Áp lực của trẻ em bắt nguồn từ đâu? - Kỳ 2

(VOH) -  Trẻ em phải chịu rất nhiều áp lực nhưng người lớn cho rằng trẻ con thì không có áp lực gì cả.

Song, sự thật thì trẻ cũng có rất nhiều áp lực cần được giải tỏa, cần được chia sẻ, thông cảm nhiều hơn chúng ta nghĩ, như: Áp lực từ việc học; áp lực đến từ bạn bè hay áp lực từ việc thích thầm một người bạn khác giới. Và còn một áp lực nữa rất khó nhận diện đó chính là áp lực do chính cha mẹ tạo ra cho con. Điển hình nhất của việc tạo áp lực cho con có thể kể đến câu so sánh “con nhà người ta”.

Áp lực của trẻ em bắt nguồn từ đâu? - Kỳ 2 1
Ảnh minh hoạ. 

Vì vậy, thay vì áp đặt, chúng ta có thể học cách lắng nghe các em. Việc lắng nghe sẽ giúp ta có thể hiểu hơn về những mong muốn, khả năng của con em mình. Từ đó đưa ra những lời khuyến khích, động viên giúp các em tự tin và biết cách chấp nhận thất bại.

Đây cũng là nội dung kỳ 2 cũng là kỳ cuối của tọa đàm “Áp lực của trẻ em bắt nguồn từ đâu?”, với sự tham dự của các vị khách mời: 

  • Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia cơ sở TP HCM
  • Bà Nguyễn Ngọc Nhung, Phó Trưởng Ban Thiếu nhi Thành Đoàn - Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Thành phố Hồ Chí Minh 

*VOH: Thưa Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, để tránh áp lực từ ba mẹ, từ mong mỏi gia đình thì tôi nghĩ các bạn cũng cần phải làm điều gì đó để ba mẹ có thể tin tưởng, để mình được sống theo cuộc sống mong muốn của mình, sống theo mục đích của mình, tránh những áp lực từ ba mẹ?

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy: Đó là điều mà chính bố mẹ lại rất mong. Bố mẹ dù có vô tình hay cố tình tạo ra áp lực cho con vì thực ra bố mẹ nào cũng mong con hạnh phúc trước khi mong có nhiều tiền hay hạnh phúc. Nhưng thật sự như thế nào là hạnh phúc thì chúng ta đang trao truyền cho con bằng chính hành vi cử chỉ của mình. Cho nên các bé phải có sự dám nói lên mong muốn của mình. Người hạnh phúc là người sống với mong muốn của mình, tạo nên giá trị từ con người chúng ta, từ cá tính, từ tài năng, từ những điểm kể cả ưu và khuyết của chúng ta, chứ chúng ta không thể là bản sao của người khác được.

Quay về quyền trẻ em, ví dụ như quyền được tham gia. Con có câu chuyện gì, có tâm tư gì con sẵn sàng nói ra với ba mẹ. Khi bố mẹ cho mình cơ hội nói mình nên nói ra. Quyền được tham gia các diễn đàn trong gia đình, trong các diễn đàn trong nhà trường, trong các diễn đàn ngoài xã hội. Có rất nhiều diễn đàn cho trẻ em bày tỏ quan điểm nhưng vấn đề trẻ em có tự tin nói ra hay không. Một ý thứ hai là các em ý thức được pháp luật bảo vệ. Việt Nam là một trong những nước ký sớm nhất về Quyền trẻ em. Rất nhiều văn bản pháp luật liên quan đến việc là tạo điều kiện cho trẻ, bảo vệ trẻ như thế nào từ Trung ương đến địa phương.

