Mặc dù nặn mụn không phải là việc được khuyến khích song so với việc tự ý thực hiện thì chắc chắn tìm hiểu cách tốt nhất để thực hiện sẽ giúp bạn giảm thiểu tối đa nguy cơ gặp phải vấn đề. Do đó, đừng bỏ qua 5 bước nặn mụn đúng cách tại nhà sau.
-
Những loại mụn có thể nặn
Có những loại mụn bạn có thể nặn tại nhà nhưng cũng có những loại mụn tuyệt đối không nên tự ý nặn nên hãy chú ý
- Mụn đầu trắng: là loại mụn xuất hiện khi tế bào da chết, dầu và vi khuẩn bị mắc kẹt trong lỗ chân lông.
- Mụn đầu đen: cũng có nguyên nhân hình thành tương tự như mụn đầu trắng nhưng do lỗ chân lông của chúng mở nên bị oxy hóa và chuyển thành màu đen.
- Mụn mủ (nhẹ): có hình dáng giống mụn đầu trắng nhưng vùng da xung quanh có màu đỏ và bị viêm. Chúng có chứa mủ hoặc chất lỏng và loại an toàn nhất để có thể xử lý tại nhà là loại nằm gần bề mặt da, không ăn sâu và không có màu đỏ.
- Các loại mụn nhẹ, nhỏ, có nhân nổi lên, đã “già”, “chín” và có thể dễ dàng loại bỏ bằng thao tác nặn đơn giản.
Với các loại mụn còn lại, đặc biệt là mụn ăn sâu vào dưới bề mặt da hay bị viêm nặng thì chúng ta cần phải có sự giúp đỡ của bác sĩ, không nên tự ý nặn, xử lý tại nhà. Ngoài ra, nếu nốt mụn của bạn ở các vị trí hiểm như chóp mũi, mép, khóe mắt thì cũng tuyệt đối không nên nặn.
-
Nên nặn mụn vào thời điểm nào?
- Nếu thực sự muốn nặn mụn, bạn nên chờ cho đến khi nhân mụn khô, trồi lên bề mặt hoặc mụn đã “già”, “chín” hẳn để có thể thao tác dễ dàng đồng thời hạn chế tối đa nguy cơ làm tổn thương da.
- Sau khi nặn mụn, da cũng cần có thời gian để hồi phục nên thời điểm lý tưởng nhất để thực hiện việc này là vào buổi tối.
-
Các bước nặn mụn đúng cách tại nhà
Các dụng cụ dùng để nặn mụn, tiếp xúc với da trong quá trình nặn mụn cần được vệ sinh sạch sẽ
Bước 1: Vệ sinh
- Làm sạch, vệ sinh tất cả những dụng cụ mà bạn định sử dụng trong quá trình nặn mụn, sát khuẩn dụng cụ nặn mụn (nếu dùng) hay gương soi… để đảm bảo an toàn, giảm thiểu tối đa nguy cơ gây ra nhiều tổn thương hơn cho làn da.
- Làm sạch da như thông thường, chú ý sử dụng sản phẩm nhẹ nhàng.
- Rửa tay sạch sẽ với xà phòng kháng khuẩn trong ít nhất 20 giây.
Đắp khăn ấm giúp lỗ chân lông mở rộng và làm mềm da
Bước 2 : Làm mềm bề mặt da
Việc làm mềm bề mặt da sẽ cho phép chúng ta nặn mụn một cách dễ dàng hơn, đôi khi là khiến nhân mụn có thể tự nổi lên từ đó hạn chế việc gây tổn thương, do đó bạn có thể lựa chọn một trong những cách sau :
- Tắm với nước ấm trước khi nặn mụn để giúp lỗ chân lông mở rộng.
- Xông mặt (khu vực mụn) với nước ấm trong khoảng 5 phút trước khi nặn mụn.
- Đắp gạc ấm (sạch) lên mụn trong khoảng 5 phút trước khi nặn mụn.
Bạn có thể dùng dụng cụ nặn mụn hoặc gạc/ bông tẩy trang sạch cuốn vào tay để loại bỏ mụn với lực ấn vừa phải
Bước 3 : Nặn mụn
- Sau khi làm mềm bề mặt da, bạn dùng khăn bông sạch thấm khô hết nước rồi sát trùng vùng da quanh mụn bằng cồn y tế.
