Chờ...

6 tác dụng của dầu đậu phộng và lưu ý khi chọn mua

(VOH) - Có khá nhiều loại chế phẩm giàu dinh dưỡng được sản xuất từ đậu phộng. Trong số đó, phải nhắc tới dầu đậu phộng – loại dầu thực vật đang được lựa chọn và tin dùng.

Chúng ta thường có xu hướng ưa thích những món ăn xào hoặc chiên, tuy nhiên, để chế biến cần sử dụng lượng lớn dầu mỡ. Dầu đậu phộng có thể coi là một trong những loại dầu ăn thay thế mỡ động vật, vừa giúp món ăn trở nên thơm ngon vừa tốt cho cơ thể. 

1. Tác dụng của dầu đậu phộng

Vốn được chiết xuất từ đậu phộng bổ dưỡng nên dầu đậu phộng đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.

1.1. Cải thiện sức khỏe tim mạch 

Việc sử dụng dầu đậu phộng sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng bệnh liên quan đến tim mạch vì loại dầu này có một lượng lớn chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thay thế chất béo bão hòa bằng hai loại chất béo này còn có thể làm giảm cả nồng độ cholesterol xấu

1.2. Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường

Tiếp nạp chất béo không bão hòa trong dầu đậu phộng có thể làm chậm quá trình hấp thụ đường khi tiêu hóa. Đặc biệt, các thành phần trong dầu sẽ hỗ trợ cơ thể tiết insulin, giúp các tế bào hấp thụ glucose và giữ cho lượng đường trong máu của bạn không quá cao.

Xem thêm: Nếu không muốn ‘ôm’ bệnh tiểu đường suốt đời thì bạn nên biết những điều này trước khi quá muộn

1.3. Trị táo bón

Lượng chất xơ trong dầu đậu phộng góp phần không nhỏ trong việc cải thiện khả năng hoạt động của hệ tiêu hóa, hỗ trợ đào thải phân của cơ thể cũng như hạn chế tình trạng táo bón, khó tiêu. 

1.4. Phục hồi tóc

voh.com.vn-dau-dau-phong-0
Dầu đậu phộng hỗ trợ phục hồi tóc hư tổn (Nguồn: Internet)

Dầu đậu phộng cung cấp một lượng lớn vitamin E – dưỡng chất cần thiết để phục hồi tóc hư tổn. Axit béo trong dầu cũng kích thích sự phát triển nang tóc mới. Hơn nữa, nếu sử dụng hỗn hợp dầu đậu phộng và nước chanh để mát xa da đầu có thể khử trùng, chữa trị gàu.

1.5. Giảm viêm khớp

Các thành phần trong dầu đậu phộng có tính chống viêm cao nên có thể kiểm soát nguy cơ viêm, đặc biệt là viêm xương khớp. Người mắc chứng viêm khớp hay các bệnh về xương khớp nên bổ sung thêm dầu đậu phộng vì đây là nguồn cung cấp canxi khá dồi dào.

Xem thêm: 12 thực phẩm giúp bổ sung canxi cho xương khỏe

1.6. Phòng chống ung thư

Dầu đậu phộng có chứa Polyphenol – một trong những chất chống oxy hóa quan trọng cho cơ thể. Đáng chú ý, loại chất này sẽ ngăn chặn sự hình thành của các gốc tự do gây nên các bệnh ung thư nguy hiểm. 

2. Bí quyết chọn mua dầu đậu phộng

Bên cạnh việc hiểu được tác dụng của dầu đậu phộng dành cho sức khỏe, bạn cũng cần biết cách lựa chọn dầu chất lượng để an tâm khi sử dụng. 

