Dấu hiệu mẹ bị tắc tia sữa
Tắc tia sữa là một trong những rắc rối thường gặp nhất ở phụ nữ sau sinh khi nuôi con bằng sữa mẹ. Đây là tình trạng sữa mẹ bị giữ lại bên trong các ống dẫn sữa ở bầu ngực. Hiện tượng này có thể khiến việc cho con bú cũng như hút sữa để tích trữ gặp nhiều khó khăn, đau đớn.
Tắc tia sữa không đe dọa đến tính mạng người mẹ, nhưng nếu không điều trị kịp thời nó có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe như viêm tuyến vú, từ đó gây ra nhiễm trùng hay áp-xe vú rất nguy hiểm. Ngoài ra, tắc tia sữa còn làm cho quá trình tạo sữa bị ảnh hưởng, khiến mẹ bị mất sữa, buộc phải dừng hẳn việc cho trẻ bú bằng sữa mẹ và phải nuôi trẻ bằng sữa ngoài.
Tắc tia sữa thường khiến bầu vú mẹ căng tức, khó chịu (Nguồn: Internet)
Tắc tia sữa có thể xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào trong thời gian cho con bú. Mẹ có thể nhận biết các dấu hiệu tắc tia sữa như:
- Một số khu vực gần bầu vú có hiện cứng và khó chịu.
- Ngực bị đau và căng tức nhẹ.
- Các nốt sần nhỏ nổi trên ngực.
- Một số khu vực ở vùng ngực có cảm giác nóng ấm mỗi khi chạm vào.
Có nên chữa tắc tia sữa bằng lá đinh lăng hay không?
Dùng lá đinh lăng chữa tắc tia sữa là mẹo dân gian được truyền miệng qua nhiều thế hệ và cũng được nhiều mẹ sau sinh áp dụng.
Đinh lăng từ lâu đã biết đến như một vị thuốc nam thần kì và cũng là một loại gia vị. Các bộ phận của cây từ lá, thân, rễ đều có công dụng riêng biệt. Với lá đinh lăng, đây là loại lá có tác dụng bổ dưỡng sức khỏe và chữa nhiều chứng bệnh khác nhau do chứa nhiều thành phần dinh dưỡng quan trọng bên trong như:
- Các vitamin nhóm B, đặc biệt là vitamin B1.
- Chứa khoảng 13 loại axit amin cực kỳ quan trọng cho sức khỏe, trong đó phải kể đến chất lysin, cystein và methionin.
- Chất glucozit giúp tăng co bóp cho tim, giảm lượng natri trong tim.
- Chất alcaloid giúp giảm đau, gây tê.
- Chất flavonoid giúp ức chế chống lại vi khuẩn.
- Và một vài chất khác quan trọng đối với cơ thể.
Trong Đông y, đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát giúp thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết. Phụ nữ sau sinh, thường xuyên uống nước sắc từ lá đinh lăng sẽ nhanh lấy lại vóc dáng, cơ thể nhẹ nhõm, khỏe mạnh và nhiều sữa. Những mẹ bị tắc tia sữa, dùng lá đinh lăng lại càng an toàn và hiệu quả.
Cách chữa tắc tia sữa bằng lá đinh lăng
Trong dân gian lưu truyền đến 5 cách chữa tắc tia sữa bằng lá đinh lăng. Cụ thể như sau:
-
Uống nước lá đinh lăng lợi sữa
Dùng khoảng 150 – 200gr lá đinh lăng tươi rửa sạch nấu với khoảng 200ml nước. Sau khi nước sôi, đảo qua lại. Lặp lại khoảng 2 – 3 lần. Sau 7 phút tắt bếp. Chờ nguội, chắt lấy nước đầu tiên để uống. Sau đó, đổ thêm khoảng 200ml nước, tiếp tục nấu sôi, chắt lấy nước thứ 2 để uống.
