Nghiên cứu trên của Đại học Ottawa và các đối tác được công bố hôm 6/9 trên tạp chí JAMA Network Open.
Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Daniel Myran cho biết: “Phát hiện của chúng tôi cho thấy sự gia tăng đáng lo ngại về sự xuất hiện của cần sa trong các cấp cứu do chấn thương giao thông theo thời gian, thậm chí còn tăng đột biến hơn sau các giai đoạn hợp pháp hóa và thương mại hóa cần sa”.
Ngược lại, việc sử dụng rượu liên quan đến chấn thương giao thông không tăng trong thời gian nghiên cứu, điều này cho thấy, việc hợp pháp hóa cần sa đã đóng một vai trò quan trọng trong việc gia tăng tỷ lệ tai nạn.
Các nhà nghiên cứu đã rà soát gần một triệu lượt cấp cứu từ năm 2010 đến năm 2021, chia khoảng thời gian thành ba giai đoạn riêng biệt: trước khi hợp pháp hóa cần sa giải trí (tháng 1/2010 đến tháng 9/2018); hợp pháp hóa có hạn chế (tháng 10/2018 đến tháng 2/2020); và thương mại hóa sản phẩm mới (tháng 3/2020 đến tháng 12/2021).
Họ nhận thấy, các ca chấn thương giao thông liên quan đến cần sa đến phòng cấp cứu ngay sau giai đoạn cần sa được hợp pháp hóa vào năm 2018 đã tăng 94%.
Chương trình thương mại hóa loại thuốc này khiến mọi thứ bùng nổ, với tỷ lệ chấn thương tăng 223% được ghi nhận trong giai đoạn sau.
Myran giải thích: “Giai đoạn thương mại hóa tiếp theo, trùng lặp với đại dịch Covid-19, chứng kiến tỷ lệ tăng thậm chí còn lớn hơn 223% so với giai đoạn trước khi hợp pháp hóa”.
Nam giới từ 19 - 21 tuổi sống ở các khu dân cư có thu nhập thấp từng đến phòng cấp cứu liên quan đến cần sa cũng có tỷ lệ thương tích cao hơn trong khoảng thời gian nghiên cứu.
Myran lo ngại rằng, việc lái xe khi đang say cần sa có xu hướng trở thành một vấn đề rất đáng lo ngại ở Canada.
Ông nói: “Sự gia tăng được quan sát thấy về thương tích giao thông liên quan đến cần sa có thể phản ánh xu hướng rộng hơn trong việc lái xe do sử dụng cần sa”.
Nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các nỗ lực phòng ngừa, bao gồm các biện pháp chính sách và giáo dục có mục tiêu.