Thời kỳ dịch bệnh Covid-19 bùng phát, khi nhiều thành phố trên khắp thế giới phải đóng cửa hay phong tỏa, thì các giải pháp hội họp, gặp gỡ hay giải trí đều phải chuyển qua hình thức trực tuyến và Zoom là một trong những ứng dụng được quan tâm nhất hiện nay khi cung cấp các giải pháp hội họp trực tuyến cho người dùng.
Hiện Zoom đã đạt số lượng người dùng đăng ký lên đến hàng triệu người trên khắp thế giới, với nhiều mục đích sử dụng khác nhau từ công việc đến giải trí. Ứng dụng này hiện đang đứng đầu bảng trong danh sách các ứng dụng được sử dụng nhiều nhất ở Mỹ và Anh. Tuần trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đăng tải lên mạng xã hội Twitter bức hình ông đang chủ trì cuộc họp nội các trực tuyến thông qua Zoom.
Zoom hiện là ứng dụng đứng đầu bảng trong danh sách kinh doanh tại nhiều nước trên thế giới. Ảnh: BBC
Tổng chưởng lý bang New York, Mỹ Letitia James đã gửi thư yêu cầu công ty mẹ của Zoom phải quan tâm và nâng cao các biện pháp xử lý thích hợp để đáp ứng lượng người dùng đang tăng mạnh trên toàn cầu. Bức thư cũng nêu rõ ứng dụng này từng bị đánh giá thấp trong việc xử lý các vấn đề liên quan trước đây.
Cụ thể, trong quá khứ Zoom đã ghi nhận những lỗi bảo mật như xuất hiện lỗ hổng cho phép kẻ tấn công đột nhập và “đá” người tham dự ra khỏi các cuộc họp, giả mạo tin nhắn từ người dùng và chiếm quyền điều khiển màn hình chia sẻ chính. Ngoài ra, còn có một trường hợp khác được ghi nhận là người dùng sử dụng máy Mac bị ép buộc tham gia vào các cuộc gọi mà họ không hề hay biết.
Các biện pháp an ninh và bảo mật dữ liệu của công ty này hiện bị nghi ngờ là chưa đủ với số người dùng khổng lồ hiện nay. Đại diện của công ty đã phản hồi: “Zoom luôn nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề về chính sách riêng tư, quyền bảo mật và độ tin cậy.”
Công ty còn cho biết: “Thời kỳ dịch bệnh như hiện nay, chúng tôi luôn nỗ lực để bảo đảm các bệnh viện, trường học và doanh nghiệp trên khắp thế giới đều được kết nối suôn sẻ và điều hành có hiệu quả. Công ty trân trọng và đánh giá cao sự quan tâm của Tổng chưởng lý bang New York về những vấn đề quan trọng này và rất sẵn lòng cung cấp các thông tin liên quan. Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên làm liên lạc với Bộ Quốc phòng Anh và Trung tâm An ninh mạng quốc gia để làm việc về những vấn đề hay cung cấp những tài liệu cần thiết.”
Phía công ty cho hay, hiện có 2.000 tổ chức trên toàn cầu từ các công ty tài chính hàng đầu thế giới đến những nhà cung cấp viễn thông lớn, cơ quan chính phủ, trường học, bệnh viện… đều thực hiện đánh giá toàn diện những trải nghiệm người dùng, hệ thống mạng lưới và trung tâm dữ liệu trước khi tự tin chọn Zoom cho hoạt động của mình.
Đội ngũ Zoom và nhà sáng lập gốc Trung Quốc Eric Yuan (giữa). Đây là một trong những công ty hiếm hoi vẫn ăn nên làm ra trong thời kỳ dịch bệnh. Ảnh: Reuters
Zoom hiện là ứng dụng tỷ đô khi đang có hàng trăm triệu người đăng ký và hàng triệu người mỗi tháng. Theo CNBC, từ đầu năm 2020, cổ phiếu của công ty đã tăng đến 67%. Khi mà Phố Wall chìm trong sắc đỏ trong thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu vì dịch Covid-19, thì giá cổ phiếu Zoom đã tăng 40% - tháng tốt nhất của công ty kể từ khi IPO.
Nhà sáng lập Zoom là Eric Yuan, sinh ra tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ý tưởng được nảy sinh từ khi anh còn là sinh viên năm nhất đại học và phải thường xuyên đi những chuyến xe lửa kéo dài đến 10 tiếng đồng hồ để gặp bạn gái. Eric luôn tưởng tượng đến viễn cảnh có thể trò chuyện, nhìn thấy mặt người yêu mà không phải đi xa. Anh đến thung lũng Silicon vào năm 1997 và gia nhập WebEx. Sau khi WebEx bị mua lại bởi Cisco, Eric cùng hơn 40 kỹ sư thành lập công ty riêng và ra mắt nền tảng Zoom đầu tiên vào năm 2012.