Những công dụng của giấm và cách làm giấm tại nhà

(VOH) - Giấm là thực phẩm thông dụng, không chỉ mang lại lợi ích cho sức khỏe, giúp xử lý những tổn thương trên da mà còn nhiều tiện ích đối với đời sống sinh hoạt. Vậy cụ thể giấm có tác dụng gì?

1. Giấm là gì?

Giấm là một chất lỏng có vị chua, được hình thành từ sự lên men của rượu etylic. Thành phần chính của giấm là dung dịch axit axetic (CH3COOH). Từ xưa, giấm đã là một thực phẩm quan trọng và được sử dụng nhiều trong các nền ẩm thực châu Á, châu Âu. 

PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết, hiện nay, có nhiều loại giấm khác nhau, tùy vào nguyên liệu làm giấm mà người ta sẽ gọi tên giấm như giấm táo, giấm gạo, giấm kiwi, giấm dứa, giấm chuối,…Trước đây, người dân Việt Nam, đặc biệt là vùng miền Tây Nam Bộ thường làm giấm chuối để sử dụng, con giấm được tách ra và sử dụng nhiều lần. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học, nhiều người đã chuyển sang sử dụng giấm công nghiệp nhiều hơn.

giam-va-nhung-cong-dung-tuyet-voi-voh-1

Giấm có thể làm từ táo (Nguồn: Internet)

2. Tác dụng của giấm đối với sức khỏe:

Bác sĩ Bay cho biết, trong giấm chứa nhiều thành phần như axit axetic, axit amin, vitamin B1, vitamin B2, vitamin C, canxi,…

2.1 Giảm tụ máu bầm, bong gân

Tụ máu bầm, bong gân là những chấn thương thường gặp và bạn hoàn toàn có thể tự xử lý tại nhà. Theo bác sĩ Bay, nếu bị bong gân, tụ máu bầm thì trong 1 – 3 ngày đầu bạn dùng giấm pha với nước đá, sau đó dùng miếng gạc nhúng vào rồi đắp hoặc thoa lên vị trí bị tổn thương. Giấm sẽ giúp tăng cường dinh dưỡng dưới da và giúp lưu thông máu huyết tốt, từ đó giảm tụ máu bầm trên da và độ lạnh của nước đá sẽ giúp bạn giảm đau.

Sau 3 ngày, bạn có thể dùng giấm pha loãng với nước rồi đun lên, sau đó cũng dùng miếng gạc nhúng vào rồi đắp hoặc thoa lên vị trí tổn thương. Sức nóng lúc này sẽ giúp tan máu bầm nhanh hơn, dinh dưỡng dưới da cũng tốt hơn.

2.2 Giúp ngủ ngon

Theo bác sĩ Bay, mỗi tối, muốn có một giấc ngủ ngon thì bạn hãy ngâm chân trong thau nước có pha một chút giấm. 

2.3 Chống lão hóa

Bạn có thể pha 1 muỗng cà phê giấm với 200 – 250ml nước, 2 muỗng mật ong khuấy đều và uống, loại nước này sẽ giúp thanh lọc cơ thể, giải độc và chống lão hóa.

2.4 Giúp hấp thu các chất trong món ăn

Những món ăn như nộm (gỏi), nước chấm,…sử dụng giấm sẽ giúp hấp thu canxi, vitamin C có trong những thực phẩm khác được tốt hơn. Ngoài ra, giấm còn giúp ức chế sự hình thành của chất nitrosamine, đây là chất có khả năng gây ung thư.

giam-va-nhung-cong-dung-tuyet-voi-voh-2

Giấm được làm từ gạo (Nguồn: Internet)

2.5 Công dụng của giấm chống tăng huyết áp

Nhờ hàm lượng axit axetic trong giấm có tác dụng hạ huyết áp bằng cách làm giảm các mạch máu và giảm các nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp.

2.6 Giúp kháng khuẩn

Axit axetic và axit alpha-hydroxy trong giấm trắng có tác dụng hoạt động như nước hoa hồng ( toner ), giúp se khít lỗ chân lông và nhờ đặc tính kháng khuẩn có lợi trong việc điều trị các nhược điểm trên khuôn mặt.

3. Công dụng của giấm trong làm đẹp:

Giấm được xem là một thực phẩm giúp dưỡng da, chống lão hóa da, giúp chị em “trùng tu” lại nhan sắc.

3.1 Giảm nám da bằng giấm

Sau khi rửa mặt sạch, bạn pha 1 muỗng cà phê giấm với nước, sau đó nhúng khăn vào dung dịch này rồi đắp lên mặt, nó sẽ giúp cân bằng pH da, vết nám trên da sẽ nhạt dần sau nhiều lần áp dụng. 

