10 trò đùa “lố” trong ngày Cá tháng Tư khiến ngàn người tin “sái cổ”

(VOH) - Ngày Cá tháng Tư hàng năm là ngày để người ta bày ra những trò chơi khăm vô hại. Tuy nhiên, có những trò đùa được dàn dựng tinh vi như thật khiến người xem đi từ bất ngờ tới hốt hoảng.

Dưới sự dẫn dắt của những cái đầu đầy trí tưởng tượng và những kỹ xảo tuyệt vời của công nghệ, nhiều trò đùa Cá tháng Tư tạo ra sự bất ngờ tột độ, thậm chí khiến nhiều người tin sái cổ - tận cho tới khi những thông tin này được đính chính.

Xem thêm: Ý nghĩa của ngày Cá tháng Tư – "ngày nói dối"?

Năm 1878: Thomas Edison phát minh ra máy chế tạo thức ăn

Thomas Edison là một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất mọi thời đại, chủ của các phát minh mang tính lịch sử như máy ghi âm, bóng điện, công tơ điện, cầu chì… Năm 1878, ông trở thành nạn nhân “bất đắc dĩ” của biên tập viên báo The Daily Graphic.

Tờ báo Mỹ xuất bản đúng ngày 1/4/1878 công bố một tin rất sốc: “Thomas Edison đã phát minh ra máy chế tạo thức ăn” - chiếc máy có thể làm ra thịt, rau, rượu vang hay bánh quy chỉ với nguyên liệu đầu vào là không khí, nước và đất. 

máy chế tạo thức ăn
Bìa báo The Daily Graphic ngày Cá tháng Tư năm 1878

Tác giả bài viết mô tả tương đối kỹ càng cơ chế vận hành của cỗ máy và hy vọng là nó sẽ giải quyết vấn đề đói nghèo của nhân loại trong tương lai. Tất nhiên, trong những dòng cuối cùng của bài viết, tác giả đã tiết lộ đây chỉ là một trò đùa vui nhân dịp Cá tháng Tư.

Tuy nhiên, không có nhiều độc giả đọc được tới đoạn lý giải đó và trong nhiều ngày liên tiếp - một cơn bão thư từ khắp nơi trên nước Mỹ gửi tới hỏi Thomas Edison về chiếc máy chế tạo thức ăn, thậm chí còn có đơn đặt hàng. Phải mất vài ngày sau, những người gửi thư mới hớ ra mình đã bị lừa.

Đích thân Thomas Edison sau đó cũng đã viết một bức thư với vỏn vẹn hai từ “Very Ingenious" (Thật là ngoạn mục) gửi tới tòa soạn The Daily Graphic.

Năm 1957: Người dân thu hoạch mì ống tươi từ những cành cây

Ngày 1/4/1957, kênh truyền hình tin tức Panorama của đài BBC đưa tin là nhờ mùa đông không lạnh giá và việc loài mọt ngũ cốc đã bị tiêu diệt, nên các nông dân Thụy Sĩ đã có một vụ mùa thu hoạch mỳ spaghetti bội thu.

Pamorama còn đăng một đoạn phim chiếu cảnh các nông dân Thụy Sĩ kéo từng sợi mì spaghetti từ các cành cây xuống. Trước khi kết thúc chương trình phát sóng ngay trong buổi tối ngày 1/4, BBC đã cho đăng tải thông báo rằng bản tin chỉ là một trò đùa Cá tháng Tư.

Tuy nhiên, vẫn có hàng ngàn người xem tưởng đây là thật và đã gửi yêu cầu để hỏi mua một "cây spaghetti" như thế.

Video thu hoạch mì ống Thụy Sĩ do BBC thực hiện tự nhiên tới mức khiến hàng triệu khán giả tưởng thật

Năm 1974: Núi lửa phun trào ở Alaska

Vào sáng ngày 1/4/1974, cư dân Sitka (Alaska) ghi nhận điều kỳ lạ: Núi Edgecumbe, một núi lửa không hoạt động nằm ở phía nam của Đảo Kruzof, Alaska – có khói bốc lên như là dấu hiệu của một trận phun trào núi lửa.

