Việc ăn trái cây mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, vì hầu hết các loại trái cây đều chứa nhiều vitamin, chất xơ và đặc biệt là chất chống oxy hóa. Tuy nhiên, không phải nó tốt thì ăn lúc nào cũng được. Ăn trái cây không đúng thời điểm không những cơ thể không hấp thu các chất dinh dưỡng mà còn có thể gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là hệ tiêu hóa.
1. Nên ăn trái cây lúc nào?
Trong chế độ dinh dưỡng, bên cạnh việc lên thực đơn cho 3 bữa ăn chính mỗi ngày, bạn cũng cần chú ý bổ sung các loại trái cây để mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Nhiều người cho rằng, ăn trái cây khi đói sẽ giúp dạ dày dễ tiêu hóa hơn là ăn trái cây khi bụng no. Hơn nữa, không ít người cho rằng ăn trái cây sau bữa ăn (lúc bụng no) sẽ khiến thức ăn trong dạ dày dễ lên men hoặc thối rữa. Điều này là nguyên nhân gây ra các triệu chứng như nôn mửa, đầy bụng và khó tiêu.
Vậy quan niệm nên ăn trái cây lúc đói có đúng không, chúng ta nên ăn trái cây lúc nào là tốt nhất?
Ăn trái cây đúng thời điểm mới nhận lại nhiều lợi ích (Nguồn: Internet)
Trên thực tế, chất xơ trong trái cây có thể làm chậm quá trình giải phóng thức ăn và làm ảnh hưởng đến dạ dày. Nguyên nhân là do trái cây khi kết hợp với axit trong dạ dày sẽ làm tăng tính axit, khiến các lợi khuẩn không thể phát triển. Các lợi khuẩn không thể phát triển thì sẽ không có khả năng chống lại các vi khuẩn độc hại trong thức ăn, từ đó gây nên tình trạng đầy bụng.
Do đó, bạn không nên ăn trái cây ngay sau bữa ăn. Thay vào đó, những thời điểm tốt nhất để bạn ăn trái cây là:
1.1 Ăn trái cây vào buổi sáng
Ăn trái cây vào buổi sáng khi bụng đói cùng với một ly nước được coi là thời điểm lý tưởng. Bởi vì khi ăn trái cây lúc bụng đói, hệ thống tiêu hóa có thể phá vỡ hoàn toàn trái cây, nhờ đó cho phép cơ thể hấp thụ tốt các chất dinh dưỡng.
Các loại trái cây nên ăn vào buổi sáng là: Dưa, chuối, nho, quả mọng, lê, đu đủ hoặc táo.
Buổi sáng, sau khi ăn trái cây, bạn chờ khoảng 1 – 2 tiếng để cơ thể tiêu hóa hoàn toàn rồi mới ăn các bữa ăn chính. Cách này sẽ giúp bạn có đủ thời gian để không cảm thấy chướng hơi, đầy bụng và dạ dày sẽ được làm sạch để sẵn sàng nhận nguồn thực phẩm tiếp theo.
1.2 Ăn trái cây giữa 2 bữa ăn
Ăn trái cây giữa các bữa ăn được xem là một thói quen tốt vì đây là lúc quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh chóng và các men tiêu hóa được tiết ra. Trái cây sẽ dễ tiêu hóa nếu được ăn giữa các bữa ăn vì quá trình xử lý tất cả các chất dinh dưỡng, đường đơn và chất xơ trong cơ thể sẽ tốt hơn.
Trái cây thích hợp để ăn giữa các bữa ăn là cam, quýt, quả mọng, dưa, dứa, lựu, táo và xoài.
1.3 Ăn trái cây trước và sau khi tập thể dục
Nếu ăn trái cây trước khi tập, cơ thể sẽ được cung cấp nguồn năng lượng tức thời, giúp bạn có sức bền khi tập luyện với cường độ cao. Điều này cũng tương tự ngay sau khi tập, cơ thể bạn hoạt động nhiều gây mất năng lượng. Bạn nên bổ sung trái cây để cơ thể lấy lại sức trước khi bổ sung các nguồn thức ăn chính.
Các loại trái cây nên ăn trước và sau khi tập thể dục là chuối, xoài, nho, cam, quýt, dứa, hồng xiêm, lựu, lê. Những loại trái cây này sẽ giúp cung cấp cho cơ thể các chất điện giải và năng lượng rất cần thiết.
1.4 Ăn trái cây trước bữa ăn tối
Ăn trái cây trước giờ ăn tối sẽ tốt hơn là ăn trái cây trước khi đi ngủ. Bởi trái cây có lượng calo thấp và giàu chất xơ sẽ làm bạn no trước bữa ăn tối – bữa ăn nhẹ nhất trong ngày.
Trái cây nên ăn trước bữa ăn tối là dứa và táo.
Như vậy, trái cây mặc dù tốt cho sức khỏe nhưng bạn cũng cần ăn đúng thời điểm thì mới nhận lại những lợi ích tuyệt vời của nó.
2. Một số lưu ý khi ăn trái cây
Trái cây chứa nhiều vitamin tốt cho sức khỏe, tuy nhiên khi ăn trái cây bạn cũng cần lưu ý một số điều sau đây:
Không nên dùng trái cây để thay thế bữa ăn chính trong ngày (Nguồn: Internet)
- Không nên ăn trái cây quá nhiều cùng một lúc mà hãy chia đều thành các bữa ăn nhỏ trong ngày.
- Không ăn trái cây ngay sau khi ăn xong bữa ăn chính vì điều ngày sẽ gây trở ngại cho quá trình tiêu hóa thức ăn giàu tinh bột, thịt, cá.
- Không nên ăn trái hồng lúc đói vì trong quả hồng chứa chất tannin, khi ăn quả xanh hoặc độ chín chưa tới sẽ dễ dẫn đến tắc ruột (trên thực tế, đã có trường hợp ăn quả hồng lúc đói bị tắc ruột).
- Nếu mắc bệnh tiểu đường, bạn nên hạn chế ăn các loại trái cây ngọt như nhãn, quả vải, mít, nho, sầu riêng,…
Sức khỏe đóng vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống, trong đó trái cây là một dưỡng chất không thể thiếu cho sức khỏe cũng như hoạt động hàng ngày. Bởi trái cây chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ cần thiết. Vì vậy, hãy ăn trái cây đúng thời điểm và lưu ý thật kỹ trước khi ăn để tránh mắc những sai lầm đáng tiếc.