Chờ...

Xếp hạng đại học: Không còn cào bằng giá trị của bằng đại học

(VOH) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng trường đại học. Theo đó, các trường đại học được phân thành ba tầng: trường đại học định hướng nghiên cứu, đại học định hướng ứng dụng và đại học định hướng thực hành.

Một giờ học với giảng viên nước ngoài của chương trình Cử nhân Quốc tế trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Ảnh: neufie.edu.vn)

Trong các nhóm đó, tuỳ theo chất lượng các trường đại học được sắp xếp vào ba hạng của khung xếp hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp. Cụ thể, hạng 1 bao gồm 30% các trường đại học có điểm cao nhất; hạng 3 bao gồm 30% các cơ sở giáo dục đại học có điểm thấp nhất và hạng 2 bao gồm 40% các cơ sở giáo dục đại học còn lại.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/10 tới đây.

Theo Bộ GD-ĐT, đây là nội dung quan trọng nhất, khó nhất trong việc thi hành Luật giáo dục Đại học và được ban hành sau hơn 2 năm lấy ý kiến đóng góp của xã hội.

Như vậy, đây là lần đầu tiên các trường đại học được xếp hạng rõ ràng, công khai, tương ứng với mục tiêu đào tạo, định hướng phát triển của mình. Từ đây bức tranh giáo dục đại học VN sẽ thay đổi hoàn toàn.

Để hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên VOH có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.

 

Trường tự đánh giá

* Thưa ông, Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định tiêu chuẩn phân tầng ĐH, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai nghị định này như thế nào, có tiêu chí đánh giá, chấm điểm xếp hạng các trường ra sao?

- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng hướng dẫn cụ thể về đánh giá, chấm điểm các tiêu chí và chọn cơ quan có đủ uy tín và năng lực để thực hiện việc phân tầng xếp hạng. Sắp tới, Bộ sẽ thực hiện và có văn bản hướng dẫn và triển khai.

* Như vậy, các trường tự đánh giá chất lượng của mình hay do một tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đánh giá?

-  Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Có hai phần. Thứ nhất, các trường phải tự đánh giá và gửi kết quả đánh giá đó đến cơ quan được Bộ chọn làm nhiệm vụ phân tầng, xếp hạng. Sau khi nhận báo cáo các trường, cơ quan này sẽ tiến hành đánh giá thẩm định, trong đó sẽ quyết định trường đó thuộc tầng nào, hạng nào.

Như vậy, quy trình đánh giá có 2 bước. Cụ thể, hiện nay các Trung tâm kiểm định chất lượng đã triển khai hoạt động. Bộ đã lập 3 Trung tâm kiểm định ở Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Việc kiểm định chất lượng là một trong những khâu quan trọng để chúng ta phân tầng, xếp hạng. Đến nay, cơ sở pháp lý, văn bản cần thiết cũng đã chuẩn bị tương đối đầy đủ… để khi Nghị định đi vào thực hiện sẽ triển khai ngay.

Cùng một thước đo

* Lâu nay các trường ngoài công lập vẫn cho rằng bị thiệt thòi so với các trường công lập. Nếu thực hiện phân tầng, các trường đại học công lập và ngoài công lập có được đánh giá như nhau hay không?

- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Tất cả các trường đại học công lập và tư thục đều được đánh giá cùng một thước đo như nhau để tạo sự công bằng và bình đẳng chung cho tất cả các trường. Vì vậy, các trường phải phấn đấu để được xếp thứ hạng cao. Các trường phải định hướng lại mình phát triển theo nhóm nào: nghiên cứu, ứng dụng hay thực hành. Bởi vì mỗi nhóm có mục tiêu đào tạo, sứ mệnh khác nhau, nhóm nào cũng quan trọng cả.

Tuỳ theo chiến lược phát triển của trường mà trường phải chọn nhóm phù hợp. Nếu chúng ta không chọn đúng nhóm theo định hướng phát triển thì sẽ rất chệch choạc, trường cũng đào tạo không chất lượng. Ví dụ, nếu trường chọn nhóm nghiên cứu, nhưng lại không có cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ cần thiết, vậy đào tạo nghiên cứu cũng sẽ không chuyên sâu theo định hướng nghiên cứu.

Đây là lần đầu tiên chúng ta có quy định rất cụ thể, bởi vì từ trước tới nay chúng ta chỉ gọi đại học chung chung thôi, không rõ định hướng gì nên cũng rất khó cho các trường. Còn bây giờ có quy định rõ ràng, trường phải theo đuổi sứ mệnh đào tạo của mình, như vậy chất lượng đào tạo nguồn nhân lực sẽ được hài hoà, củng cố và nâng cao.

Các trường có định hướng phát triển rõ ràng

* Thưa ông, với việc phân tầng, xếp hạng các trường ĐH liệu có gây ảnh hưởng đến tâm lý chọn ngành, chọn trường ở học sinh?

- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Rõ ràng khi chúng ta tiến đến phân tầng, xếp hạng, chúng ta phải công khai chất lượng đào tạo của các trường, sau này chúng ta không còn cào bằng giá trị của bằng đại học nữa. Bằng đại học là bằng của trường nào cấp, cũng giống như nước ngoài giá trị bằng của các trường sẽ khác nhau đối với nhà tuyển dụng.

Đại học tốp trên, bằng sẽ khác biệt nhiều so với trường tốp dưới. Phải công khai như vậy để nhà tuyển dụng, xã hội, thí sinh được biết chất lượng của các trường. Điều này khuyến khích các trường cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng. Đồng thời cũng khuyến khích thí sinh, muốn vào trường tốp cao thì phải học tập nỗ lực nhiều hơn mới thi được vào những trường như vậy. 

* Đây là lần đầu tiên các trường chính thức phân tầng, biết được thứ hạng của mình như thế nào. Như vậy, bức tranh giáo dục đại học VN sau phân tầng sẽ ra sao?

- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Chúng ta sẽ có một nhóm các trường đại học nghiên cứu, đó là những trường tinh hoa chuyên đào tạo về khoa học cơ bản, phát triển công nghệ nguồn rất quan trọng để hướng đến nền kinh tế tri thức.

Nhóm trường này sẽ không nhiều, Nhà nước sẽ đầu tư vào để có những công trình nghiên cứu cơ bản, những công nghệ nguồn để phát triển công nghệ ứng dụng về sau. Thứ hai, một số lớn các trường theo định hướng ứng dụng, còn lại một số trường theo định hướng thực hành. Việc phân tầng các nhóm trường này cũng không nhất thiết các khoa, các ngành phải cùng bản chất của nhóm đó. Ví dụ, đại học nghiên cứu thì không phải tất cả các khoa, các ngành đều theo nghiên cứu cả, trong đó cũng có thể có các khoa, ngành theo hướng ứng dụng và ngược lại.

Vì vậy, chúng ta có thể hình dung bức tranh giáo dục đại học VN sắp tới rất hoàn chỉnh, hệ thống rạch ròi minh bạch để cho các trường có định hướng phát triển rõ ràng, còn Nhà nước cũng có định hướng đầu tư khuyến khích lĩnh vực nào, trường nào phát triển trong từng giai đoạn chứ không phải đầu tư cào bằng như lúc chưa phân tầng.

* Cám ơn ông.