Không vừa mắt Từ Hy Thái Hậu dù là sủng phi của vua Quang Tự Trân Phi nhận cái kết đắng!

(VOH) – Là người được Hoàng đế Quang Tự hết mực yêu thương, sủng hạnh, ấy vậy mà chỉ vì không vừa mắt Từ Hy Thái hậu vị phi tần này đã phải nhận cái kết thảm thương.

Năm Quang Tự thứ 14 (năm 1888), trải qua 4 lần tuyển tú, Trân phi chính thức được nạp vào cung trở thành phi tần của Hoàng đế Quang Tự sống ở Cảnh Nhân cung. 

Trân phi là người của gia tộc Tha Tháp Lạp Thị, một dòng dõi có địa vị tương đối thấp kém thời nhà Thanh, bà lại còn là con của vợ lẽ. Trân phi lớn lên ở Quảng Châu, vùng đất có nhiều người ngoại quốc sinh sống và qua lại, chính vì vậy bà có tư tưởng rất phóng khoáng, lanh lợi, hoạt bát và biết được nhiều thứ mới lạ đến từ Tây phương. Trân phi có sở thích rất đặc biệt là chụp ảnh và cải nam trang, vì vậy bà cũng là một trong những cung phi có nhiều hình ảnh trong lịch sử Trung Hoa. 

Trân phi được vua Quang Tự hết mực sủng ái

Khi gặp Trân Phi cũng là lúc vua Quang Tự muốn bỏ đi những luật lệ cũ kỹ cỗ lỗ sĩ của triều đại phong kiến, học hỏi thêm cái mới để có hướng đi mới trong cải cách đất nước. Trân phi chẳng những có dung mạo xinh đẹp, đầy đặn, phúc hậu, mà lại còn thông minh, hiểu biết và đặc biệt tường tận về Tây phương khiến Hoàng đế Quang Tự cảm thấy thú vị, rất thích bên cạnh và từ đó mà cũng hết mực sủng ái, yêu thương. 

Quang Tự Đế cơ hồ mỗi ngày đều triệu hạnh Trân tần. Cứ cách 3 đến 4 ngày là 1 lần tự đến Cảnh Nhân cung. Trân tần thông tuệ, biết Quang Tự Đế có một tình cảnh hết sức gian nan, nội tâm khổ sở, nên bà đối với Hoàng đế rất thấu hiểu và đồng tình. Trân tần là một vị đa tình thiện lương thiếu nữ, trăm phương nghìn kế ôn tồn săn sóc quan ái Quang Tự Đế, nên khiến cho vị phu quân của mình cảm thấy thoải mái vui sướng.
- Trích Doanh đài khấp huyết ký của Dụ Đức Linh (Cung nhân hầu cận Từ Hy Thái Hậu)

cai-ket-tham-cua-vi-phi-tan-khong-vua-mat-tu-hy-thai-hau-voh
Nhờ tư duy sắc sảo, thông minh, Trân phi như một đoá hoa mang màu sắc dị biệt nơi cố cung và được vua Quang Tự hết mực yêu thương

Vua Quang Tự nổi tiếng là người nóng tính, trong lúc phê duyệt tấu chương thường xuyên đập phá đồ đạc khiến cho bất cứ ai cũng khiếp sợ mà không dám đến gần. Vậy nhưng đối với Trân phi thì hoàn toàn khác, Hoàng đế Quang Tự chẳng những không hề quạu quọ, bực dọc mà còn thường xuyên cho gọi Trân phi đến cùng ông thảo luận chuyện triều chính. Mỗi lần đến thư phòng của Hoàng đế, Trân phi sẽ mặc đồ hằng ngày của vua hoặc cải trang thành thái giám. Không chỉ được vua yêu thương, Trân phi còn rất được Quang Tự đế trọng dụng, tin tưởng.  

Quang Tự từ sau đại hôn, đối với Hoàng hậu không mấy gần gũi, khi ở chung với Cẩn phi cũng như vậy không khác. Duy có Trân phi trời sinh tính ngoan ngoãn, giỏi làm người khác vui vẻ, khéo việc bút nghiêng, giỏi việc đánh cờ, hằng ngày hầu bên cạnh Hoàng đế, cùng Hoàng đế uống rượu vui ca, thực sự có được sủng hạnh từ Hoàng đế.
- Trích Quốc văn bị thừa của Hồ Tư Kính

Xem thêm: Nhan sắc đời thực của các cung tần mỹ nữ Trung Quốc xưa

Trân phi không vừa mắt Từ Hy Thái hậu

Thoạt đầu, Trân phi cũng rất được Từ Hy Thái hậu yêu thích vì so ra vị phi tần này rất giống bà thời trẻ, một người con gái thông minh, sâu sắc, nhạy bén, tri thư đạt lý. Thậm chí biết Trân phi yêu thích hội hoạ, Từ Hy còn mời thầy trong cung dạy thư pháp và quốc hoạ cho bà.

Thế nhưng sự sủng ái ngày càng lớn của Hoàng đế Quang Tự dành cho Trân phi lại trở thành mối đe dọa đối với Hiếu Định Cảnh Hoàng hậu cháu gái Từ Hy Thái hậu. Hoàng đế Quang Tự ngày đêm gần gũi Trân phi thì lẽ đương nhiên Hiếu Định Cảnh Hoàng hậu bị chồng ghẻ lạnh. Vậy là Hoàng hậu đem chuyện tỉ tê với Từ Hy Thái hậu, thường xuyên nói xấu Trân phi, mong cầu sự giúp đỡ.