2.1. Các phương pháp chiết xuất dầu đậu phộng phổ biến

Các nhà sản xuất đã thiết kế khá nhiều phương pháp chiết xuất dầu từ đậu phộng. Cùng tìm một số phương pháp thông dụng dưới đây:

  • Dầu đậu phộng ép lạnh: Theo phương pháp này, đậu phộng được nghiền và ép ra dầu ở nhiệt thấp. Vì chu trình diễn ra khá đơn giản nên giữ được vị nguyên bản của đậu phộng. 
  • Dầu đậu phộng chưa qua tinh chế (dầu thô): Loại dầu này chưa qua tinh chế, đậu phộng thường được rang hoặc sấy trước khi đem đi ép chín để ra dầu, đem đến hương vị đậm đà hơn.  
  • Dầu đậu phộng tinh luyện: Là dầu đã được tách thành phần protein ra khỏi đậu phộng bằng các quá trình cơ học và hóa học. Sau đó, đậu phộng được hấp và nghiền ở nhiệt độ cao. Trước khi thu được dầu, sẽ có thêm công đoạn tẩy trắng và khử mùi để loại bỏ hầu như tất cả các chất gây dị ứng. Người bị dị ứng đậu phộng có thể sử dụng loại dầu đậu phộng chiết xuất theo phương pháp này.
  • Dầu đậu phộng pha: Để tiết kiệm chi phí sản xuất và giảm giá thành, nhà sản xuất có thể trộn lẫn dầu đậu phộng với các loại dầu thực vật khác như dầu đậu nành.

2.2. Kinh nghiệm chọn mua dầu đậu phộng

voh.com.vn-dau-dau-phong-1
Dựa trên mùi vị và màu sắc để chọn dầu đậu phộng (Nguồn: Internet)

Dầu đậu phộng là thành phẩm sau cùng của quá trình tách dầu từ đậu phộng, chính vì lý do đó nên khó có thể kiểm soát chất lượng của nguồn nguyên liệu ban đầu. Có hai cách đơn giản giúp bạn xem xét dầu đậu phộng đạt tiêu chuẩn hay không.

  • Đánh giá màu sắc: Dầu đậu phộng đạt chất lượng cao thì có màu vàng tươi, có chút sắc cam. Loại dầu kém chất lượng có màu sậm hơn, không sáng và hơi xỉn màu. Nếu dầu chứa hàm lượng nước và tạp chất thấp thì sẽ trong suốt.
  • Đánh giá mùi vị: Dầu đậu phộng chất lượng tốt có mùi bình thường, đặc trưng rõ rệt của đậu phộng, không hôi, không cháy khét, không có mùi lạ hay mùi khó chịu gì khác.

2.3. Lưu ý khi sử dụng và bảo quản dầu đậu phộng 

Để có thể tận dụng tối đa công dụng của dầu đậu phộng, cần sử dụng và bảo quản dầu đúng quy cách. 

  • Không nên dùng dầu đậu phộng chiên đi lại nhiều lần vì vitamin A, E có trong dầu sẽ bị phá hủy.
  • Khi chế biến, bạn chỉ cần cho một lượng dầu vừa phải bởi dầu đậu phộng nguyên chất sẽ đậm đặc hơn các loại dầu khác, nếu cho nhiều có thể gây cảm giác ngán ăn. 
  • Bảo quản dầu ở nơi khô ráo thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và phải đậy nắp sau mỗi lần sử dụng.
  • Nếu bạn không thích mùi của dầu đậu phộng, có thể cho dầu vào chảo đun nhỏ lửa rồi cho vài giọt nước sôi nguội vào thì mùi dầu sẽ không còn nữa.

3. Hàm lượng dinh dưỡng của dầu đậu phộng

Thêm dầu đậu phộng khi chế biến món ăn không những đem lại hương vị thơm ngậy, còn bổ sung rất nhiều chất dinh dưỡng quan trọng. Dưới đây là hàm lượng dinh dưỡng của một muỗng canh dầu đậu phộng.

  • Calo: 119
  • Chất béo: 14 gam
  • Chất béo bão hòa: 2.3 gam
  • Chất béo không bão hòa đơn: 6.2 gam
  • Chất béo không bão hòa đa: 4.3 gam
  • Vitamin E: 11% giá trị hàng ngày
  • Phytosterol (sterol thực vật): 27,9 mg

Dầu đậu phộng là loại dầu thực vật nhiều dưỡng chất, tuy nhiên, khi sử dụng cần theo dõi tình hình sức khỏe để tránh mắc dị ứng do đậu phộng gây ra. Hãy nhớ thay đổi các hình thức chế biến món ăn, hạn chế ăn các món ăn chiên xào, chứa nhiều dầu.