Chờ...

Chuyến đi cuối cùng của Mẹ

(VOH) - Dịch Covid-19 khiến cho nhiều gia đình ly tán vào những thời khắc không ngờ nhất.

Đó là một chuyến đi rất ngắn vào ngày chủ nhật, chỉ dài gần 10 km từ nhà đến bệnh viện dã chiến số 6 điều trị Covid-19, nhưng đó cũng là chuyến đi cuối cùng mà mẹ chồng mình ngồi cùng con dâu, cháu ngoại và cả cháu nội trên một chuyến xe. 

Chồng mình - con trai của mẹ - đã đi cách ly từ đêm hôm trước, tại khu thu dung của phường. Trong cuộc đời anh ấy cũng đã không ngờ đêm đó cũng là lần cuối cùng anh xúc cơm cho mẹ. Dịch Covid-19 thật sự khiến cho nhiều gia đình ly tán vào những thời khắc không ngờ nhất.

Cách thời gian đó chừng 10 ngày mẹ nói hơi mệt, đau đầu và cũng không có dấu hiệu gì nhiều, thỉnh thoảng mẹ cũng bị như vậy, cả nhà lo là huyết áp nên vẫn đo thường xuyên. 

Từ lúc dịch Covid-19 bùng phát và thành phố phải thực hiện nhiều đợt giãn cách, cả nhà đã dặn mẹ lẫn hù dọa, đừng ra ngoài, cần gì đã có con cháu đi mua. Con trai mình cũng vậy, mấy tháng trời chỉ ở nhà, 3 người lớn gồm mình, chồng và cháu trai của chồng, sinh viên Đại học là có nguy cơ cao nhất vì thường xuyên di chuyển. Nhất là mình, những chuyến hành trình ngược xuôi vào thời điểm đó để đi nhận rau đưa đến các khu phong tỏa, cách ly, tặng quà cho bà con nghèo trong hoạt động của chương trình “không để ai ở lại phía sau”của chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt thật sự khiến mình có nhiều lo lắng. Mình và chồng đã được tiêm một mũi vắc xin, 3 thành viên còn lại thì chưa ai tiêm cả. Cũng cố gắng thực hiện 5K, mặc quần bảo hộ, kính chắn giọt bắn…rửa tay sát khuẩn và về nhà thì ngay lập tức tắm rửa thay quần áo. 

Chuyến đi cuối cùng của Mẹ 1
Ảnh minh hoạ: TTO

7 ngày trước chuyến đi thì mẹ bắt đầu sốt nhẹ sau đó thì ho, 2 ngày sau tới con trai mình, một ngày kế là cháu chồng. Linh tính cho mình biết đã có chuyện chẳng lành. Chung cư yêu cầu toàn bộ cư dân đi xét nghiệm cộng đồng do trước đó đã phát hiện nhiều ca F0.

Mình chỉ thầm cầu mong điều đó không phải là sự thật, nhưng khi được gọi kiểm tra đến lần thứ 2 thì niềm tin đó không còn nữa. Các bạn nhân viên nhẹ nhàng nói với mình, chị hãy chuẩn bị quần áo cho các thành viên trong gia đình, ngày mai hoặc ngày kia sẽ có nhân viên y tế bố trí cho mình đi cách ly.

Mình gọi điện thoại, nhắn tin cho các lãnh đạo để có phương án ứng phó, gọi điện thoại cho các thành viên êkip, các anh chị mình đã tiếp xúc để họ đi xét nghiệm, lòng chỉ mong không ai dương tính.

Thật may mắn, những ngày sau đó thông tin được mà mình biết, tất cả những người mình gặp và có tiếp xúc đều âm tính. Dù sao cũng có chút may mắn vào thời khắc này. Những phần còn lại thì vẫn chưa có lời giải.