3.2 Chống lão hóa da bằng giấm

Dùng mặt nạ nha đam xay nhuyễn, sau đó pha thêm 1 muỗng giấm rồi đắp lên mặt. Loại mặt nạ này sẽ giúp da tươi sáng, ngăn ngừa lão hóa da. 

3.3 Dưỡng da tay

Mỗi tối, bạn dùng giấm pha với nước, sau đó ngâm đôi tay vào dung dịch này. Ngâm khoảng 10 phút, dùng khăn có nhúng giấm lau lại bàn tay, để đó và đi ngủ. Cách này sẽ giúp dưỡng trắng da tay, tránh bị khô da, hạn chế nổi gân xanh.

4. Công dụng của giấm trong đời sống:

4.1 Loại bỏ độc tố, côn trùng trên rau

Sau khi rửa sạch rau, bạn pha nước với giấm loãng rồi ngâm rau khoảng vài phút. Nó sẽ giúp loại bỏ độc tố trên rau, đồng thời tiêu diệt côn trùng (nếu có). 

4.2 Bảo quản và giữ chất cho thực phẩm

Sử dụng giấm trong nấu ăn nó sẽ giúp giữ các thành phần có trong thực phẩm, không làm mất màu sắc hay dinh dưỡng khi nấu ở nhiệt độ cao.

4.3 Dùng giấm diệt côn trùng

Giấm còn có tác dụng diệt côn trùng như kiến, gián,…

Như vậy, giấm là loại thực phẩm có nhiều công dụng đối với mọi mặt trong đời sống. Đây cũng là lý do vì sao mà bác sĩ Bay khuyên mọi người nên có ít nhất 1 hũ giấm trong nhà để sử dụng khi cần thiết.

5. Hướng dẫn làm giấm chuối tại nhà

5.1 Nguyên liệu:

  • 5 trái chuối xiêm hoặc chuối già (chuối chín, không thâm vỏ);
  • 100g đường cát trắng;
  • 100ml rượu nếp;
  • 5 lít nước sôi để nguội;
  • 1 trái dừa tươi;

5.2 Vật liệu:

1 hũ thủy tinh khoảng 7 – 8 lít.

giam-va-nhung-cong-dung-tuyet-voi-voh-3

Giấm chuối có vị chua thanh rất dễ dùng (Nguồn: Internet)

5.3 Cách làm:

  • Chuối lột bỏ vỏ, cắt đôi, xếp vào hũ thủy tinh theo chiều ngang để chuối không nổi lên mặt.
  • Cho hỗn hợp gồm đường, nước sôi để nguội, rượu nếp và nước dừa vào 1 cái thau, sau đó khuấy đều cho các nguyên liệu hòa quyện vào nhau. Tiếp tục, cho hỗn hợp này vào hũ thủy tinh.
  • Dùng khăn lưới mỏng (giống như vải mùng) phủ lên mặt hũ thủy tinh, sau đó dùng dây buộc miệng lại. 
  • Phơi hũ thủy tinh ngoài trời nhưng không để ánh nắng chiếu trực tiếp vào.
  • Phơi hũ thủy tinh trong 40 – 60 ngày, sau đó mở lớp khăn vải ra, nếu lớp váng trên mặt chưa nhiều hoặc dùng đũa thử chưa thấy chua thì tiếp tục phơi cho đến khi đạt độ chua thì dùng được. 

Mẹo hay: Bạn vớt lớp váng màu vàng trong suốt trên mặt ra và bỏ qua hũ thủy tinh khác là có thể tiếp tục nuôi con giấm và sử dụng. Đối với hũ giấm lớn, bạn chắc nước ra một cái lọ để dùng. Sau đó, pha 1 chén đường trắng với 6 chén nước sôi để nguội, khuấy đều rồi cho vào hũ giấm cái và giấm con, phơi khoảng 15 – 20 ngày là có thể sử dụng được.

Lưu ý: Bạn nên pha loãng giấm trước khi sử dụng. Ngoài ra, nếu dùng giấm uống trong thì mỗi ngày chỉ nên dùng khoảng 15 - 20ml giấm vì dùng nhiều có thể ảnh hưởng đến dạ dày và hệ vi sinh đường ruột. 

Mặc dù công dụng của giấm giúp ích nhiều trong sức khỏe, làm đẹp và đời sống nhưng bạn nên sử dụng đúng cách và hạn chế sử dụng quá nhiều để tránh các tác hại mang lại cho sức khỏe.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới:

 

Bình luận