Một nghiên cứu kéo dài hơn 12 năm tại Thụy Điển, công bố trên tạp chí Frontiers, chỉ ra rằng việc tiêu thụ hơn 8 ly đồ uống có đường mỗi tuần làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như đột quỵ, suy tim và phình động mạch chủ. Đáng chú ý, nguy cơ đột quỵ tăng 19% ở những người uống nhiều nước ngọt có ga.
Cơ quan An toàn thực phẩm quốc gia Pháp (ANSES) cũng khuyến cáo không nên tiêu thụ quá một ly đồ uống có đường mỗi ngày, nhấn mạnh rằng đường bổ sung trong nước ngọt dễ dàng gây nghiện và khó kiểm soát lượng tiêu thụ hơn so với đường tự nhiên.
Các quốc gia châu Âu đang triển khai mạnh mẽ các chiến lược để hạn chế tiêu thụ đường. Nhiều nước áp dụng thuế đường, buộc các nhà sản xuất đồ uống phải giảm hàm lượng đường trong sản phẩm. Tại Anh, chính sách này đã thúc đẩy cải tiến công thức đồ uống, giảm đáng kể lượng đường bổ sung.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đề nghị giới hạn lượng đường bổ sung xuống dưới 10% tổng năng lượng tiêu thụ hàng ngày, lý tưởng là dưới 5%. Điều này bao gồm cả đường tự nhiên trong mật ong và nước ép trái cây.
Một trong những sáng kiến nổi bật là thang điểm Nutri-Score, được áp dụng tại 7 quốc gia châu Âu, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết và lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn. Các sản phẩm có điểm dinh dưỡng thấp, như nước ngọt và đồ ăn nhiều đường, đang bị hạn chế tiếp cận các khung giờ quảng cáo chính và không gian công cộng.
Các thương hiệu lớn tại châu Âu đang tăng cường sản xuất các sản phẩm không calo hoặc ít calo. Thị phần các loại đồ uống ít đường hoặc không đường tại các nước Bắc Âu đã vượt 40%, riêng Ireland và Na Uy lên đến 55%.
Nhiều quốc gia cũng đặt ra các mục tiêu giảm đường trong tương lai. Bỉ đã giảm 25% lượng đường trong giai đoạn 2012-2020 và đang phấn đấu giảm thêm 7% vào năm 2025. Italia cũng đạt mức giảm 27% và tiếp tục cắt giảm thêm 10% trong các năm gần đây.
Những nỗ lực cải cách không chỉ nhằm bảo vệ sức khỏe người dân mà còn định hình lại thói quen tiêu dùng, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành thực phẩm. Châu Âu đang tạo ra một mô hình tiên phong trong việc kết hợp giữa chính sách công và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để giảm thiểu tác hại của đường, mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng.