Còn đó những hành vi thiếu ý thức bỏ rác trên sông

(VOH) - TPHCM có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, môi trường.

Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm, xả rác bừa bãi, xả nước thải sản xuất chưa qua xử lý xuống dòng kênh, rạch ở mức cao vẫn là câu chuyện chưa hồi kết. Điều này khiến lòng kênh bị co hẹp, cản trở dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Thậm chí đây cũng là nơi phát sinh dịch bệnh, gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng. Thời gian qua, với sự nỗ lực của thành phố, một số tuyến như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé đã dần hồi sinh.

Tuy nhiên, các dòng kênh chưa thể thoát khỏi tình trạng ô nhiễm hoàn toàn bởi còn nhiều người dân thiếu ý thức, chưa thay đổi được thói quen bỏ rác bừa bãi.

VOH thực hiện loạt bài “Giữ cho các dòng kênh không bị tái ô nhiễm”.

Kỳ 1: Còn đó những hành vi thiếu ý thức bỏ rác trên sông

Nói đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chắc hẳn ai cũng phải thán phục vì sự quyết tân của Thành phố và sự đồng lòng của người dân trong cải tạo dòng kênh. Không ai tưởng tượng nổi dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đen ngòm, hôi thối ngày nào giờ trở thành nơi tổ chức hoạt động vui chơi, tập thể dục, điểm văn hóa du lịch của Thành phố. Dòng kênh "chết" đã hồi sinh sau mấy chục năm.

Thời điểm 2007, kênh Nhiêu Lộc vẫn còn là dòng kênh ô nhiễm nhất thành phố. Giờ nước kênh đã trở nên sạch hơn, cá đã bơi lội, bờ kè chắc chắn được xây dựng, hàng cây xanh dọc tuyến kênh làm cho con đường Trường Sa, Hoàng Sa dọc hai bên kênh trở nên sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bộ phận người dân lại thiếu ý thức, bỏ rác không đúng nơi quy định, có khi còn vứt thẳng xuống sông.

Bà Trần Thị Thảo, người dân sống ở quận 1, phản ánh: “Rác sinh hoạt sẽ có đội lấy rác sinh hoạt riêng nhưng từ trong nhà nhiều người dân mang rác ra bỏ không đúng nơi quy định. Có người đi thả cá phóng sanh, thùng rác kế bên không bỏ, lại bỏ bọc xuống kênh luôn.”

Dạo quanh khu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè vào những buổi sớm mai hay chiều tối, chắc hẳn ai cũng gặp rất nhiều người đi bộ, tập thể dục, hít thở không khí trong lành nơi đây. Ông Nguyễn Thanh Hùng, người dân tập thể dục ven dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè từ hơn 5 năm nay cảm nhận được sự thay đổi diện mạo mới của dòng kênh nhưng cũng cảm nhận đâu đây còn nhiều hành động thiếu ý thức, bỏ rác không đúng nơi quy định:

“Dòng kênh này từ chỗ cầu Điện Biên Phủ cho tới cầu Thị Nghè bây giờ thấy tương đối sạch sẽ nhưng ở khu vực phía dưới cầu Điện Biên Phủ thì vẫn dơ. Tức là môi trường dòng kênh có cải thiện hơn cách đây mấy năm nhưng lâu lâu xuất hiện chai, lọ, hộp bánh… Còn một vài cá nhân để các chai trên hàng rào của bờ kè, có khi để rồi lấy nhưng cũng có khi bỏ đó luôn”.

Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đoạn qua cầu Thị Nghè. Ảnh: PN

Kênh Tân Hóa - Lò Gốm vốn là dòng kênh ô nhiễm nặng trong khu vực nội ô Thành phố, đi qua địa bàn các quận 6, 11, Tân Bình và Tân Phú. Qua nhiều năm tập trung thi công cải tạo, sau hơn 2 năm đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân không bỏ rác xuống kênh, khu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm đã hoàn toàn thay đổi.

Đoạn đường dài 3 km, từ đường Âu Cơ, quận Tân Phú đến Công viên văn hóa Đầm Sen, quận 11, đã đặt cống hộp thoát nước phía dưới. Con đường mới mang tên Kênh Tân Hoá đã đem lại cho người dân sống 2 bên dòng kênh nhiều lợi ích rõ rệt. Dọc 2 bên bờ kênh là bờ kè mái dốc cùng với hơn 11 km đường giao thông, giúp xe cộ lưu thông từ cửa ngõ phía tây nam dọc theo bờ kênh vào trung tâm thành phố được thuận lợi hơn; nguồn nước đã bớt ô nhiễm, mùi hôi cũng giảm nhiều.

Sau 3 năm triển khai, công trình đem lại niềm vui cho hơn một triệu dân trong khu vực trực tiếp hưởng lợi. Nhưng thời gian gần đây, dòng kênh đang bị bao phủ trở lại bởi rác vì hành động thiếu ý thức của nhiều người.

Ông Phạm Thành Lộc chạy xe ôm khu vực Quận 6 đã hơn 10 năm nay chia sẻ: “Mấy ông ra đây bỏ rác, nhiều khi ở đâu chạy xe lại quăng rác xuống sông rồi bỏ đi. Tới tối, mấy quán buôn bán có gì cũng quăng ra đó, trôi lềnh bềnh. Ban ngày dòm dòng sông không có gì hết là nhờ lực lượng vệ sinh đã vớt rác sạch hết”.

Nguyên nhân ô nhiễm chính của các dòng kênh là rác thải, nước thải từ nhà hàng, khách sạn, quán ăn, cơ sở sản xuất…đặc biệt là tình trạng người dân xả trực tiếp rác sinh hoạt xuống kênh rạch, khiến môi trường nước ô nhiễm trầm trọng.

Ông Phan Hồng Hải, đội trưởng đội vớt rác trên kênh, Công ty Môi trường đô thị Thành phố phản ánh: “Dưới lòng kênh rất nhiều rác, tất cả những gì không đổ, bỏ được ngoài đường đều xả xuống kênh. Hiện tại trong tuyến kênh Xuyên Tâm thì một số nhà sàn chưa giải tỏa đều xả thải trực tiếp xuống kênh, khoảng 3 tấn rác. Sau khi chỉ thị 19 ra đời thì hiện tượng người dân vứt thẳng rác ra kênh có giảm nhưng còn tình trạng người dân đi ngoài đường vứt thẳng xuống kênh”.

Thực tế cho thấy, tình trạng ô nhiễm trên các dòng kênh của thành phố thời gian gần đây giảm nhiều, đa phần người dân đã có ý thức bảo vệ môi trường. Đặc biệt, khi thực hiện cuộc vận động “Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân đối với môi trường.

Tuy nhiên, việc tái ô nhiễm trên các dòng kênh lại bắt đầu xuất hiện từ hành vi bỏ rác không đúng quy định, lấn chiếm và xả rác xuống sông, kênh, rạch, cống thoát nước… của một bộ phận người dân.