Việt Nam đang ở đâu trong nền công nghiệp bán dẫn?

(VOH) - Vi mạch bán dẫn được xem là nền tảng của công nghệ hiện đại, có vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới bước sang giai đoạn bùng nổ nghiên cứu,và phát triển các công nghệ mới.

Hiện công nghiệp chip bán dẫn trên thế giới đang trong giai đoạn thiếu nguồn cung do chu kỳ sụt giảm đầu tư của lĩnh vực vi mạch bán dẫn giai đoạn 2019 và 2020; ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 và tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung…

Để đảm bảo chuỗi cung ứng và thúc đẩy sản xuất chip bán dẫn trong nước, tháng 8 năm 2022 vừa qua, Mỹ đã phân bổ 50 tỷ đô la Mỹ hỗ trợ ngành công nghiệp chip nội địa của Mỹ, ban hành nhiều chính sách để thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn tại Mỹ, miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp. Ngay từ đầu năm 2022, EU cũng đã phân bổ 49 tỷ đô la Mỹ cho ngành công nghiệp bán dẫn để giảm sự phụ thuộc vào Châu Á, nhằm gia tăng thị phần bán dẫn lên 20% vào năm 2030, đồng thời, đổi mới công nghệ thiết kế, đóng gói chip tiên tiến, hỗ trợ lắp đặt các nhà máy sản xuất tại EU. Nhật Bản chi 5,2 tỉ đô la Mỹ tài trợ các nhà máy chip và đặt mục tiêu doanh số của các công ty sản xuất chất bán dẫn tại Nhật Bản sẽ tăng gấp 3 lần lên 118 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030.

Trong khi Hàn quốc thành lập Ủy ban đặc biệt về hỗ trợ các nhà sản xuất chip bán dẫn nội địa, ngày 13/5/2021, công bố Chiến lược “Vành đai chíp bán dẫn Hàn Quốc” có sự phối hợp của cả khu vực công và tư cùng tham gia với vốn đầu tư 453 tỷ đô la Mỹ đến năm 2030. Hỗ trợ các công ty theo nhiều hình thức khác nhau như giảm thuế, giảm lãi suất, nới lỏng các quy định và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng…

Trung Quốc thành lập Quỹ đầu tư vi mạch quốc gia huy động khoảng 150 tỷ đô la Mỹ từ chính quyền trung ương và các tỉnh để trợ cấp, dưới dạng khu vực, các quỹ cấp tỉnh và quốc gia và các chính sách hỗ trợ đầu ra của sản phẩm và mua lại các công ty trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn, đồng thời tài trợ vốn FDI ra nước ngoài để mua lại các công ty nước ngoài.

Chính phủ Nga có kế hoạch sử dụng gói hỗ trợ trị giá hơn 3.000 tỷ Rúp, tương đương hơn 38 tỷ đô la Mỹ cho các đơn vị phát triển và sản xuất chip bán dẫn nội địa Nga và tập trung vào 4 mảng chính: Phát triển công nghệ chế tạo chip, phát triển công nghệ chip, phát triển thị trường chip nội địa Nga, và đào tạo đội ngũ kỹ sư trong nước.Trong ngắn hạn Nga đặt mục tiêu là tăng cường sản xuất chip nội địa trên tiến trình 90nm vào cuối năm 2022 và tự sản xuất được chip 28nm vào năm 2030. Song song đó, các tập đoàn lớn như Apple, Tesla, Google, Amazon, Baidu,… đang có xu hướng tự thiết kế chip cho các sản phẩm của mình chủ động chuỗi sản xuất và tạo ra sự khác biệt với đối thủ cạnh tranh.

Như vậy, các nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn quốc và Nhật Bản đều đã công bố các kế hoạch trợ cấp cho ngành sản xuất chất bán dẫn, tạo nên thế cạnh tranh trong ngành công nghệ thế giới. Nói về sự đầu tư cho công nghệ, vi mạch của các nước này, Giáo sư Tiến sĩ Đặng Lương Mô, chuyên gia đầu ngành vi mạch bán dẫn nhận định: “Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan chính là làm giàu nhờ vi mạch. Nhật Bản làm ngành vi mạch trước nhất, đến năm 1966, Nhật Bản đã trở thành nền kinh tế tư duy của thế giới, chỉ sau Mỹ. Địa vị nền kinh tế thế giới mà Nhật Bản duy trì kéo dài tới năm 2011 mới nhường địa vị đó cho Trung Quốc. Trung Quốc trở thành trên nền kinh tế thứ nhì thế giới, bởi vì quốc gia này có dân số gấp Nhật Bản 14 lần”.

Như vậy, có thể thấy, các nước đều có chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn theo hướng tự chủ chuỗi cung ứng sản xuất chip của riêng mình. Về giải pháp thực hiện, đều có khoản đầu tư từ Chính phủ rất lớn và có cách đi riêng phù hợp với điều kiện và năng lực của mỗi nước. Ông Bùi Việt Cường, chuyên viên Cục Công nghiệp công nghệ thông tin cũng nhìn nhận: “Trong năm 2021, theo báo cáo tổng giá trị của ngành vi mạch bán dẫn xấp xỉ 600 tỷ đô la, trong đó, một nửa ở khu vực Châu Á. Mỹ là quốc gia chiếm giá trị cao nhất xấp xỉ 5% thị phần trong chuỗi giá trị thiết bị, vật liệu, các sở trí tuệ… Tổng quan hiện nay thì Mỹ và Nhật có vai trò chủ chốt về nguyên liệu, vật liệu và công cụ thiết kế. Thế mạnh của Châu Âu liên quan đến thiết bị để sản xuất. Và Đài Loan, Hàn Quốc chiếm ưu thế trong lĩnh vực về gia công, sản xuất chất bán dẫn”.

