Trên diễn đàn ẩn danh Dcard, một nhân viên văn phòng trẻ tuổi bối rối chia sẻ mình đã khiến sếp tức giận vì không biết quy tắc cụng ly.
Người quản lý của anh ấy đề nghị cả phòng đi ăn tối. Trong bữa ăn, mọi người cùng nhau nâng ly chúc mừng. Tuy nhiên, nam nhân viên đã bỏ qua “một nghi thức quan trọng” đối với những người lớn tuổi.
Anh cho rằng vì hành động này mà mình bị sếp gọi ra ngoài trách mắng tại nơi làm việc.
Một người đồng nghiệp nói với anh, người quản lý tức giận vì trong lúc nâng ly chúc mừng, ly của anh nâng cao hơn ly của sếp. Trong văn hóa trên bàn ăn của người Trung Quốc, khi nâng ly/cốc, những người trẻ, có vai vế thấp hơn được khuyến khích nâng ly thấp hơn so với người lớn tuổi, người có vai vế cao hơn mình. Đây là phép lịch sự, thể hiện sự kính trọng.
Dưới bài đăng của nam nhân viên này, hầu hết mọi người đều cho rằng ông chủ của anh là người thô lỗ và vô lý.
Một cư dân mạng tỏ ra đồng cảm: “Tuần trước, tại bữa tối của người trong bộ phận, tôi cũng đã khiến một đồng nghiệp khó chịu khi là người đầu tiên động đũa.”
Bên cạnh sự đồng tình hay những lời an ủi, cũng có người nghi ngờ rằng hiệu suất làm việc của người đăng bài mới là nguyên dân dẫn đến việc bị sếp phàn nàn: “Bạn có bao giờ nghĩ rằng, việc bị sếp trách mắng có lẽ không phải do bữa tối hôm đó không?”
Văn hóa cụng ly của các nước trên giới
Nhật Bản
Tại Nhật Bản, người ta không bao giờ tự rót đồ uống cho mình. Thế nhưng, rót cho người bên cạnh lại là phép lịch sự.
Hàn Quốc
Phong tục nhận và trao đồ uống ở Hàn Quốc rất quan trọng. Người phục vụ rót đồ từ chai và người nhận giữ ly bằng cả hai tay.
Trung Quốc
Người Trung Quốc thích rót tràn ly hoặc cốc để thể hiện tình cảm tràn đầy. Khi nâng ly, người ta sẽ chú ý giữ cho ly của mình thấp hơn ly của chủ nhà, người lớn tuổi để tỏ ý tôn trọng.
Nga
Trước khi uống hết ly/cốc, người Nga có phong tục nói một lời chúc dài. Nếu đã cầm ly của mình lên thì bạn sẽ khó lòng đặt xuống nếu chưa cạn hết.
Pháp
Người Pháp thường nhìn vào mắt nhau khi uống. Họ không rót quá đầy ly và thích thưởng thức từng ngụm nhỏ một cách nhẹ nhàng, từ tốn.
Hungary
Người Hungary rất kỵ việc chạm ly phát ra tiếng leng keng. Bạn nên chú ý điều này nếu không sẽ gặp rắc rối về pháp lý.
Cộng hòa Séc
Khi nâng ly/cốc chúc mừng, người dân ở đây không bao giờ đặt chéo tay. Vì họ tin rằng nếu làm vậy, đời sống tình cảm sẽ không thuận lợi.
Theo SCMP