1. Chọn quạt có công suất phù hợp với diện tích sử dụng
Khi mua quạt, nếu bạn chọn quạt quá lớn tức công suất quạt mạnh thì sẽ hao tốn điện hơn. Với những căn phòng có diện tích nhỏ, chỉ cần chọn quạt có công suất phù hợp với không gian trong phòng đủ mát là tiết kiệm nhất.
Thông thường các loại quạt sẽ có 1 đến 3 mức điều chỉnh tốc độ gió để lựa chọn. Sử dụng thiết bị đo lường trong điều kiện thực tế, có thể thấy với một chiếc quạt bàn tiêu chuẩn tại Việt Nam với 3 mức làm mát, thì bật số 1 (nhỏ nhất) sẽ tốn khoảng 30W, bật số 2 tốn 36W, và bật số 3 tốn 43W. Khi sử dụng quạt mức gió mạnh nhất tức quạt sẽ phải hoạt động hết công suất. Công suất lớn đồng nghĩa với tiêu thụ điện nhiều hơn. Do vậy, khi bật quạt hãy chọn mức gió nhẹ hoặc trung bình đủ để làm dịu không khí và tiết kiệm điện tiêu thụ.
Chọn quạt có công suất phù hợp với diện tích sử dụng
Bạn cần nhớ rằng với tiết trời khô nóng, việc dùng quạt tốc độ gió cao không hẳn sẽ làm mát hiệu quả mà đôi khi phản tác dụng vì khi tạo gió mạnh, quạt đẩy không khí nóng vào cơ thể đồng thời làm bề mặt da chúng ta nhanh mất nước, cảm giác hanh và oi bức lại càng gia tăng. Thêm vào đó, sử dụng liên tục sẽ dễ làm bạn mệt mỏi và uể oải. Do vậy, hãy chọn mức gió nhẹ hoặc trung bình đủ để làm dịu không khí và tiết kiệm điện tiêu thụ.
Một điều nữa khi mua quạt bạn cũng nên nhớ chọn các hiệu quạt có dán nhãn tiết kiệm năng lượng với số sao tiết kiệm năng lượng càng cao thì quạt của bạn càng ít tốn điện.
2. Chọn quạt có số cánh phù hợp
Hiện nay trên thị trường có nhiều loại quạt có loại 2, 3 cánh nhưng cũng có loại 4, 5 cánh .Vậy bạn nên chọn loại nào cho tiết kiệm điện nhất?
Thông thường, các loại quạt càng có nhiều cánh có thể sẽ làm mát hiệu quả hơn, cho gió mạnh hơn nhưng công suất tiêu thụ điện sẽ càng cao và càng tốn điện hơn.
Do quạt điện sử dụng trong sinh hoạt nhỏ, người ta thiết kế quạt 3 cánh có tiết diện của từng cánh to hơn, độ dày của cánh mỏng hơn để giảm thiểu lực ma sát, lướt gió êm hơn, đỡ gây tiếng ồn khi chạy, đảm bảo sự thoải mái cho người dùng. Đó cũng chính là điểm khác nhau giữa quạt 3 cánh và những loại 2, 4 hay 5 cánh.
Nếu so sánh giữa các loại quạt điện, quạt trần với nhau thì quạt 3 cánh được khuyên dùng hơn cả, không chỉ bởi kiểu dáng nhỏ gọn, mà còn đem lại sự an toàn, hiệu quả làm mát tốt hơn cũng như tiết kiệm điện hơn.
Còn với quạt 2 cánh tác dụng làm mát yếu hơn nên lựa chọn tối ưu nhất là sử dụng quạt 3 cánh vừa tiết kiệm điện mà sức gió tạo ra vẫn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng trong gia đình.
3. Đặt quạt ở vị trí hợp lý
Mới nghe qua có vẻ vị trí đặt quạt không có liên quan gì tới việc tiết kiệm điện. Nhưng nếu bạn chọn vị trí đặt hay treo quạt hợp lý, bạn có thể làm mát hiệu quả nhất và nhanh nhất không gian trong phòng mà không phải bật tốc độ gió mạnh nhất (hao điện).
