Những bí ẩn bên trong lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng, hơn 2000 năm vẫn mãi là bí ẩn!

(VOH) – Dù cho đã được phát hiện vào năm 1974 nhưng đến nay lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng vẫn còn nhiều bí ẩn vì giới khảo cổ chưa đủ công nghệ để khai quật toàn bộ.

Tần Thuỷ Hoàng là vị vua thứ 36 của nước Tần, là Hoàng Đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa, dẹp loạn sáu nước chư hầu, chấm dứt thời kỳ Chiến Quốc. Bên cạnh những chiến công hiển hách, những công trình đồ sộ mà Tần Thuỷ Hoàng để lại, lăng mộ của ông còn là đề tài gây nhiều tò mò và tranh cãi cho hậu thế.

bi-mat-lang-mo-tan-thuy-hoang-voh-7
Tần Thuỷ Hoàng là vị Hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa

Vào năm 1974, một vài nông dân ở huyện Lâm Đồng, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc tiến hành đào giếng và vô tình đào thấy một chiến binh bằng đất nung có kích thước to lớn như người thật. Ngay lập tức giới khảo cổ tiến hành khai quật và tìm thấy lăng mộ của Tần Thuỷ hoàng. Lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng còn được gọi là Tần Thuỷ Hoàng Đế lăng, trong tiếng Trung là 秦始皇帝陵 (bính âm: Qínshǐhuáng dìlíng).

Từ khi lên ngôi năm 13 tuổi Tần Thuỷ Hoàng đã bắt đầu xây dựng lăng mộ cho mình. Hoàng đế Trung Hoa huy động trên dưới 700.000 công nhân và thợ thủ công lành nghề ở khắp nơi về đây ngày đêm xây dựng, mất 38 năm, mãi đến khi vua Tần băng hà vài năm sau đó thì lăng mộ mới được hoàn thành.

Sau khi xây xong, Tần Nhị Thế (con trai Tần Thủy Hoàng) đã ra lệnh đóng đường hầm để không người thợ nào thoát ra được, phía trên lăng mộ bao phủ bởi cây xanh tựa như một đồi núi, bí mật về lăng mộ theo đó mà chôn vùi suốt hơn 2000 năm. Tương truyền, người con này của vua Tần còn ra lệnh chôn sống các thê thiếp không có con với cha để có thể đi tiếp cùng ông sang thế giới bên kia.

Hiện tại dù đã xác định được chính xác vị trí nhưng công nghệ của giới khảo cổ Trung Quốc không đủ điều kiện để khai quật toàn bộ lăng mộ vô cùng đồ sộ này, càng không thể đặt chân vào nơi có quan tài của vị Hoàng đế. Thông tin về lăng mộ được tìm thấy nhiều trong các bản ghi chép của nhà sử học thời Hán - Tư Mã Thiên.

Xem thêm: Ngọn lửa ma không bao giờ tắt ở Trùng Khánh, Trung Quốc

Cấu trúc lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng

Lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng nằm ở phía Bắc dãy núi Ly Sơn, Thiểm Tây, Trung Quốc, cách Tây An 50km về phía đông. Lăng mộ được bao quanh bởi núi Linh Sơn và sông Vỹ, được xem là vị trí “đế thủy” với thế đất hình con rồng. Lăng mộ nằm ở chính giữa mắt rồng, tương truyền rất linh thiêng với nhiều câu chuyện bí ẩn.

bi-mat-lang-mo-tan-thuy-hoang-voh-5
Lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng được xem là vị trí “đế thủy” với thế đất hình con rồng

Được xây dựng theo bố cục kinh đô Hàm Dương của nhà Tần, lăng mộ gồm các khu nội thành với chu vi 2,5km (1,55 dặm) và ngoại thành rộng 6,3 km (3,9 dặm). Mộ chính nằm ở phía Tây Nam của nội thành, hướng về phía đông. Một vài khảo sát gần đây cho thấy lăng mộ ngầm này dài 260m từ Đông qua Tây và rộng 160m từ Bắc sang Nam. Tổng diện tích là 41.600 m2, tương đương 5 sân bóng đá quốc tế gộp lại và là lăng mộ rộng lớn nhất triều đại Tần và Hán. Trong đó, lăng mộ trung tâm vô cùng rộng lớn, chiếm khoảng 2/3 tổng diện tích mộ phần. Có 48 ngôi mộ nhỏ được tìm thấy và được cho là lăng mộ của các vị phi tử của vua Tần.

Bên ngoài lăng mộ bao quanh bởi các bức tường thành được làm từ tro trắng, đất cát, hoàng thổ và được thêm vào gạo nếp cùng đinh sắt, có tác dụng chống mưa gió rất tốt, thậm chí thuốc nổ bình thường cũng khó lung lay bức tường này, vô cùng kiên cố.