Trước đó, trong "cơn sóng" mua trữ một số thuốc thiết yếu dùng cho gia đình mình cũng đã làm nên lúc đó có thuốc để điều trị cho các thành viên, mỗi ngày uống một viên C sủi, khi sốt thì uống thuốc hạ sốt, lúc ho thì uống siro ho và có thể thêm thuốc kháng sinh. Con trai và người cháu bắt đầu cắt dần cơn sốt, mình và ông xã hai người còn khỏe chăm sóc cho các thành viên còn lại.

Mình lên mạng tìm hiểu thêm thông tin, nghiên cứu đặt thêm các loại thuốc, máy đo nồng độ oxy, máy thở…nhưng cái nào cũng khó vì khu chung cư đã bị phong tỏa do phát hiện rất nhiều F0.

Mình an ủi cả nhà, không sao đâu, cứ bình tĩnh chiến đấu đã, rồi sẽ vào khu cách ly. Một ngày sau khi có kết quả dương tính thì mình sốt, có buổi đo được tới 38,5 độ C nhưng uống thuốc hạ sốt thì đáp ứng tốt. Ăn ấm, uống ấm, vận động nhẹ nhàng, các thành viên còn lại cũng cố gắng thực hiện đúng như vậy. Ở cùng nhà nhưng vẫn phải tuân thủ 5K, đeo khẩu trang ngay cả khi ngủ, mở cửa sổ đồng thời thường xuyên sát khuẩn môi trường. 

Nhưng mẹ chồng sau 6 ngày điều trị thì có cảm giác chán ăn, tâm trạng chán nản, không muốn uống thuốc, cả nhà rơi vào trạng thái stress. Y tế phường khuyên mình nên thu xếp vào khu cách ly. Sau khi tìm hiểu thông tin thì họ quyết định đưa 4 người gồm mình, mẹ chồng, con trai và cháu chồng đi cùng, còn chồng thì đi một nơi khác. 

Hành trang là cơ số thuốc, thức ăn nhẹ, mì tôm, quần áo mỏng, trái cây và một bình đun siêu tốc vô cùng nhiều tác dụng sau này. 4 người ngồi ở thùng sau chiếc xe bán tải. Nhiều lần đi công tác tỉnh, ở những vùng sâu, xa heo hút, mình vẫn thỉnh thoảng ngồi ở thùng sau, nhưng hôm đó thì tâm trạng thật lạ. Đường phố toàn là những sợi dây giăng, hàng rào, xe cộ thì vắng hơn bao giờ hết. Quãng đường đó cũng là quãng đường mà mình đi làm mỗi ngày, nhưng hôm ấy, mình cảm thấy sợ. 

Mẹ chồng mình có lẽ được ra ngoài một chút cũng cảm thấy khỏe hơn, bà nhìn ngắm đường phố, nhìn con dâu và hai đứa cháu nội, ngoại. Có lẽ bà cũng thắc mắc nơi mình sẽ đến là đâu và ở đó có gì?  Lúc này cả mình, con trai và cháu cũng đã hết sốt, chuyển qua những cơn ho và mất khứu giác, vị giác.

Buổi chiều khi được nhận phòng, đó là một căn hộ khá rộng rãi trong khu tái định cư. Đã từng đọc những thông tin mà mọi người than phiền rằng tại sao bệnh viện dã chiến hay khu thu dung bừa bãi, bề bộn...phụ thuộc vào ý thức của mọi người.

Căn nhà còn lại nhiều vỏ mì tôm, hộp bánh, chai nước nằm ngay dưới giường xếp chỗ nằm. Mình thật không tin nổi?

Dọn dẹp sạch sẽ xong thì tới giờ cơm, căn hộ của mình đón tiếp thêm 2 bệnh nhân nữa, một trung niên, một trẻ. 

Mẹ chồng ăn cơm, uống thuốc và lên giường đi nghỉ. Khoảng hơn 1 tiếng sau, cháu trai nghe tiếng thở gấp nên đi vào kiểm tra, bà đang nằm thở rất dốc. Mình hốt hoảng, những kiến thức đã đọc từ trước đó dùng để cấp cứu người F0 mình quên hết, đành nói gọi cấp cứu.

