15 sự thật đáng kinh ngạc về loài mèo ở Ai Cập cổ đại

(VOH) - Người Ai Cập cổ đại là một dân tộc yêu mèo. Mèo không chỉ được coi như thú cưng của bậc quyền quý mà còn được tôn thờ như thần thánh.

Nền văn minh bên bờ sông Nile tôn thờ mèo bởi loài vật này là sự kết hợp tuyệt vời giữa sự duyên dáng, nhẹ nhàng với sự hung dữ, nhanh nhẹn và nguy hiểm. Người Ai Cập tin rằng những vị thần họ tôn thờ cũng có những phẩm chất đáng quý này.

Dưới đây là 15 sự thật kinh ngạc về loài mèo ở Ai Cập cổ đại.

1. Nữ thần Bastet – mang dáng dấp người phụ nữ đầu mèo – được tôn sùng nhất

Nữ thần Bastet coi con mèo là con vật linh thiêng của mình và thường được miêu tả là một người phụ nữ có đầu mèo.

Trong thần thoại, thần Bastet là con gái của thần Ra (thần Mặt Trời) và được coi là một trong những vị thần gần gũi với con người nhất. Nữ thần Bastet hiện thân cho sự vui vẻ, ấm áp. 

Bastet là một trong những vị thần được người dân Ai Cập cổ đại tôn sùng nhất. Tên của nữ thần Bastet thường được người Ai Cập cổ đặt cho những loại nước tỏa mùi thơm (ngày nay gọi là nước hoa), vì thế Bastet còn được coi là nữ thần bảo hộ cho hương thơm, nữ thần chống lại các bệnh truyền nhiễm và xua đuổi ma quỷ.

tượng mèo
Đây là một bức tượng bằng đồng mô tả một dạng của nữ thần Bastet -
có từ thời Hậu kỳ của Ai Cập cổ đại vào khoảng năm 600 trước Công nguyên. Nó được đặt theo tên của Thiếu tá Robert Grenville Gayer-Anderson, người đã tặng bức tượng cho Bảo tàng Anh vào năm 1939. 

2. Mèo là loài vật may mắn bất chấp màu lông

Trong khi ở thời hiện đại, nhiều người cho rằng mèo đen có thể là một dấu hiệu của sự xui xẻo, thì người Ai Cập cổ đại luôn coi mèo - dù có màu lông như thế nào cũng là vật mang lại may mắn. 

Người ta coi việc nuôi một con mèo trong nhà sẽ thu hút may mắn và bảo vệ khỏi điều ác. Nằm mơ thấy mèo cũng được coi là một điềm tốt.

3. Ai Cập cổ đại cấm mang mèo ra khỏi đất nước. Thậm chí một đạo luật đã được ban hành về vấn đề này.

4. Trong thời hoàng kim của Ai Cập cổ đại, mèo được đeo trang sức bằng vàng và được phép ăn từ đĩa của chủ nhân.

Năm 1888, một nông dân phát hiện 80.000 xác ướp mèo trong một ngôi mộ lớn. Đây là một trong những hiện vật có giá trị vô cùng lớn để phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu cuộc sống của người dân Ai Cập thời xưa.

5. Trong các ngôi đền hoặc trong các gia đình giàu có nhất, người ta có phong tục ướp xác những con mèo đã chết.

Khi một chú mèo qua đời, nó sẽ được người Ai Cập chôn cất tử tế hoặc ướp xác. Thi thể của mèo sẽ được cuốn trong vải chất lượng tốt rồi được ngâm trong hóa chất. Những con mèo cũng được chôn cùng với một bát sữa hoặc những con chuột để chúng “sử dụng” trong trường hợp sang thế giới bên kia bị đói khát.

Những xác ướp mèo đã được tìm thấy tại Bubastis và những nơi khác trên khắp Ai Cập, đôi khi chúng được chôn cất cùng hoặc gần với chủ nhân.

xác ướp mèo
Xác ướp của mèo được tìm thấy tại Ai Cập

6. Người làm chết mèo sẽ bị tử hình và Pharaoh cũng không thể giảm án phạt.

Nếu ai làm hại mèo, dù cố ý hay không, đều bị xử tử bằng cách bị ném xuống một hố đầy rắn độc. Việc giết mèo chỉ được tiến hành khi chúng sinh sôi quá nhiều và người ta sẽ hiến tế mèo cho nữ thần Bastet.

7. Cái chết của một con mèo trong gia đình là một bi kịch ở Ai Cập cổ đại.

Theo Herodotus (một nhà văn và nhà sử học đầu tiên của Hy Lạp, 484-425 TCN), các thành viên trong gia đình có mèo chết sẽ than khóc và cạo hết lông mày của họ. Khi lông mày mọc trở lại, nghĩa là thời kỳ để tang mèo đã hết.

8. Một nghĩa trang mèo cổ đại đã được phát hiện trong một cuộc khai quật khảo cổ học được thực hiện vào năm 1890. Hơn 170.000 con mèo đã được chôn cất trong đó.

9. Từ mèo trong tiếng Ai Cập là “miu” hoặc “mieu”.

10. Vì gắn liền với thần thánh, người Ai Cập cổ đại tin rằng mèo có thể nhìn thấy bên trong tâm hồn con người bằng đôi mắt của chúng.

Đối với người Ai Cập, đôi mắt sáng của mèo trong đêm cũng giống như ánh trăng trong đêm mù âm u.

11. Vì đôi mắt của mèo có sức hút siêu nhiên đó, những người phụ nữ đã trang điểm để cố trông giống mắt mèo.

12. Mèo được sử dụng để săn bắn. Người Ai Cập cổ đại săn chim bằng một vật bằng gỗ mà họ ném lên không trung. Con mèo sẽ thu thập lại mảnh gỗ này - thay thế con chó như ngày nay.

loài mèo
Hình ảnh một con mèo đi săn được khai quật từ ngôi mộ của Nebamun, Triều đại 18 (khoảng 1350 TCN) - được trưng bày tại Bảo tàng Anh.

13. Ở Ai Cập ta có thể phân biệt hai loại: Mèo rừng (Felis catus) còn gọi là mèo sậy hay mèo đầm lầy và mèo rừng châu Phi (Felis silvestris lybica).

Felis catus lớn hơn một chút so với Felis silvestris lybica. Nó có vóc dáng cường tráng, chân dài và đuôi khá ngắn. Felis silvestris lybica có vóc dáng và đặc điểm tương tự như mèo nhà châu Âu, mặc dù nó có đuôi ngắn hơn một chút so với mèo nhà.

14. Mèo nói chung là một biểu tượng mặt trời, nhưng cũng là vật bảo vệ ngôi nhà, trở thành vật nuôi được yêu quý và đánh giá cao, dựa trên những biểu tượng được ghi lại trong các ngôi mộ của Vương quốc Mới, từ triều đại của Thutmose III.

15. Người Ai Cập từng thua trận vì… mèo

Người Ai Cập yêu mèo tới nỗi quân đội Ba Tư từng đem mèo ra chiến trường khi đánh nhau với quân đội Ai Cập. Họ thả mèo ra giữa trận và cuối cùng, binh lính Ai Cập vì không nỡ giết hại chúng nên đã đầu hàng.