Kho báu bên trong lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng

Theo ghi chép của nhà sử học thời Hán – Tư Mã Thiên, lăng mộ hoàng đế Trung Hoa là một căn phòng chôn cất đầy kho báu quý hiếm được thu thập từ khắp nơi. Nơi đó có những dòng sông lớn nhỏ trông như thật nhờ đổ đầy thuỷ ngân, trên bầu trời đêm còn lấp lánh ánh trăng sao nhờ mái vòm lăng mộ được trang trí bởi những viên ngọc trai phát sáng.

bi-mat-lang-mo-tan-thuy-hoang-voh-4
Nhiều vũ khí giá trị đã được tìm thấy bên trong lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng

Và trên thực tế các nhà khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều vũ khí giá trị. Hai cỗ xe ngựa được đúc bằng đồng kích thước tuy chỉ bằng một nửa so với thực tế nhưng rất tinh xảo, sắc nét.

Bên trong còn có những lô kiếm đồng dài trung bình khoảng 80cm. Mặc dù đã bị chôn vùi dưới lòng đất hơn 2000 năm qua nhưng những cổ vật này vẫn sáng loáng như mới vừa được đúc và cực kỳ sắc bén.

Các mũi tên được phát hiện cũng có cấu tạo đặc biệt phức tạp, có thể dễ dàng xuyên qua lớp áo giáp rắn chắc của kẻ thù.

Những chiếc nỏ cũng được tìm thấy, không chỉ có thể bắn xa hơn cung tên, lực sát thương mạnh hơn mà tỷ lệ bắn trúng cũng vô cùng chuẩn xác, dây bắn vẫn còn dẻo dai và đàn hồi mạnh mẽ.

Xem thêm: Bộ tộc kỳ lạ, phụ nữ phải xăm kín mặt để không bị bắt cóc, ép cưới

Bẫy chết người bên trong lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng

Khi khai quật các nhà khảo cổ học nhận thấy bên trong lăng mộ có một lượng thuỷ ngân cao gấp 280 lần bình thường. Điều này khá trùng khớp với những ghi chép ly kỳ của nhà sử học thời Hán – Tư Mã Thiên về những dòng sông thuỷ ngân trong lăng mộ.

Giai thoại kể rằng Tần Thuỷ Hoàng đã cho xây dựng hệ thống sông ngòi và biển giống trên mặt đất, nhưng thay vì dùng nước, ông cho đổ khoảng 100 tấn thủy ngân vào đó. Chính vì khối lượng cực lớn này mà sau hơn 2000 năm lượng thuỷ ngân vẫn còn rất nhiều, dễ dàng đe doạ tính mạng của các nhà khảo cổ.  

Bên cạnh đó, những nghiên cứu gần đây của các chuyên gia còn cho rằng Hoàng đế Trung Hoa còn cài đặt nhiều cỗ máy bắn tên tự động cực kỳ nguy hiểm để không ai có thể xâm phạm nơi an nghỉ của mình.

bi-mat-lang-mo-tan-thuy-hoang-voh-6
Dòng sông thuỷ ngân và những cạm bẫy chết người được vua Tần cài đặt khắp nơi

Đội quân đất nung bên trong lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng

Năm 1974, hầm binh mã được phát hiện bởi những người nông dân đào giếng, ngay sau đó các nhà khảo cổ tiến hành khai quật. Ước lượng có trên 8000 tượng lính có kích thước như người thật, mỗi tượng sở hữu một nét mặt, hình dáng, biểu cảm, màu sắc khác nhau, vô cùng sống động. Bên cạnh đó các tượng xe ngựa trông như thật cũng được phát hiện.

Những pho tượng này được đặt trong 3 hầm mộ khác nhau, hầm thứ tư được bỏ trống. Hầm thứ nhất có 6000 tượng binh mã, được xem là đội quân chủ lực. Hầm thứ hai khoảng 1400 pho tượng kỵ binh, bộ binh cùng xe ngựa, được xem là đội cảnh binh. Hầm mộ thứ ba gồm các cấp khác nhau và một xe tứ mã.   

bi-mat-lang-mo-tan-thuy-hoang-voh-3
bi-mat-lang-mo-tan-thuy-hoang-voh-2
Cho đến nay, đội quân đất nung là phát hiện nhiều nhất bên trong lăng mộ Hoàng đế Trung Hoa

Khi mới khai quật những bức tượng này đều có màu sơn tươi tắn, sắc nét nhưng chưa được bao lâu thì xảy ra quá trình oxy hóa, nhanh chóng phai màu.

bi-mat-lang-mo-tan-thuy-hoang-voh-1
Những bức tượng nhanh chóng phai màu sau khi được khai quật

Hầu hết những bức tượng đều có khuôn mặt đỏ hoặc trắng hồng, duy chỉ một chiến binh sở hữu khuôn mặt màu lục khác lạ. Đây cũng là một câu đố hóc búa cho các nhà khảo cổ học.  

bi-mat-lang-mo-tan-thuy-hoang-voh
Tượng chiến binh đất nung màu xanh lục khác lạ

Đến bây giờ lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng vẫn còn nhiều bí ẩn, việc khai quật toàn bộ lăng mộ không những cần một số tiền rất lớn mà các nhà khảo cổ Trung Quốc cũng chưa có đủ công nghệ để đảm bảo vẹn toàn giá trị lịch sử thời nhà Tần. Chính vì vậy hiện tại việc mạo hiểm mở phong ấn lăng mộ có thể phá hỏng sự cân bằng cấu trúc ngầm gây nên những tổn thất lịch sử nghiêm trọng.

Nguồn: Internet