Mặc khác, Từ Hy Thái hậu luôn muốn Trung Hoa giữ nguyên thời phong kiến lạc hậu, ra sức ngăn cản Hoàng đế Quang Tự thực hiện các chính sách cải cách. Còn phía Trân phi lại theo hội Duy Tân và còn có nhiều cơ hội bên cạnh vua ca ngợi nền văn hoá Tây phương hiện đại. Từ Hy Thái hậu vì thế càng căm ghét và coi Trân phi là cái gai trong mắt cần được nhổ đi.

Có thuyết kể lại rằng, trong một lần Trân phi can thiệp triều chính, Từ Hy Thái hậu đã trách mắng, đáp lại Trân phi dửng dưng mà nói: “Tổ tông gia pháp vốn cũng đã tự có chỗ không tốt, thiếp nào có gan dám? Xin Thái hậu chỉ giáo”. Sự việc này khiến Từ Hy nổi trận lôi đình mà phạt “Sỉ y đình trượng” cho người lột quần áo đánh Trân phi một trận tơi bời. Hoàng đế Quang Tự chứng kiến cảnh này vô cùng thương xót, ông quỳ gối xin tha nhưng Từ Hy Thái hậu vẫn không dừng lại.

cai-ket-tham-cua-vi-phi-tan-khong-vua-mat-tu-hy-thai-hau-voh-1
Trân phi rất thích bàn chuyện chính sự, điều này khiến cho Từ Hy Thái hậu không được vui lòng

Mùa xuân năm Quang Tự thứ 20 (1894), ngày 3 tháng 1 (âm lịch), Từ Hy Thái hậu tổ chức đại thọ Từ Khánh 60 tuổi, nhân dịp này vua Quang Tự quyết định phong Trân tần lên làm phi, điều này khiến cho Từ Hy Thái hậu không được hài lòng. Cùng năm đó, ngày 29/10, lễ sắc phong chưa kịp diễn ra Từ Hy đã giáng Trân phi từ Trân tần xuống thành Quý nhân vì tội "Nhiều lần khất thỉnh" can thiệp triều chính, tiêu hoang phung phí.

Đến năm Quang Tự thứ 21 (1895), ngày 15/10 (âm lịch) tròn một năm sau đó, cơn giận của Thái hậu nguôi ngoai bà ra chỉ tấn lại phi vị cho Trân phi, đến ngày 12/11 (âm lịch) thì lễ sắc phong diễn ra. Nhưng rồi Trân phi một lần nữa phạm vào điều cấm kỵ của Từ Hy Thái hậu đó là can thiệp quốc chính, kết cục bị giải ra khỏi Cảnh Nhân cung đày vào lãnh cung. 

Xem thêm: Những bí ẩn bên trong lăng mộ hơn 2000 năm của Tần Thuỷ Hoàng

Trân Phi bị Từ Hy Thái hậu sát hại dã man

5 năm sau đó, trong cuộc khởi nghĩa Nghĩa Hoà Đoàn, Bắc Kinh thất thủ, triều đình phải lui về Tây An lánh nạn. Riêng Trân phi không kịp thoát thân vẫn còn bị giam trong cố cung, gặp giặc ngoại xâm thì không chịu nhục cho nên đã tuẫn tiết mà chết. Tuy nhiên cái chết của Trân phi có nhiều thuyết và ghi chép khác nhau, phổ biến và được nhiều người tin nhất là câu chuyện chết dưới giếng. 

Kể rằng tình hình lúc đó trong cung loạn lạc, Từ Hy Thái hậu cùng các cung nữ, binh lính thục mạng tháo chạy, ấy vậy mà bà vẫn chưa quên mối hận với Trân phi. Lợi dụng thời điểm rối ren, Từ Hy sai Thôi Ngọc Quý thái giám tìm đến Trân phi mà sát hại cho kỳ được.

Thôi Ngọc Quý đến chỗ ở của Trân phi lôi bà đến một cái giếng sau đó thẳng chân mà đạp xuống, tiếp đó hắn còn ném đá xuống giếng để lấp xác. Giếng nước này về sau được gọi là giếng Trân phi, đồn đãi rằng cứ đêm xuống từ miệng giếng lại vọng lên những lời than oán và hận thù đến thương tâm. Ngày nay khu giếng này trở thành điểm tham quan nổi tiếng ở cố cung. 

Một năm sau đó Từ Hy Thái hậu mới cho người nhà của Trân phi đến đào giếng lên để an táng cho chu tất, nhưng thi hài của Trân phi chẳng những không được xây lăng mộ mà còn được chôn sơ sài ở khu mộ dành cho cung nữ bên ngoài Tử Cấm Thành. Để tránh dèm pha và tiếng xấu, về sau Từ Hy Thái hậu truy phong Trân phi lên làm Trân Quý phi.

cai-ket-tham-cua-vi-phi-tan-khong-vua-mat-tu-hy-thai-hau-voh-2
Sau khi chết Trân phi được tấn phong thành Trân Quý phi nhưng chỉ được chôn cất bên ngoài Tử Cấm Thành

Thương thay cho thân phận má đào, chỉ vì không vừa ý Từ Hy Thái hậu và có tư tưởng tân tiến mà một phi tần thông minh, tài trí, được sủng hạnh lại có cái kết vô cùng thảm thương khi mới chỉ 25 tuổi. Trân phi không những là vợ mà đối với vua Quang Tự còn là một người tri kỷ, người thấu hiểu và hết lòng ủng hộ ông trên con đường cải cách đất nước. Trước sự đoản mệnh của người phi tử Hoàng đế Quang Tự đã vô cùng đau khổ và cảm thấy bất lực vì không bảo vệ được người vợ mà ông hết mực yêu thương!