Hầu hết mọi người đều phải đối mặt với mụn đầu đen ít nhất một lần trong đời, trừ những trường hợp thực sự may mắn sở hữu làn da hoàn hảo hay có thói quen skincare chuẩn mực. Sự xuất hiện của những chấm đen nhỏ trên mũi, má, trán không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn thôi thúc hành động nặn loại bỏ. Tuy nhiên, nếu không biết cách nặn mụn đầu đen đúng và an toàn thì chúng ta sẽ rất dễ để lại tổn thương, thâm, sẹo. Vì vậy, nếu có ý định tự xử lý tại nhà thì bạn nhớ nằm lòng hướng dẫn chi tiết sau.
1. Cách nặn mụn đầu đen an toàn tại nhà
1.1 Bước 1: Chuẩn bị
- Dụng cụ nặn mụn đầu đen như cây nặn mụn, nhíp nặn mụn… (không nên nặn mụn bằng tay hay móng tay)
- Tăm bông/ bông tẩy trang sạch
- Khăn bông mềm và sạch
- Nước hoa hồng hoặc astringent
- Gương
1.2 Bước 2: Xác định mụn đầu đen
Cách nặn mụn đầu đen của bạn có hiệu quả tới đâu mà đối tượng được nhắm đến – tức mụn đầu đen – không chính xác thì cũng không có kết quả, thậm chí là làm da tổn thương nhiều hơn. Thông thường, mụn đầu đen sẽ tập trung ở các khu vực có nhiều tuyến dầu như mũi, má, trán… song hãy phân biệt chúng với sợi bã nhờn (bã nhờn tích tụ trong lỗ chân lông) vì việc loại bỏ nhầm vừa không giải quyết được vấn đề vừa gây hại cho da.
Xem thêm: Bí kíp ‘quét’ sạch sợi bã nhờn trên mũi và dưới cằm để da luôn sạch mịn
1.3 Bước 3: Làm sạch da và xông mặt
Chuẩn bị một làn da sạch sẽ và làm mềm vùng da cần nặn mụn là bước cần thiết với mọi cách nặn mụn đầu đen hiệu quả và an toàn. Vì vậy, hãy đảm bảo quy trình của bạn có đủ 2 bước sau:
- Rửa mặt với sữa rửa mặt dịu nhẹ để loại bỏ hết cặn bẩn, dầu thừa, tạp chất… giúp việc nặn mụn diễn ra thuận lợi hơn đồng thời tránh nguy cơ khiến vết nặn mụn bị nhiễm bẩn, nhiễm trùng.
- Xông mặt với hơi nước nóng (máy xông mặt, nước xông mặt tự làm) để làm mềm da, nới lỏng cặn bẩn mắc kẹt trong lỗ chân lông giúp việc loại bỏ trở nên dễ dàng hơn cũng như hạn chế tối đa việc làm tổn thương da.
Xem thêm: Đẩy sạch mụn, se nhỏ lỗ chân lông với 5 bước xông mặt đơn giản tại nhà
Tips làm mềm da khác:
- Đắp khăn ấm lên vùng da nặn mụn đầu đen.
- Sau khi rửa mặt hoặc tắm với nước ấm, thoa một lớp kem dưỡng ẩm dày lên vùng nặn mụn rồi che lại bằng màng bọc thực phẩm, đắp thêm 1 chiếc khăn ấm lên trên, chờ vài phút rồi loại bỏ.
1.4 Bước 4: Rửa tay và vệ sinh dụng cụ nặn mụn
Để ngăn chặn sự lây lan của bụi bẩn, vi khuẩn… cũng như tình trạng nhiễm trùng thì chúng ta buộc phải thực hiện nghiêm túc việc rửa tay với xà phòng và vệ sinh dụng cụ nặn mụn với cồn y tế.
1.5 Bước 5: Nặn mụn đầu đen
Cách nặn mụn đầu đen bằng tay
- Dùng bông tẩy trang, gạc hoặc khăn giấy sạch để tạo thành rào cản giữa tay và mụn đầu đen. Lưu ý không nên dùng móng tay nặn mụn trong mọi trường hợp.
- Nặn mụn đầu đen bằng cách đặt ngón tay ở bên cạnh nốt mụn nhưng không quá gần và không ấn trực tiếp lên nốt mụn để loại bỏ hết được nhân từ các lớp sâu hơn của da. Tạo áp lực nhẹ và đều xuống từ phía bên mụn đầu đen đồng thời di chuyển các ngón tay nhằm tạo điều kiện đẩy tạp chất lên cũng như tránh để lại vết trên da.
- Khi mụn đầu đen bắt đầu bật ra, giảm lực rồi sử dụng thao tác kéo nhẹ lên (ngược với thao tác nặn) để giảm thiểu nguy cơ đẩy ngược tạp chất vào sâu trong da. Dùng tăm bông/ bông tẩy trang sạch để lau sạch phần nhân mụn vừa được loại bỏ và các vùng da xung quanh.
- Nếu thao tác trên không hoạt động thì có nghĩa là nốt mụn đầu đen của bạn vẫn chưa thể được loại bỏ, việc cố gắng tác động sẽ làm tăng nguy cơ để lại thâm sẹo nên tốt nhất là hãy cho da thời gian hồi phục (vài ngày) trước khi thực hiện lại.
Cách nặn mụn đầu đen bằng dụng cụ nặn mụn
- Đặt cây nặn mụn/ nhíp nặn mụn lên da sao cho nốt mụn đầu đen lọt vào giữa vòng tròn/ 2 bên đầu nhíp. Trong đó, thân cây nặn mụn song song với bề mặt da, thân nhíp nặn mụn vuông góc với vị trí nặn và đầu nhíp tiếp xúc với da là phần đầu cong.