Ngoài việc đóng các cửa có khả năng chiếu vào để hạn chế không khí nóng bạn nên chọn đặt quạt cho hướng gió thổi ra các vị trí không khí có thể lưu thông như các cửa sổ, giếng trời... Khi đó, một phần khí nóng sẽ theo đó thoát ra ngoài, không khí trong phòng cũng lưu thông tốt hơn, cảm giác oi bức theo đó sẽ giảm đi đáng kể, và bạn có thể chọn tốc độ nhẹ cho quạt hoạt động để tiết kiệm điện.
Một số gia đình có thói quen đặt quạt bàn, quạt cây sát vách tường hoặc sát các vật cản như giá sách, tủ lớn... để cho gọn phòng.
Tuy nhiên vị trí đặt quạt như vậy sẽ làm cản hướng hút gió của quạt, làm cho luồng không khí không được lưu thông, khí nóng không được thổi ra ngoài, khiến cho chúng ta cảm giác càng quạt càng nóng bức bạn lại càng phải bật quạt ở mức mạnh hơn.
Trong trường hợp đặt quạt sát tường, cũng nên đặt chếch một góc thay vì đặt chính diện.
Với quạt treo trên tường, chúng ta không nên lắp chúng ở vị trí quá cao hay quá thấp vì phạm vi và hiệu quả làm mát của quạt giới hạn ở một khoảng không gian nhất định. Do vậy, nên lắp quạt tường ở nơi gia đình bạn sinh hoạt (ăn uống, ngủ nghỉ) có độ cao hơn đầu một chút.
4. Khi không sử dụng thì bạn tắt công tắc quạt và nhớ rút phích cắm
Một số bạn có thói quen cứ để quạt hoạt động khi rời khỏi phòng hay quên không tắt khiến hao phí một lượng điện năng có thể tiết kiệm được. Hãy nhớ tắt quạt khi không cần dùng tới, vừa là để tiết kiệm điện, lại vừa đảm bảo an toàn khỏi nguy cơ chập cháy, hư hại quạt.
Việc rút dây điện quạt khỏi phích cắm khi quạt không hoạt động cũng là một mẹo nhỏ giúp tiết kiệm điện. Vì dù khi quạt không quạt động nhưng dây cắm vẫn sẽ tiếp điện chờ cho quạt nếu bạn không tháo nó khỏi phích cắm.
5. Chỉ sử dụng hết các chức năng của quạt khi thật cần thiết
Một số quạt hiện đại có nhiều chức năng kèm theo như tạo ion, phun hơi, phun sương, tạo hương thơm, đèn báo, hẹn giờ... Bạn chỉ nên sử dụng những chức năng này khi cần thiết vì khi hoạt động càng nhiều chức năng, quạt càng tiêu thụ điện mạnh.
Lợi dụng thái quá chế độ phun hơi, phun sương cũng không tốt cho sức khỏe và có khả năng gây ẩm mốc trong phòng, hư hại các thiết bị điện tử do thấm hơi nước trong thời gian dài.
6. Tận dụng chế độ hẹn giờ
Đa phần các loại quạt có kèm chế độ hẹn giờ bật, tắt quạt cho người dùng. Hãy tận dụng chế độ này như cách bảo vệ sức khỏe của bạn khi sử dụng quạt và giúp tiết kiệm điện hiệu quả.
Bạn không nên sử dụng quạt liên tục trong thời gian dài vì những bất lợi cho sức khỏe.
Hãy để chế độ hẹn giờ nhất là khi sử dụng qua đêm cho quạt hoạt động khoảng 30 - 60 phút và nghỉ quãng chừng 15 - 20 phút sau đó nếu sẽ bật lại nếu bạn muốn dùng nữa để bảo vệ bạn và "túi tiền" của bạn nhé!
7. Quạt dơ bám bụi bẩn không mát
Các cánh quạt, lồng quạt sau vài tuần sử dụng sẽ bám đầy bụi bẩn. Nguyên nhân là sự tích điện ở cánh quạt.
