Theo luật mới, những người trưởng thành ở Malta sẽ được phép mang theo người tối đa 7 gram cần sa, và được phép trồng không quá 4 cây tại nhà. Tuy nhiên, việc sử dụng cần sa tại nơi công cộng hoặc trước mặt trẻ em thì vẫn bị cấm.
Quốc hội Malta đã tiến hành bỏ phiếu luật cải cách vào chiều thứ Ba ngày 14/12 (giờ địa phương) và thu được kết quả 36 phiếu thuận, 27 phiếu chống.
Bộ trưởng Bộ Bình đẳng - ông Owen Bonnici cho biết việc hợp pháp hóa cần sa là quyết định mang tính “lịch sử”, giúp những người sử dụng cần sa trong thời gian ngắn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời sẽ giúp hạn chế việc mua bán ma túy bất hợp pháp khi giờ đây người có nhu cầu đã có cách mua hàng an toàn và hợp pháp.
Tuy nhiên, đảng đối lập chính ở Malta là Quốc dân đảng thì phản đối việc cải cách này.
Vào tháng 10 năm nay, lãnh đạo Quốc dân đảng là Bernard Grech - người vốn ủng hộ đạo luật mới lúc đầu nhưng sau đó đổi ý - đã đưa ra lời cảnh báo rằng việc hợp pháp hóa cần sa “chỉ làm thị trường mua bán cần sa bất hợp pháp phát triển mạnh mẽ hơn, và sẽ bị các tổ chức tội phạm lợi dụng.”
Các ý kiến phản đối đã kêu gọi Tổng thống Malta, George Vella, không ký ban hành luật chính thức - bước cuối cùng trước khi đạo luật có hiệu lực.
Theo luật mới, bất kỳ ai nếu mang hơn 7 gram đến dưới 28 gram cần sa bên người sẽ bị phạt 100 euro (khoảng 2.600.000 đồng).
Mức phạt cho việc sử dụng trái phép cần sa nơi công cộng là 235 euro (hơn 6 triệu đồng), và sử dụng cần sa trước mặt trẻ em dưới 18 tuổi có thể bị phạt lên tới 500 euro (gần 13 triệu đồng).
Các hiệp hội phụ trách phân phối cần sa và hạt giống trồng do nhà nước quản lý sẽ được thành lập nhằm quản lý số lượng bán ra. Người mua cần sa bắt buộc phải là thành viên và chỉ được đăng ký tại một hiệp hội duy nhất.
Ngoài ra, Malta cũng đề xuất chương trình hỗ trợ cho trẻ vị thành niên nếu đã sử dụng cần sa. Những người này sẽ được đề nghị chế độ chăm sóc, điều trị thay vì bị bắt giữ hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự như trước đây.
Ngoài Malta thì một số quốc gia khác ở châu Âu cũng đang có kế hoạch hợp pháp hóa cần sa tương tự, như Đức, Luxembourg và Thụy Sĩ. Những nước như Hà Lan thì chấp nhận việc sử dụng cần sa trong một số trường hợp nhất định. Italy sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này vào năm sau.
Năm 2013, quốc gia Nam Mỹ Uruguay là nước đầu tiên trên thế giới chính thức hợp pháp hóa cần sa đối với người dùng cá nhân, theo sau đó là Canada vào năm 2018.