- Nhẹ nhàng ấn vào phía bên của mụn cho đến khi chúng bắt đầu bật ra, khi đó, nhớ áp dụng lực chậm và đều tay đồng thời đổi thao tác kéo mụn ra (ngược hướng nặn mụn) khi có thể. Dùng tăm bông hoặc bông tẩy trang để vệ sinh sạch vùng da vừa nặn mụn.
- Với trường hợp việc chiết xuất mụn không dễ dàng thì đừng cố gắng tiếp tục, hãy cho da thời gian hồi phục trước khi thử lại.
1.6 Bước 6: Làm sạch và làm dịu da bằng toner hoặc astringent
Sau khi áp dụng xong 1 trong 2 cách nặn mụn đầu đen ở trên và thành công, hãy lau nhẹ vùng da nặn mụn bằng nước hoa hồng hoặc astringent để làm dịu, tiêu diệt vi khuẩn, loại sạch cặn bẩn và giúp lỗ chân lông thông thoáng, se mịn hơn.
Xem thêm: 10 phương pháp ‘đặc trị’ lỗ chân lông to mà bạn nên biết
2. Những điều cần biết trước khi nặn mụn đầu đen tại nhà
2.1 Có nên nặn mụn đầu đen?
Nhìn chung, việc nặn mụn đầu đen sẽ an toàn hơn so với những loại mụn viêm vì nguy cơ bị nhiễm trùng và để lại sẹo thâm của chúng ít hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta có thể thoải mái thực hiện mà không cần lo lắng. Những cách điều trị mụn đầu đen và chế độ chăm sóc nhẹ nhàng vẫn nên được ưu tiên vì xét cho cùng đây mới là cách ngăn ngừa cũng như “diệt” mụn đầu đen hiệu quả, bền vững nhất.
Xem thêm: Nắm ngay bí kíp này, bạn sẽ diệt trừ tận gốc mụn đầu đen ngay tại nhà mà không hề đau đớn
2.2 Có nên đi nặn mụn đầu đen không?
Với sự trợ giúp của bác sĩ da liễu hay chuyên gia thẩm mỹ có chuyên môn, việc nặn mụn đầu đen sẽ được thực hiện đúng cách, an toàn, hiệu quả và không để lại tổn thương cho da. Do đó, đi nặn mụn tại các địa điểm uy tín, chất lượng được xem là giải pháp khá ổn và nên tham khảo.
2.3 Có nên dùng tay nặn mụn đầu đen?
Nặn mụn đầu đen bằng tay là việc không được khuyến khích. Trong trường hợp không có dụng cụ nặn mụn bạn cần phải rửa tay sạch sẽ và sử dụng khăn giấy, tăm bông… để tạo ra hàng rào giữa da mặt và tay, tránh nặn mụn trực tiếp bằng tay.
2.4 Nặn mụn đầu đen vào thời điểm nào là tốt nhất?
- Mụn đầu đen được nặn phải là nốt mụn già.
- Tốt nhất nên nặn mụn đầu đen vào buổi tối để da có thời gian hồi phục.
2.5 Nặn mụn đầu đen xong nên làm gì?
Sau khi áp dụng các cách nặn mụn đầu đen, bạn nên:
- Làm dịu, làm sạch da bằng nước hoa hồng hoặc astringent.
- Tránh chạm vào vùng da vừa nặn mụn cho đến khi chúng lành hẳn.
- Hạn chế để vùng da nặn mụn tiếp xúc với bụi bẩn, chất kích thích…
- Duy trì thói quen chăm sóc da cơ bản, nhẹ dịu, tạm thời dừng sử dụng những sản phẩm có thể tác động mạnh vào da.
- Chú trọng làm sạch, dưỡng ẩm và thoa kem chống nắng đều đặn để thúc đẩy quá trình hồi phục cũng như ngăn ngừa việc vết nặn mụn bị đổi màu dẫn đến thâm sẹo.
- Chủ động xây dựng cho mình quy trình chăm sóc da, ngừa và trị mụn đầu đen hiệu quả để khiến chúng không có cơ hội quay lại.
Xem thêm: ‘Tiễn nhanh’ mụn đầu đen và lỗ chân lông to với công thức mặt nạ đơn giản tại nhà
3. Cách ngăn ngừa mụn đầu đen hiệu quả tại nhà
Nặn mụn đầu đen chỉ là giải pháp tạm thời hoặc dành cho những nốt mụn có thể được loại bỏ dễ dàng do đó muốn tiêu diệt tận gốc vấn đề này thì bạn cần phải xây dựng cho mình một quy trình skincare phù hợp, hiệu quả với những điều cần lưu ý như:
- Chú ý việc làm sạch da, không quên tẩy tế bào chết.
- Dưỡng ẩm và thoa kem chống nắng đều đặn.
- Bổ sung các thành phần, sản phẩm, bước chăm sóc có lợi với việc giảm thiểu tình trạng tắc lỗ chân lông như AHA, BHA, PHA, retinoids, mặt nạ đất sét, mặt nạ than hoạt tính, xông mặt… vào thói quen của bản thân.
- Tránh sử dụng các sản phẩm chăm sóc da, mỹ phẩm chứa thành phần dễ gây tắc lỗ chân lông.
Xem thêm: Tips ‘dọn sạch’ mụn đầu đen tại nhà giúp bạn lấy lại làn da láng mịn, rạng rỡ
Áp dụng cách nặn mụn đầu đen đúng và hiệu quả tại nhà, bạn sẽ vừa xử lý được vấn đề vừa tránh được nguy cơ bị thâm sẹo do thao tác sai cách. Vì vậy, đừng quên lưu lại hướng dẫn ở trên và sử dụng trong những trường hợp cần thiết.
Nguồn ảnh: Internet