Tôi quan sát rất nhiều video bạo lực học đường, trẻ bị người lớn đánh hay bị bạn đánh đi chăng nữa, thì con chỉ biết ngồi chịu trận, con không chống đỡ, cũng không chạy trốn, không có biện pháp tự vệ nào cả. Thế vậy, bị đánh vào chỗ hiểm thì làm như thế nào. Bị làm tổn thương trên cơ thể mà không có cách nào chữa trị thì làm như thế nào. Cho nên trẻ có ý thức về quyền nhân thân của con không. Quyền được pháp luật bảo vệ, không ai có quyền xâm phạm tính mạng, nhân phẩm, danh dự của mình hay không. Thì nếu đứa trẻ ý thức điều đó từ bé thì con làm sai gì thì sẽ phải chịu hình phạt chung của nơi con đang sinh sống. Nhưng không ai có quyền tổn thương trẻ.

Thậm chí chúng ta cũng biết là luật phòng chống bạo hành trong gia đình thì bố mẹ đâu có quyền đánh con chứ đừng nói bất kì ai. Thế tại sao đứa trẻ lại chịu đựng người khác đánh. Thì đó là câu chuyện trẻ biết quyền mình không và có thực hiện quyền của mình không. Có hai điều tôi muốn gửi gắm các bậc cha mẹ. Thứ nhất, cha mẹ nào cũng mong muốn bạn hạnh phúc. Bạn chỉ hạnh phúc khi bạn là chính bạn, bạn tự tin là chính mình thôi. Bạn cũng phải trân trọng quyền của bạn đã được ghi trong công ước quốc tế đến Việt Nam, về quyền của mình, về sự bảo vệ mà pháp luật quy định. Bạn hãy bày tỏ quan điểm của mình và bạn hãy bảo vệ bạn trước. Tất nhiên đó là lời tâm sự với các con, còn các con còn non, các con muốn làm được điều đó thì rất cần sự đồng hành hướng dẫn của ba mẹ, thầy cô.

*VOH: Xin cám ơn Tiến sĩ Phạm Thị Thúy. Hỏi thêm bà Nguyễn Ngọc Nhung bà có ý kiến như thế nào về câu chuyện trang bị cho các bạn trẻ, các bạn tự trang bị cho mình như thế nào để thực hiện được mong muốn bản thân, được sống theo cách của mình?

Bà Nguyễn Ngọc Nhung: Theo tôi nghĩ, thay về mong muốn con học cái này học cái kia, thì cha mẹ hãy dành thời gian để trò chuyện, tham khảo ý kiến của con, để xem con thích cái gì, thích học nghề nào, từ đó cha mẹ phân tích và đồng hành cùng con, hướng dẫn cho con và từng bước thực hiện ước mơ đó. Đối với các bạn trẻ hiện nay thì phải xác định mình đang muốn gì. Hiện nay, các bạn có một hạn chế là các bạn ít dành thời gian cho gia đình, ít chia sẻ, ít trải lòng của mình. Tôi nghĩ là các bạn nên chia sẻ nhiều hơn với ba mẹ mình, với người thân của mình, các bạn hãy suy nghĩ tích cực hơn.

Các bạn hãy suy nghĩ là khi mình cần sự hỗ trợ giúp đỡ, bạn trẻ em hay thiếu niên cũng vậy, mong muốn được thể hiện mình, và thể hiện mình thì sẽ dần dần có suy nghĩ là không cần ai giúp đỡ. Nhưng, các bạn hãy suy nghĩ là xung quanh mình còn có gia đình, còn có bạn bè, đặc biệt tổ chức đoàn đội luôn sẵn sàng giúp đỡ các bạn, để khi gặp khó khăn, khi cần hỗ trợ để thực hiện ước mơ của các bạn thì các bạn vẫn phải luôn có thêm sự đồng hành đó. Tôi nghĩ là cùng với các bạn thực hiện ước mơ của mình trong tương lai hay những cái câu chuyện giải quyết vấn đề khó khăn trong cuộc sống thì dễ dàng hơn là các bạn ôm khó khăn, ôm suy nghĩ tiêu cực vào trong một mình mình.