- Dùng gạc sạch quấn quanh đầu ngón tay hoặc tăm bông sạch để ấn nhẹ xuống 2 bên của mụn, tuy nhiên chúng ta chỉ thao tác ở vùng da xung quanh chứ không ấn trực tiếp lên đỉnh của nốt mụn.
- Khi thấy đầu mụn nổi lên, bạn có thể nhẹ nhàng ấn 2 bên của mụn trong 1 – 2 giây để chúng có thể thoát ra ngoài. Dùng bông, gạc sạch để loại bỏ nhân mụn hoặc chất dịch, máu chảy ra từ mụn.
- Nếu mụn không được loại bỏ một cách dễ dàng hay bạn cảm thấy đau thì hãy dừng lại vì đó là dấu hiệu cho thấy nốt mụn chưa sẵn sàng để được nặn. Việc cố gắng nặn mạnh tay hơn, ở nhiều góc độ hơn có thể dẫn đến viêm.
Lưu ý :
- Không dùng nhiều lực lên da khi nặn mụn.
- Không nặn mụn trực tiếp bằng tay, đặc biệt là móng tay.
- Chú ý loại bỏ sạch nhân mụn hay chất dịch trong mụn.
Sau nặn mụn bạn cần chăm sóc da thật cẩn thận và kỹ càng
Bước 4 : Chăm sóc da sau nặn mụn
Chăm sóc da sau nặn mụn đóng vai trò rất quan trọng vì nếu không cẩn thận bạn sẽ rất dễ khiến vết thương bị kích ứng từ đó dẫn đến viêm và sẹo. Vì vậy, ngoài việc chú ý giữ vệ sinh cho da, làm sạch nhẹ nhàng thì chúng ta cũng nên quan tâm, điều chỉnh các sản phẩm mà mình sử dụng hay thói quen skincare hàng ngày.
>>>Xem thêm : 7 bước chăm sóc, phục hồi làn da sau nặn mụn tại nhà
Ngăn ngừa mụn mới hình thành là việc cần thiết để tránh phải đối mặt với vấn đề nặn mụn hay trị mụn
Bước 5 : Ngăn ngừa mụn mới hình thành
So với việc phải đối mặt và tìm cách loại bỏ các nốt mụn thì việc hình thành cho mình một thói quen skincare tốt, có khả năng ngăn ngừa mụn hình thành sẽ giúp bạn có được làn da khỏe mạnh hơn đồng thời không phải đau đầu với các vấn đề như nặn mụn hay sẹo mụn. Do đó, đừng quên bổ sung thêm các sản phẩm chăm sóc da chứa salicylic acid, benzoyl peroxide hay mặt nạ đất sét, mặt nạ than hoạt tính, tinh dầu tràm trà… vào routine của mình.
Nặn mụn không phải là việc được khuyến khích thực hiện, đặc biệt là khi tự xử lý tại nhà. Tuy nhiên, dù thế nào thì chúng ta cũng cần phải nắm được phương pháp nặn mụn đúng cách để có thể bảo vệ làn da của mình cũng như hạn chế tối đa tổn thương có thể gặp phải sau quá trình này.
Nguồn ảnh : Internet
Top 7 sữa rửa mặt trị mụn đầu đen, làm sạch sâu và làm sáng da hiệu quả: (VOH) – Làm sạch da đóng vai trò rất quan trọng với việc ngăn ngừa và loại bỏ mụn đầu đen. Vì vậy, muốn lấy lại làn da sáng mịn tự nhiên thì bạn nhất định phải chọn được sữa rửa mặt phù hợp, hiệu quả.
6 phương pháp trị mụn cám tại nhà giúp da dẻ trơn láng, sạch mịn: (VOH) – Mụn cám li ti ở mũi, cằm và trán… nếu không được giải quyết kịp thời sẽ dễ phát triển thành dạng mụn nặng. Tuy nhiên, làm thế nào để trị mụn cám tận gốc tại nhà vừa nhanh lại vừa hiệu quả?