Số điện thoại y tế được dán ngay cửa, mất khoảng 5 -10 phút thì liên lạc được. Y tế đề nghị đi về phòng được chỉ định mượn máy đo nồng độ oxy. Thật sự đây là thiết bị quan trọng mà các gia đình nên trang bị. Khi được báo nồng độ oxy trong máu, bác sĩ nói chuẩn bị cho bà ngay, họ sẽ lên, hai mợ cháu đỡ bà dậy, vuốt đằng sau lưng chỗ gần với phổi, lau mát và chỉ biết chờ đợi. 

Ngay trong tối hôm đó mẹ được chuyển sang bệnh viện Chợ Rẫy, tuyến cuối cùng điều trị Covid-19. 9 giờ sáng hôm sau thì qua nhiều nguồn tin mình được biết rằng mẹ đã đỡ hơn, được chuyển xuống khoa bệnh nhiệt đới, mình suýt rớt tim ra ngoài lồng ngực. Lúc ấy cùng tầng, cách đó mấy căn, có 2 trường hợp trở nặng mà người cùng phòng không biết. Vậy là một mất, một nguy kịch. 

Mình sợ hãi và nghĩ tới mẹ, mong một phép màu sẽ xảy ra nhưng tới trưa thì chồng mình đổi màn hình màu đen và báo với gia đình bà đã mất.

Buổi chiều những người quen gửi cho anh ít đồ, anh cúng mẹ bằng phần cơm chiều, một cái bánh giò, nải chuối và một cái bánh mì đã khô. Ảnh mẹ trong màn hình điện thoại, anh nhắn, không còn cách nào khác, có lẽ mẹ sẽ không buồn đâu nhỉ. Nước mắt mình chảy dài, có mẹ nào mà trách con đâu, nhất là trong hoàn cảnh này, cả nhà 3 nơi. Sau hôm ấy anh tắt máy điện thoại, họ hàng rối ruột, mình thì cứ phải tự động viên, hãy bình tĩnh, mình phải chiến đấu với nó. 

Nhưng bác sĩ nói đúng, chỉ có tinh thần lạc quan mới giúp con người có thể vượt qua được cửa ải xâm nhập của virus. Khi trạng thái tinh thần của mình xuống dốc, mình cảm giác bệnh nặng hẳn, mình đã thở một cách khó khăn, nặng nhọc nhưng nhìn con trai mình nằm đó, thời khắc không liên lạc được với chồng, mình tự nhắc thầm trong óc, mình phải sống. Rồi mình ngồi dậy ăn, uống, tập thể dục.

Một tuần sau bác sĩ nói mình có thể rời viện vì tải lượng virus thấp. 

Những thành viên còn lại tiếp tục điều trị cho đến khi khỏe hẳn. Mỗi ngày các thành viên động viên nhau qua những màn hình điện thoại, người mất đã đi rồi, người ở lại hãy luôn cố gắng.

Dẫu biết rằng sinh, lão, bệnh, tử là quy luật của cuộc đời và nhiều bác sĩ cũng đã nói, virus độc tới mức khiến người bệnh trở nặng bất thình lình nhưng chuyến đi đó của mẹ cũng ngắn ngủi và đơn độc quá. 

Những ngày này vẫn còn nhiều ý kiến phản đối chuyện tiêm một loại vắc xin chỉ vì họ không thích cái tên, nhưng khi đứng giữa lằn ranh sinh tử họ mới biết rằng, chỉ có vắc xin mới giúp cho bệnh đỡ chuyển nặng và giảm tử vong.

Mình đã chứng kiến và trải nghiệm điều đó vì thế nếu được hãy tiêm vắc xin đừng chần chờ giây phút nào nữa cả, mọi người nhé.