chim - Khu Ramsar (tỉnh Đồng Tháp) là một trong những khu vực cuối cùng còn sót lại của hệ sinh thái đất ngập nước đang có nguy cơ bị đe dọa. Vườn Quốc gia mang giá trị du lịch và đa dạng sinh học phong phú với hơn 230 loài chim và 130 loài cá, trong đó có loài sếu đầu đỏ quý hiếm nằm trong sách đỏ thế giới. Công tác quản lý và nghiên cứu môi trường hiện nay tại Vườn Quốc gia Tràm Chim đang gặp nhiều trở ngại do các dữ liệu khảo sát không thường xuyên và đầy đủ.

Ứng dụng AI/IoT, Đại học Bách Khoa, ngày 10 tháng 9 năm 2021
Dự án sẽ đưa những công nghệ kỹ thuật số vào công tác quản lý môi trường tại Vườn Quốc gia Tràm Chim - Ảnh Trường ĐH Bách khoa

Nguyên nhân chính là do thiếu sự hỗ trợ của các công nghệ kỹ thuật số trong việc quản lý một môi trường rộng lớn với thời tiết phức tạp. Điều này đặt ra những thách thức lớn trong công việc quản lý hằng ngày ở Vườn Quốc gia cũng như khi cần đưa ra những quyết định chiến lược. Việc theo dõi, đánh giá và chứng minh tính hiệu quả của các biện pháp quản lý đối với sức khỏe hệ sinh thái của Vườn cũng gặp khó khăn.

PGS.TS Phạm Quốc Cường – Giảng viên Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính (Đồng chủ nhiệm dự án) cho biết: Dự án này sẽ tập hợp các chuyên gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), công nghệ môi trường và bảo tồn sinh học từ trường ĐH Bách khoa-ĐHQG-HCM và ĐH Wollongong để đưa những công nghệ kỹ thuật số vào công tác quản lý môi trường của Vườn Quốc gia Tràm Chim. 

Các đối tác khác của dự án gồm có Microsoft, Vườn Quốc gia Tràm Chim và Tỉnh Đồng Tháp. “Giải pháp của chúng tôi sẽ sử dụng nhiều loại thiết bị IoT để có thể quan trắc thường xuyên và liên tục trên các khu vực rộng lớn. Công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ được sử dụng để phân tích và xử lý lượng lớn dữ liệu thu thập được, để chuyển thành các chỉ số về sức khỏe hệ sinh thái của Vườn Quốc gia Tràm Chim” – PGS.TS Phạm Quốc Cường nói thêm.

Trong đợt tài trợ này, có tổng cộng 4 dự án tại Việt Nam – là liên danh hợp tác giữa các trường đại học, tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp hai nước Úc và Việt Nam, được tài trợ. Các dự án lựa chọn từ gần 70 đề xuất dự án trong đợt kêu gọi tài trợ năm thứ 3 của Chương trình Aus4Innovation với chủ đề “Tăng cường Chuyển đổi số” do Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc tài trợ, Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia với đối tác chiến lược là Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam quản lý.

Chương trình Aus4Innovation triển khai trong giai đoạn 2018-2022 với tổng ngân sách 13,5 triệu đô la Úc nhằm giúp tăng cường năng lực hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam, chuẩn bị cho tương lai công nghệ và nền kinh tế số./.

Bình luận