Chờ...

Mỹ chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa ASEAN và Tổng thống Joe Biden

(VOH) - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 15/12 cho biết nước này đang xem xét các vấn đề hiện tại ở Myanmar, đồng thời lãnh đạo các nước ASEAN sẽ được mời hội đàm cùng Tổng thống Joe Biden.

Ngoại trưởng Antony Blinken đưa ra thông tin trên trong chuyến thăm và làm việc tại Malaysia. “Chúng tôi rất mong chờ về một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt với các nhà lãnh đạo ASEAN vào năm sau”, ông Blinken nói. Ông cũng cho rằng vai trò các nước thành viên ASEAN “vô cùng cần thiết đối với trật tự và sự xây dựng của cả vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương”.

Người đồng cấp Malaysia - ông Saifuddin Abdullah cũng cho biết việc tham dự một hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ được thảo luận tại cuộc họp của Ngoại trưởng các nước Đông Nam Á (ASEAN) được tổ chức vào ngày 19/1/2022 sắp tới.

Myanmar hiện vẫn trong tình trạng bất ổn kể từ khi quân đội tiến hành đảo chính và lên nắm quyền vào ngày 1/2 năm nay. Các cuộc biểu tình và phản đối thường xuyên diễn ra, tình hình bạo lực trong nước luôn ở mức báo động.

Dù các quốc gia còn lại trong khối ASEAN vẫn đang xúc tiến các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết khủng hoảng ở Myanmar. Tuy nhiên, một số nước thành viên đã bày tỏ sự thất vọng về tiến trình xử lý có phần chậm chạp, dẫn đến việc lãnh đạo chính quyền quân sự tại Myanmar đã “bị loại” khỏi một số hội nghị gần đây của ASEAN.

“Trong vài tuần và vài tháng tới, việc quan trọng là cần xem xét những bước tiếp theo và thảo luận về những biện pháp để sớm đưa đất nước này (Myanmar - pv) trở về quỹ đạo dân chủ”, ông Blinken nói.

Mỹ chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa ASEAN và Tổng thống Joe Biden
Ngoai trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) trong buổi làm việc với Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah ngày 15/12/2021. Ảnh: Reuters

Trước đó, Mỹ và các nước phương Tây cũng đã ban hành nhiều lệnh trừng phạt nhằm vào hàng ngũ lãnh đạo hiện nay của Myanmar, các quan chức quân sự và doanh nghiệp có liên quan. Biện pháp mới nhất cũng vừa được đưa ra vào tuần trước.

Ông Blinken cho biết Mỹ đang tiếp tục “xem xét một cách tích cực” liệu những quy định, hành động đang được lãnh đạo Myanmar ban hành có nên được xem là “tội ác diệt chủng” hay không.

Tháng 8/2017, hơn 730.000 người dân tộc thiểu số Rohingya đã phải rời khỏi bang Rakhine sau một cuộc càn quét của quân đội. Những người tị nạn Rohingya cũng cáo buộc quân đội đã tiến hành các cuộc thảm sát nhằm vào những người này.

Nhiều quan chức Mỹ trước đây từng nhiều lần hối thúc người tiền nhiệm của Antony Blinken - cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo - tuyên bố chính thức những hành động nêu trên là “diệt chủng” nhưng ông chưa thực hiện, dù đã có nhiều bằng chứng điều tra và phân tích - theo Reuters.

Theo báo cáo từ một nhóm giám sát chuyên trách của Liên Hiệp Quốc AAPP, đã có hơn 10.900 người dân bị bắt giữ và hơn 1.300 người bị sát hại bởi các lực lượng an ninh Myanmar. Phía quân đội Myanmar bác bỏ các cáo buộc này, cho rằng AAPP đã “thiên vị”, sử dụng số liệu phóng đại và không tính đến hàng trăm binh sĩ cũng đã thiệt mạng trong những trận xung đột.

Bên cạnh đó, ngoài các vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Myanmar, Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết hội nghị thượng đỉnh sắp tới với các lãnh đạo ASEAN còn nhằm thảo luận về một số nội dung quan trọng như phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, xúc tiến đầu tư và phát triển hạ tầng.