Cánh quạt quay liên tục tạo ra lực ma sát, cánh quạt lúc này sẽ ma sát với không khí gây tích điện, tạo ra lực hút mà đặc biệt đối với những vật thể nhỏ và nhẹ bay trong không khí như bụi. Vì vậy, sau 1 thời gian sử dụng bụi sẽ bị hút bám dính vào cánh quạt.
Bụi bẩn bám vào làm cho sức gió thổi ra của quạt bị giảm đáng kể, hiệu quả làm mát giảm, bạn lại phải bật quạt ở mức mạnh hơn gây hao điện. Do đó bạn nên vệ sinh và bảo dưỡng quạt thường xuyên.
Tùy theo vị trí nhà bạn mà bụi bẩn sẽ bám vào quạt nhiều hay ít lâu hay mau. Do đó, chỉ cần bạn thấy có nhiều bụi bám, quạt kém mát thì bạn cần vệ sinh, bảo dưỡng quạt ngay.
8. Thay thế chiếc quạt máy quá cũ
Không chỉ là quạt mà các thiết bị điện xài lâu đã cũ không còn đảm bảo chất lượng hoạt động, máy móc động cơ đã cũ sẽ ngốn điện năng nhiều hơn so với những sản phẩm mới. Vì thế, nếu chiếc quạt máy bạn đang dùng đã có tuổi thọ khá cao, bắt đầu "rệu rã" thì có thể phải nghĩ đến việc thay mới chiếc quạt để sử dụng tốt hơn và tiết kiệm điện hơn.
Bạn có biết, đôi khi những chiếc quạt cũ kỹ hay hỏng hóc khiến bạn phải tốn công và tốn của mang đi sửa chữa nhiều lần còn gây hao phí hơn so với việc bỏ chúng đi và đầu tư một chiếc quạt mới!
9. Làm mát phòng bằng một chậu nước phía sau quạt sẽ đỡ tốn điện
Một mẹo nhỏ có thể tham khảo đó là bạn có thể đặt một chậu nước mát phía sau quạt như vậy sẽ làm không khí trong phòng cải thiện lên rất nhiều nhất là vào mùa nóng, nhiệt độ đang ở mức cao.
10. Nên bật quạt khi sử dụng máy điều hòa nhiệt độ
Quạt điện và máy điều hòa đều là hai thiết bị làm mát hữu hiệu trong ngày hè oi bức tại Việt Nam.
Tuy nhiên, sai lầm lại nằm ở chỗ chúng ta thường không bao giờ cho chúng hoạt động cùng lúc, mà chỉ sử dụng hoặc là quạt hoặc là điều hòa nhằm tiết kiệm điện. Sau khi đã bật cả hai thứ, khi phòng đã đạt đến nhiệt độ mà bạn cài đặt trong điều hòa thì bạn có thể tắt quạt.
Trên thực tế, quạt và điều hòa có thể hoạt động bổ trợ lẫn nhau, một thì làm mát, còn một thì đưa không khí mát tới đều trong căn phòng. Do đó, phương pháp kết hợp này không chỉ tiết kiệm cho hóa đơn điện mà còn giúp giảm bớt công suất, tần suất làm việc của điều hòa - giúp nó ít phải vận hành nặng nhọc trong những ngày oi bức.
Bạn nên nhớ nếu chỉ dùng máy điều hòa làm mát cho phòng thì máy phải vận hành nhiều thời gian hơn so với dùng cả hai thứ cùng lúc và gây ra hao phí điện năng.
Trên đây là một số mẹo nhỏ giúp bạn vừa sử dụng hiệu quả chiếc quạt điện cho mục đích làm mát, lại tiết kiệm được một lượng điện đáng kể cho gia đình bạn.
7 loại 'siêu ô tô' được sản xuất giới hạn mà dân chơi xe khao khát nhất - (VOH) - 7 cái tên dưới đây là đại diện cho khái niệm "siêu xe giới hạn" - khi mà sở hữu nó không chỉ là đẳng cấp mà còn là niềm tự hào.