Nam nhân viên họ Vương gia nhập vào một công ty (ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc) vào 4/2006 và chính thức ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn kể từ tháng 4/2013.
Tháng 12/2014, nam nhân viên này phẫu thuật để khắc phục vấn đề về hậu môn. Việc điều trị rất thành công nhưng khoảng 1 tháng sau khi vết mổ lành, anh vẫn cảm thấy đau dai dẳng.
Mọi chuyện bắt đầu trở nên nghiêm trọng từ tháng 7/2015, khi nam nhân viên họ Vương phải dành từ 3 - 6 tiếng mỗi ngày trong nhà vệ sinh.
Theo ghi nhận của công ty, từ ngày 7/9 - 17/9/2015, anh đã vào nhà vệ sinh 22 lần, tức trung bình 2 - 3 lần/ngày làm việc. Mỗi lần đi vệ sinh kéo dài từ 47 - 196 phút, tương đương 1 - 3 tiếng.
Ngày 23/9/2015, công ty chấm dứt hợp đồng lao động của nhân viên họ Vương với lý do vi phạm quy định trong sổ tay nhân viên, liên quan đến việc đi muộn, về sớm và vắng mặt trái phép.
Tháng 10/2015, anh Vương đưa vụ việc ra tòa để đòi quyền lợi, yêu cầu được khôi phục vị trí công tác.
Vụ kiện kéo dài nhiều năm. Cuối cùng tòa án cấp cao của thành phố Thiên Tân phán quyết rằng thời gian đi vệ sinh của nhân viên họ Vương không nằm trong “nhu cầu sinh lý bình thường và hợp lý” và việc chấm dứt hợp đồng của công ty là hợp pháp, chính đáng. Vì vậy, anh Vương thua kiện và không được trở lại làm việc.
Vụ việc nói trên đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người đồng thời tạo ra những cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội.
“Dành 4 tiếng trong một ngày làm việc có 8 tiếng để ở trong nhà vệ sinh? Nhà tuyển dụng nào có thể chấp nhận điều đó?”, một cư dân mạng bình luận.
“Giống như được trả tiền để sử dụng nhà vệ sinh vậy.” một người khác đồng tình.
Bên cạnh đó, cũng có một số người thông cảm với hoàn cảnh của nam nhân viên:
"Anh ấy có những khó khăn của riêng mình, không ai muốn điều này xảy ra cả.", một người bày tỏ.
“Bị ốm có thể được thông cảm, nhưng không nên lấy đó làm cái cớ.”, ý kiến của một cư dân mạng.