Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Thiếu kẽm gây rụng tóc, khô da và loét miệng

(VOH) – Không chỉ phụ nữ cần bổ sung kẽm, mà đàn ông cũng rất cần bổ sung kẽm. Đặc biệt là đối với phụ nữ, nhu cầu bổ sung kẽm trước khi mang thai là điều vô cùng cần thiết.

Nếu mọi người gặp phải tình trạng rụng tóc thường xuyên, da khô, loét miệng, móng tay dễ gãy, vết thương chậm lành…đây có thể là tình trạng cơ thể đang bị thiếu kẽm!

Thiếu kẽm gây rụng tóc, khô da và loét miệng 1
Rụng tóc có thể là một trong những triệu chứng chính mà chúng ta cần phải nghĩ đến cơ thể đang bị thiếu kẽm (Nguồn: TVBS)

Thiếu hụt kẽm sẽ xảy ra vấn đề gì?

Đàn ông thiếu kẽm sẽ không hạnh phúc, nếu thường xuyên thiếu hụt kẽm sẽ được coi là một trong những nguyên nhân khiến phái mạnh mất cảm hứng trong "chuyện ấy". 

Đàn bà thiếu kẽm sẽ không vui vẻ, thiếu hụt khoáng chất này sẽ gây cản trở đến việc mang thai sinh con.

Thiếu kẽm còn có thể gây ra vấn đề gì? Huang Junsheng, chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan (Trung Quốc) giải thích rằng, khi thiếu kẽm sẽ xảy ra chứng loạn sản (loạn sản là một thuật ngữ rộng dùng để chỉ sự phát triển bất thường của các tế bào trong các mô hoặc cơ quan).

Dẫn đến tình trạng dễ nổi mụn, dễ gãy móng tay, rụng tóc, loét miệng, chức năng đường ruột kém, vết thương chậm lành, khả năng miễn dịch kém, da thô ráp, sần sùi, vào mùa lạnh da còn có khả năng cao bị bong tróc …

Vì sao thiếu kẽm?

Vì sao cơ thể con người thiếu kẽm? Chuyên gia Huang Junsheng cho biết, nguyên nhân chính là do cơ thể con người không có khả năng dự trữ được kẽm nên cần được bổ sung chất khoáng này một lượng thích hợp thông qua chế độ ăn uống mỗi ngày.

Các nguyên nhân phổ biến gây thiếu kẽm như sau:

Ăn quá nhiều thực phẩm bổ sung canxi, sắt, đồng. Vì chúng thuộc nhóm các ion tích điện dương (cation) nên chúng sẽ cạnh tranh với nhau để ức chế hấp thu.

Ăn quá nhiều thực phẩm chứa axit phytic, những thực phẩm này dễ ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ kẽm, đặc biệt là đối với người ăn chay.

Người bị tổn thương đường ruột như dùng kháng sinh quá liều cũng dễ bị ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ kẽm.

Hấp thụ nhiều axit tannic (axit tannic là một hợp chất polyphenolic được tìm thấy trong các mô thực vật như hồng, trà, cà phê và lựu), chẳng hạn như uống quá nhiều trà, ảnh hưởng đến sự hấp thụ kẽm.

Khi bị ốm đau, hệ thống miễn dịch tiêu thụ rất nhiều kẽm, dẫn đến thiếu hụt khoáng chất này.

Khi hấp thụ quá nhiều đường tinh luyện, cơ thể dễ tiêu hao kẽm, thông thường bệnh nhân tiểu đường dễ bị thiếu kẽm.

Thường xuyên phải chịu áp lực cao, căng thẳng sẽ kích hoạt cortisol (cortisol là một hormone vô cùng quan trọng giúp cơ thể kiểm soát tình trạng căng thẳng, sợ hãi và được xem là hormon chống stress), chất này cũng làm tăng tiêu thụ kẽm.

Thiếu kẽm gây rụng tóc, khô da và loét miệng 2
Trong những thực phẩm giàu kẽm được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng, hàu có hàm lượng kẽm cao nhất (Nguồn: TVBS)

Làm thế nào để cải thiện sự hấp thụ kẽm?

Chuyên gia dinh dưỡng Huang Junsheng gợi ý rằng, bằng cách tăng tiết axit dạ dày, bổ sung đủ chất đạm và ăn thực phẩm giàu kẽm, sẽ giúp cơ thể cải thiện được sự hấp thụ kẽm.

Trong số các thực phẩm tự nhiên, hải sản không phải là thực phẩm duy nhất có hàm lượng kẽm cao, nhiều thực phẩm khác cũng có hàm lượng kẽm cao như: Hàu, cua, hạt bí đỏ, sườn bò, trai, mè đen, sò điệp khô, gan heo, mề vịt, đậu pinto hay còn gọi là đậu cúc...mọi người đều có thể bổ sung kẽm thông qua các thực phẩm này.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, nam giới cần bổ sung 15 mg kẽm mỗi ngày và nữ giới cần bổ sung 12 mg kẽm mỗi ngày, mức giới hạn tối đa là 35 mg.

Chuyên gia Huang Junsheng cũng nhắc nhở rằng, khi bổ sung kẽm, bổ sung quá nhiều hoặc bổ sung không đủ cũng đều không tốt, nếu bổ sung quá nhiều kẽm thì có thể dẫn đến bị ngộ độc, vì vậy mọi người chú ý bổ sung một lượng vừa phải, thích hợp là tốt nhất.