Tại Việt Nam, kể từ khi nhà máy Z181 dừng sản xuất bán dẫn cho đến nay, Việt Nam chưa xuất hiện thêm nhà máy sản xuất bán dẫn, chỉ có nhà máy của Intel và một vài công ty FDI làm công đoạn máy lắp ráp, gia công, đóng gói.

Nói về chương trình này, Giáo sư Đặng Lương Mô, chuyên gia đầu ngành, người có nhiều bằng sáng chế khoa học nước ngoài về ngành vi mạch bán dẫn bày tỏ nhiều tiếc nuối: “Chương trình Z181, là chương trình của Giáo sư Trần Đại Nghĩa - lúc bấy giờ cũng là Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về công nghiệp, tương đương với chức Bộ trưởng Bộ Khoa học, công nghệ ngày nay. Ông có gặp tôi đề nghị tôi ra hợp tác, tham gia vào chương trình Z181 của ông. Nhưng lúc bây giờ vì lý do cá nhân tôi không thể đi được, và cũng bởi tôi nghĩ rằng Việt Nam thời đó chưa có những ngành công nghiệp phụ trợ, cho nên khó lòng mới có thể thành công được. Thế nhưng Chương trình Z181 của Giáo sư Trần Đại Nghĩa là rất sáng suốt. Chúng ta biết rằng, tháng 1/1975, Hàn Quốc cũng như Đài Loan, họ vẫn còn gia công lắp ráp. Cho nên có thể nói rằng. Việt Nam chúng ta đã bắt đầu làm vi mạch, có thể ít nhất là tương đương như Hàn Quốc và Đài Loan”.

Việt Nam đang ở đâu trong nền công nghiệp bán dẫn? 1
Phòng thiết kế vi mạch - cơ sở hạ tầng quan trọng đầu tiên của Trung tâm thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh - Chip Design Center - Ảnh: Lệ Loan

Hiện nay, về thiết kế vi mạch thì Việt Nam chỉ có một vài doanh nghiệp làm, chủ yếu một số công ty như: VHT (Viettel), FPT Semiconductor tham gia với khoảng 200 nhân viên. Còn lại khoảng 30 công ty nước ngoài đến từ Nhật, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc đã đầu tư tại Việt Nam cùng với với đội ngũ nhân lực ước tính khoảng 5.000 kỹ sư, có thể đảm nhận công việc ở tất cả các mảng việc trong khâu thiết kế. Trong đó, phân bổ nhân lực tập trung nhiều nhất tại TPHCM (85%), sau đó là Hà Nội (8%) và Đà Nẵng (7%). Nhiều công ty lớn của thế giới về IC design đã mở chi nhánh ở Việt Nam để tận dụng các kỹ sư Việt Nam có trình độ chuyên môn tốt và chi phí lương thấp, như: Qorvo, Renesas, Mircrochip, Synopsys,... tạo ra hàng ngàn kỹ sư thiết kế chip tại Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM khẳng định: “Việt Nam - đứng ở góc độ về năng lực nội sinh - có những điểm tự hào ở góc độ là doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo đó, đóng góp vào 70% sản lượng đóng gói chip toàn cầu của Tập đoàn Intel, cho thấy vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị. Tuy nhiên, sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào trong chuỗi giá trị còn khá hạn chế”.

Hiện nay, các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, sản xuất vi mạch, bán dẫn hiện đã được hưởng các ưu đãi cao nhất trong hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư, thuế, tín dụng, thuê đất, thuê mặt nước,… của Chính phủ Việt Nam. Tuy vậy, dù là lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư nhưng chúng ta chưa có các giải pháp đặc biệt và kế hoạch đầu tư từ nhà nước để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghệp CNTT (Bộ Thông tin Truyền thông) cho rằng: “Một ngành công nghiệp, không chỉ có ưu đãi về chính sách thuế, không chỉ có ưu đãi về đầu tư mà còn cần một lộ trình bài bản, những kế hoạch phù hợp để cả nhà nước và khối tư nhân cùng làm. Tôi mong muốn chúng ta cùng đồng hành và có một lộ trình, chiến lược cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn ở Việt Nam”.

Việt Nam đang phụ thuộc 100% nguồn cung chip bán dẫn từ nước ngoài. Về dài hạn, việc triển khai chiến lược chuyển đổi kinh tế số giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP, đến năm 2030 chiếm 30% GDP sẽ gặp thách thức do Việt Nam khó chủ động về nguồn cung, giá thành chip và thiết bị công nghệ khiến nguy cơ không đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cao hơn. Theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn nên tập trung đầu tư nhà máy sản xuất, tham khảo công nghệ đóng gói hệ thống SIP 2.5D. Có thể tập trung vào các dòng sản phẩm cụ thể, như chip quản lý IC nguồn, chiếm giá trị cao, có ứng dụng, thị trường lớn, phù hợp với nguồn lực của Việt Nam.

Bình luận