Có những việc bạn đang làm tưởng là đúng nhưng thực chất lại sai bét. Ví dụ như thói quen gấp chăn màn gọng gàng sau khi ngủ dậy, hay che miệng khi hắt xì… Dưới đây là một số thói quen sai lầm bạn thường mắc phải nhưng không biết.
1. Cắt móng tay quá ngắn
Từ nhỏ, chúng ta đã được dạy phải cắt móng tay thường xuyên, kẻo để dài rất bẩn, có thể sinh ra vi trùng, vì thế nhiều người luôn có thói quen cắt móng tay rất ngắn, thậm chí sát thịt.
Tuy nhiên, thực tế nếu bạn cắt móng ngắn quá, khi mọc lại chúng sẽ như chiếc gai cứng đâm vào mô mềm ở rãnh móng, khiến móng mọc ngược vào trong, gây sưng đau, tiết dịch và có thể gây viêm quanh móng paronychia dạng cấp tính (xuất hiện đột ngột) hoặc mãn tính (kéo dài một thời gian dài).
Để không gặp phải tình trạng này, bạn nên ngâm móng vào nước để móng ẩm và mềm. Sau đó, cắt giữa rồi đến hai bên để dễ kiểm soát độ dài và chừa lại khoảng 1mm. Cuối cùng, bạn dùng dũa làm nhẵn các góc nhọn của móng.
Móng tay của người trưởng thành nên được cắt tỉa mỗi tuần một lần.
2. Dùng tay che miệng khi hắt xì
Một nghiên cứu cho thấy, khi hắt hơi sẽ có từ 1.000 đến 40.000 giọt nước bọt và dịch tiết mũi được phun ra ngoài không khí với tốc độ cao. Hành động hắt xì có thể bắn vi khuẩn hoặc virus vào cơ thể người khác ở khoảng cách 2m. Trong một cái hắt hơi của người bình thường chứa khoảng 300.000 vi khuẩn.
Dùng tay che miệng khi hắt xì, những giọt nước sẽ không thể bắn ra ngoài, nhưng chúng lại bám vào tay bạn. Nếu lúc này bạn chạm tay vào các bề mặt khác, có thể sẽ lây bệnh cho người khác.
Ngoài ra, khi bạn bịt miệng và mũi khi hắt xì, áp suất không được giải tỏa sẽ “quay ngược” vào trong, tác động vào vòi nhĩ, thậm chí gây tổn thương màng nhĩ. Hơn nữa, hắt xì cũng tạo ra một áp lực mạnh ở đường hô hấp trên.
Do đó, khi muốn hắt xì, bạn đừng kìm lại. Bạn có thể che miệng bằng khăn tay, khăn giấy. Nếu không có khăn, bạn dùng khuỷu tay để che, bởi vị trí này ít chạm vào người khác sẽ khó làm lây lan vi khuẩn.
3. Nghiện ngoáy tai
Khi ngứa tai, nhiều người sẽ dùng cây ngoáy tai hoặc tăm bông để ngoáy ra. Hành động này nếu thực hiện thường xuyên sẽ tạo cho bạn một thói quen, cứ rảnh rỗi là ngoáy tai.
Mọi người cho rằng, ráy tai là bẩn, rác và cần phải được “dọn” để ống tai được sạch sẽ. Tuy nhiên, ráy tai sinh ra như một chất bôi trơn tai và ngăn ngừa bụi xâm nhập vào ống tai. Các nghiên cứu phát hiện, nếu không có ráy tai, tai bạn sẽ dễ bị nhiễm trùng và mắc các bệnh chàm hoặc viêm tai ngoài.
Việc ngoáy tai thường xuyên có thể làm tổn thương vùng da ống tai ngoài. Nếu không kiểm soát được độ sâu khi ngoáy tai có thể khiến màng nhĩ bị tổn thương, mất thính lực.
Bình thường, ráy tai có thể tự thải ra ngoài mà không cần phải ngoáy tai. Vì thế, nếu bạn bị ngứa, bạn hãy thử dùng tay kéo nhẹ và xoay nhẹ vành tai ngoài và dái tay. Nếu muốn dùng tăm bông lấy ráy tai, bạn cần nhúng tăm bông vô trùng vào nước ấm, vắt khô một chút, đưa nhẹ vào trong và lau nhẹ ống tai ngoài, xoay nhẹ theo một hướng để lấy ráy tai ra.
4. Bịt hai lỗ mũi và xì mũi
Thói quen bị hai lỗ mũi và xì mũi là một thói quen gây hại. Khi bịt lỗ mũi hai bên và xì mạnh, phần lớn dịch mũi sẽ không thể thoát ra khỏi lỗ mũi mà ngược lại sẽ chảy ngược vào xoang, thậm chí lên khoang tai giữa, gây ra hiện tượng nghẹt mũi, ù trong tai.
Vi khuẩn có trong nước muối có thể gây viêm tai giữa hoặc làm nặng thêm bệnh viêm xoang.
Cách xì mũi đúng là hãy ngậm miệng lại, dùng ngón tay đè một bên mũi, xì nước mũi bên kia và ngược lại. Khi xì mũi không dùng quá nhiều lực.
5. Đánh răng sau bữa ăn
Đánh răng là thói quen tốt. Chúng ta thường sẽ đánh răng 2 lần/ngày. Tuy nhiên, một số người lại có thói quen đánh răng ngay sau khi ăn, thậm chí là đánh răng bất kể ăn cái gì, điều này không hề có lợi cho sức khỏe răng miệng.
Trên bề mặt răng có một lớp men, nếu bạn ăn hoặc uống các loại thực phẩm có tính axit có thể sẽ làm bong các tinh thể men. Nếu đánh răng ngay lúc này sẽ làm trôi đi các tinh thể men răng, theo thời gian men răng sẽ mòn và dễ bị tổn thương. Do đó, thay vì đánh răng sau bữa ăn bạn chỉ cần súc miệng là được.
6. Dùng nước sôi khử trùng bát đĩa
Nhiều người có thói quen dùng nước sôi khử trùng bát đĩa. Nhưng thực tế, khử trùng ở nhiệt độ cao cần đáp ứng hai điều kiện, một là nhiệt độ tác dụng, hai là thời gian tác dụng, thiếu một trong hai đều không được.
Trên phần lớn các bộ dụng cụ ăn uống có thể chứa các vi khuẩn như Escherichia coli, Salmonella và Vibrio cholerae, hầu hết chúng cần được tiếp xúc với nhiệt độ 100 độ C trong 5 phút hoặc 80 độ C trong 10 phút trước khi chúng chết.
Với virus viêm gan B thì cần ít nhất 10 phút trong nhiệt độ 100 độ C mới chết. Một số bào tử vi khuẩn không sợ “nóng” thì cần đun sôi ở thời gian lâu hơn, chẳng hạn như 60 phút với bào tử uốn ván, hay 3 giờ đối với Clostridium botulinum.
Nếu thời gian khử trùng bát đĩa bằng nước sôi dưới 10 phút thì rất khó để tiêu diệt vi khuẩn. Tác dụng lớn nhất việc làm này chỉ là giúp lấy đi một phần bụi bặm.