Uống nước lá đinh lăng khoảng 2 – 3 ngày sẽ thấy hiệu quả. Tuy nhiên cần lưu ý, lá đinh lăng nên uống xen kẽ cùng nước lọc, không dùng thay thế cho nước lọc.
-
Ăn cháo giò heo nấu lá đinh lăng
Chân giò heo hầm với đu đủ hay nấu cùng lá đinh lăng đều là những món ăn lợi sữa.
-
Ăn canh lá đinh lăng
Canh lá đinh lăng càng thêm tròn vị nếu mẹ kết hợp với thịt heo xay hoặc sườn non. Đây là món ăn giúp bồi bổ cơ thể, khiến sữa về dồi dào và thải trừ độc tố ra ngoài.
-
Lá đinh lăng luộc
Lá đinh lăng luộc kèm với ít nước mắm mặn, ăn cùng cơm nóng sẽ có tác dụng chữa tắc tia sữa rất hiệu quả.
-
Thuốc đắp
Lá đinh lăng và lá diếp cá rửa sạch, cho vào cối giã nát. Sau đó đắp lên ngực sẽ làm giảm sự căng tức, khó chịu. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc về liều lượng dùng.
>>> Xem thêm: Bí quyết giúp ‘sữa về như suối’ cho bé ti thoải mái, không lo thiếu sữa
Những lưu ý khi chữa tắc tia sữa bằng lá đinh lăng
Nhiều nghiên cứu khoa học cho biết, đinh lăng là loại thuốc quý nhưng trong cây đinh lăng có chứa chất saponin, chất này nếu dùng nhiều sẽ gây ra tình trạng mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt.... Do đó, khi dùng lá đinh lăng chữa tắc tia sữa mẹ cũng nên chú ý về liều lượng dùng. Tránh dùng quá liều sẽ gây ra tác dụng ngược.
Ngoài cách dùng lá đinh lăng chữa tắc tia sữa, mẹ có thể thử áp dụng một số cách dân gian sau đây để cải thiện tình trạng:
- Uống nước xơ mướp khô, cùng gai bồ kết và củ hành tươi hoặc khô, mỗi ngày 1 lần trong 2 – 3 ngày, tình trạng tắc tia sữa sẽ được cải thiện rõ. Sau khi uống, mẹ dùng lược thưa chải từ bầu ngực theo chiều từ trên xuống nhiều lần, rồi nhờ chồng mút mạnh đầu vú để sữa lưu thông.
- Dùng hành tím đặt lên 2 bầu ngực, phủ khăn mềm trong khoảng 10 – 15 phút. Sau khi đắp, kết hợp massage bầu ngực.
- Xôi nếp còn nóng bọc vào khăn mềm, chườm lên 2 bầu ngực cho đến khi xôi nguội hẳn.
Nhìn chung, cách chữa tắc tia sữa bằng lá đinh lăng hay bất cứ phương pháp nào kể trên cũng đều theo kinh nghiệm dân gian, có thể sẽ hiệu quả với người này nhưng lại không hiệu quả với người khác. Do đó, nếu mẹ đang gặp phải tình trạng tắc tia sữa nghiêm trọng, tốt nhất vẫn nên đến gặp bác sĩ sản khoa để được thăm khám, điều trị đúng, an toàn và hiệu quả.
3 cách vắt sữa mẹ hiệu quả giúp đảm bảo nguồn sữa cho con: (VOH) – Có rất nhiều lý do khiến mẹ không thể cho con bú trực tiếp mà phải vắt sữa để dành cho con. Thế nhưng mẹ có biết cách vắt sữa thế nào là đúng để giúp duy trì nguồn sữa mẹ cho bé yêu hay không?
Các loại ngũ cốc lợi sữa giúp mẹ gọi sữa về nhiều, con bú no nê: (VOH) – Ngũ cốc lợi sữa thường được sử dụng trong những trường hợp mẹ bị thiếu sữa hoặc mất sữa sau sinh. Nhưng ngũ cốc lợi sữa lại có rất nhiều loại và loại nào tốt thì không phải mẹ nào cũng biết.