*VOH: Bà Nhung có nhắc đến việc cần được hỗ trợ và giúp đỡ. Vậy thì thưa ông Đặng Hoa Nam, về mặt quản lí, Nhà nước có những chính sách gì nhằm bảo vệ trẻ em cũng như các tổ chức liên quan có vai trò gì bảo vệ trẻ em trước nguy cơ áp lực từ gia đình ạ?

Ông Đặng Hoa Nam: Trong các phương pháp làm cha mẹ có một phương pháp rất hay là kỷ luật tích cực. Bất kỳ con người nào muốn được trưởng thành, muốn thành người tốt, muốn được là chính mình thì đều phải khép mình vào kỷ luật. Nhưng mà ở đây là kỷ luật tích cực, kỷ luật không bạo lực, kỷ luật không nước mắt, kỷ luật dựa trên cam kết đồng thuận và thấu hiểu lẫn nhau. Còn về phía làm thế nào để giải quyết các vấn đề không gây áp lực nhiều hơn cho trẻ, không gây cho trẻ những sang chấn về mặt tâm lý, chúng tôi cho rằng có mấy vấn đề chúng ta cần lưu ý. Thứ nhất, trách nhiệm tạo cho trẻ cuộc sống lành mạnh, an toàn là trách nhiệm của rất nhiều bên. Nhưng không có nghĩa là trách nhiệm của tất cả mọi người mà không có sự phân công.

Pháp luật Việt Nam mà đặc biệt là Luật Trẻ em có phân công rất cụ thể. Trách nhiệm của Chính phủ, Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp, chính quyền, gia đình, nhà trường, cha mẹ, các tổ chức đoàn thể có trách nhiệm như thế nào đối với việc tạo cho trẻ em môi trường sống an toàn và lành mạnh. Chúng ta cần tăng cường việc quan tâm, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ. Chúng tôi có hai khuyến nghị, và chắc chắn chúng tôi tiếp tục khuyến nghị và phối hợp với các cơ quan, vừa quản lí nhà nước, vừa cung cấp dịch vụ cho trẻ em và cho người dân. Thứ nhất, ngành y tế cần phải tiếp tục chuẩn hóa lại, và quan tâm nhiều hơn hình thành một lĩnh vực chăm sóc mà chúng ta đang bỏ trống là chăm sóc sức khỏe tâm thần. Chăm sóc sức khỏe tâm thần là nhu cầu là yêu cầu của rất nhiều người, không chỉ có trẻ em mà cả người lớn. Ai cũng có lúc, mức độ nặng nhẹ khác nhau, gặp rối nhiễu, sang chấn thì họ tìm kiếm dịch vụ ở đâu. Thì có lẽ đây là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần cho toàn bộ xã hội mà chúng tôi cho rằng ngành y tế cần đầu tư nhiều hơn. Vấn đề thứ hai là trách nhiệm thuộc về ngành giáo dục. Hiện nay, Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng đã bắt đầu hành trình của mình nhưng tôi cho rằng cần phải đi nhanh hơn  nữa, cần phải quyết liệt hơn nữa, đó là hình thành dịch vụ và quan tâm nhiều hơn tâm lý học đường. Mỗi trường học phải có ít nhất 1 chuyên gia tâm lý. Chúng tôi còn tiếp tục tham mưu có ý kiến với chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm sao chúng ta hình thành trước mắt và lâu dài.

*VOH: Xin được cám ơn ông Đặng Hoa Nam. Và rõ ràng trong câu chuyện mà ông chia sẻ thì tôi tâm đắc nhất đó là sự thấu hiểu. Thấu hiểu lẫn nhau theo tôi là yếu tố quyết định giữa ba mẹ và con cái. Thay vì ba mẹ áp đặt thì chúng ta học cách lắng nghe con em mình nhiều hơn. Và sự lắng nghe giúp chúng ta hiểu hơn về những mong muốn, những khả năng của con em mình. Và trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã dành thời gian đến với chương trình ngày hôm nay.