Người dân lo lắng đã gọi cho cảnh sát và lính cứu hỏa. Sau đó một trực thăng được cử đến đỉnh núi để điều tra. Khi phi công bay đến gần Núi Edgecumbe thì không thấy miệng núi lửa có dung nham mà thay vào đó là lớp sơn đen phủ trên tuyết mang dòng chữ “APRIL FOOL” - bên cạnh đống vỏ xe đang cháy.

Núi lửa phun trào ở Alaska
Hình ảnh vụ phun trào giả mạo của Núi Edgecumbe

Vụ phun trào giả mạo của Núi Edgecumbe là trò đùa tinh quái của một người địa phương. Người đàn ông này đã thu thập 70 chiếc lốp xe cũ trong nhiều năm và kiên nhẫn chờ đợi tới ngày Cá tháng Tư năm đó để “cà khịa” người dân.

Năm 1976: Người có thể bay trên mặt đất

Một cú lừa nữa được tạo ra vào năm 1976. Nhà thiên văn học Patrick Moore thông báo với thính giả của kênh BBC Radio 2 là vào đúng 9h47 phút ngày 1/4, thứ tự các hành tinh sẽ ở một trạng thái đặc biệt: đó là sao Diêm Vương sẽ ở vị trí ngay phía sau sao Mộc và thẳng hàng với Trái đất. Điều này khiến lực hút Trái đất giảm mạnh (Hiệu ứng hấp dẫn Jovian-Plutonian) và những ai muốn thử cảm giác bay bổng thì hãy nhảy cao khỏi mặt đất.

Thật buồn cười là đã có rất nhiều người đã mắc lừa và bắt chước để thử cảm giác lạ. Thậm chí có người đã gọi điện đến BBC để phàn nàn về cảm xúc của họ khi bị… chơi khăm.

Năm 1980: Đồng hồ Big Ben sẽ chuyển sang chế độ đồng hồ điện tử

Năm 1980, BBC đưa tin rằng, đồng hồ Big Ben sẽ chuyển sang chế độ đồng hồ điện tử và người ta sẽ sớm lắp bảng hiện số mới thay cho mặt đồng hồ cũ.

Tin tức này ngay lập tức khiến thính giả Anh bị sốc, họ bức xúc, thậm chí giận dữ gọi điện đến yêu cầu phải bảo vệ đồng hồ Big Ben.

Có thể thấy, trong lĩnh vực truyền thông thì kênh BBC của Anh được coi là chuyên gia “bán thịt lừa” danh bất hư truyền trong các ngày Cá tháng Tư.

Năm 1986: Dỡ bỏ tháp Eiffel

Năm 1986, tờ báo Le Parisienn làm cho bạn đọc được một phen hoảng hồn vì đưa ra thông tin chính phủ Pháp quyết định dỡ bỏ tháp Eiffel. Sau khi dỡ bỏ, tháp sẽ được chuyển đến và dựng lại tại công viên Disneyland. Thay cho tháp sẽ là sân vận động dành cho Thế vận hội 1992.

Năm 1995: Nam Cực có sâu đục băng ăn thịt chim cánh cụt

Tạp chí khoa học Discover (Mỹ) số tháng 4/1995 đưa tin, tiến sĩ Aprile Pazzo - một chuyên gia nghiên cứu động vật hoang dã đã phát hiện ra một loài thú mới tại Nam Cực: sâu đục băng đầu nhiệt.

Discover dẫn lời tiến sĩ Pazzo, các lớp xương trên đầu của loài vật này được nuôi dưỡng bởi nhiều mạch máu và có khả năng trở nên rất nóng, nhằm giúp chúng khoan xuyên qua băng tuyết một cách nhanh chóng. Chúng dùng khả năng này để săn chim cánh cụt, bằng cách làm tan chảy lớp băng bên dưới chỗ lũ chim đang đứng, khiến chim cánh cụt lọt xuống hố nơi có các con sâu đục băng chờ sẵn. Con sâu sẽ dùng cái đầu có khả năng tỏa nhiệt để ăn thịt chim cánh cụt.

Hình vẽ minh họa con sâu đục băng đầu nhiệt ở Nam Cực
Hình vẽ minh họa con sâu đục băng đầu nhiệt ở Nam Cực

Discover còn bổ sung là sau khi nghiên cứu, tiến sĩ Pazzo đặt giả thuyết rằng cái đầu tỏa nhiệt của lũ sâu có thể chính là nguyên nhân gây ra vụ mất tích bí ẩn của nhà thám hiểm Nam Cực Philippe Poisson hồi năm 1837. 

Sau khi bài viết được xuất bản, Discover đã nhận được thư phản hồi của độc giả với số lượng lớn chưa từng có trong lịch sử hoạt động của tạp chí này.

Năm 1996: Bán Chuông Tự do tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Mỹ

Ngày 1/4/1996, hãng đồ ăn nhanh Taco Bell mua hẳn một trang báo trên tờ New York Times để quảng cáo về sự kiện họ mua thành công chiếc chuông Tự do (The Liberty Bell) tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Mỹ.

Theo quảng cáo, hãng này đã mua lại báu vật quý giá nhất của nước Mỹ nhằm giúp chính quyền giải quyết vấn đề nợ công. Đồng thời sau khi sở hữu, Taco Bell sẽ đổi tên chuông Tự do thành Taco Liberty Bell.

The Liberty Bell
Nhiều người dân đã tưởng chiếc chuông Tự do bị bán đi thật

Hàng ngàn người dân tại Philadelphia đã kịch liệt phản đối điều này. Họ gọi điện tới bảo tàng để hỏi cho ra nhẽ. Khi bảo tàng trả lời là chuyện đó không có thật, không ít người còn yêu cầu nhà chức trách có thêm lời giải thích.

Phát ngôn viên chính phủ Mike McCurry đã có phản hồi: “Vâng, chuông đã được bán và chúng tôi còn bán cả tượng đài Lincoln cho hãng Ford với giá 500 triệu USD trong tuần đầu tiên của tháng Tư”.

Một cơn phẫn nộ thực sự đã lan truyền khắp nước Mỹ. Rất may là vào buổi chiều cùng ngày, đích thân hãng Taco Bell đã lên tiếng, khẳng định tất cả chỉ là một trò đùa nhân dịp Cá tháng Tư. Đồng thời, họ tuyên bố sẽ ủng hộ 50.000 USD cho việc giữ gìn quả chuông.

Năm 2006: Bán “thi hài” cô tiên

Ngày 1/4/2006, nhà điêu khắc người Anh Dan Baines đã đăng tin bán “thi hài” của một cô tiên lên mạng eBay và rao với giá 280 bảng Anh.

Baines cho biết cái “xác” được một người làm nghề dắt chó đi dạo tìm thấy ở Anh. Theo “thông tin giải phẫu”, xương của “cô tiên” rỗng, rất nhẹ, kết hợp với “cặp cánh” bướm giúp “cô” bay được dễ dàng.

Dan Baines đã nhận được hàng trăm lời nhắn từ những độc giả yêu thích truyện cổ tích gửi tới hỏi thăm về số phận của cô tiên. Nhưng trên thực tế, đấy chỉ là một trò đùa và kết quả là Baines mất liền mấy ngày để trả lời thư của họ.

Năm 2008: Chim cánh cụt biết bay

Ngày Cá tháng Tư năm 2008, kênh BBC phát một đoạn video về bầy chim cánh cụt biết bay và khẳng định rằng họ đã phát hiện ra loài này tại Đảo King George gần Nam Cực.

Thực tế là các nhà làm phim đã sử dụng hình ảnh về những loài chim trông giống chim cánh cụt và bắt chước chuyển động của chúng để tạo ra hình ảnh về một loài mới được phát hiện. Một ngày sau khi xuất hiện, đoạn video đã thu hút 100.000 lượt xem.

Bạn có tin không nếu thấy những chú chim cánh cụt biết bay trong clip này?

Và đây là hậu trường tạo nên bầy chim cánh cụt biết bay