Anh Huang (Thâm Quyến, Trung Quốc) chia sẻ rằng đã bắt quả tang con trai mình chơi điện tử trên điện thoại vào lúc 1 giờ sáng dù hôm sau cậu bé vẫn phải đi học. Người cha vô cùng tức giận nhưng lại không biết phải phản ứng như thế nào.
Anh muốn dạy cho con một bài học đáng nhớ. Do đó, thay vì trách mắng anh cho phép cậu bé chơi điện thoại, thậm chí có thể nghỉ học ngày hôm sau để chơi cho thỏa thích.
Ban đầu, con trai anh rất tỏ ra thích thú với hình phạt kỳ lạ này. Nhưng sau khi chơi điện thoại suốt đêm cho đến khoảng 7 giờ sáng dưới sự giám sát của cha, cậu bé bắt đầu buồn ngủ, muốn đặt điện thoại xuống.
Lúc này, người cha nói rằng bản thân đã xin nghỉ một ngày để đảm bảo con trai mình có nhiều thời gian để chơi điện tử nhất, không cần ngủ.
Cậu bé tiếp tục chơi và ngủ gật nhiều lần với chiếc điện thoại trên tay. Mỗi lần như vậy, người cha lại đánh thức con trai để tiếp tục hình phạt.
Đến 18h30, tức sau khoảng 17 tiếng chơi game, cậu bé xin được đi ngủ và hứa sẽ không bao giờ giấu cha mẹ chơi điện thoại, thậm chí viết cả cam kết.
Sau khi được chia sẻ trên Weibo, đoạn video của người cha đã tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi về chứng nghiện game ở trẻ nhỏ và cách xử lý trong trường hợp này.
Một số người tỏ ra đồng tình với cách làm khiến con tự “phát chán” trò chơi yêu thích của mình mà không cần phải nói nặng lời hay dùng đến đòn roi. Một số người khác lại chỉ trích vì người cha bắt con thức quá lâu ở độ tuổi mà não bộ đang phát triển.
Người cha trong câu chuyện cho hay, anh áp dụng phương pháp này vì hiểu rõ tình trạng sức khỏe của con mình và không khuyên bất cứ ai thử với con của họ.
Đây không phải là lần đầu tiên cư dân mạng Trung Quốc thấy các bậc phụ huynh đưa ra hình phạt “lấy độc trị độc” như bắt trẻ làm việc chúng thích cho đến khi không thể chịu nổi.
Cuối năm ngoái, thấy con trai mải xem tivi đến mức không không đi tắm, không học, không đi ngủ, một cặp vợ chồng ở Hồ Nam (Trung Quốc) đã bắt cậu bé ngồi xem tivi cả đêm. Hình phạt này cũng tạo ra những luồng ý kiến trái chiều.
Nên làm gì khi phát hiện con nghiện game?
- Cha mẹ không nên đặt tư tưởng game là xấu hay cố gắng cấm đoán, kiểm soát, dùng bạo lực. Việc này đôi khi còn có tác dụng ngược khiến trẻ muốn phản kháng, càng muốn chơi game thậm chí lén lút chơi.
- Cha mẹ nên cùng con tìm hiểu và chọn các game con nên chơi (phù hợp với sở thích, độ tuổi).
- Nên đặt quy định, giới hạn về việc chơi game với con (khi nào được chơi, chơi trong thời gian bao lâu, áp dụng quy tắc thưởng – phạt…).
- Cha mẹ có thể cùng con thảo luận về lợi ích và tác hại của game, giúp con tự phân biệt tốt xấu và điều chỉnh hành vi chơi game phù hợp.
- Hướng con đến các hoạt động tích cực khác như chơi thể thao, đọc sách, đi chơi cùng gia đình… để giúp con không bị sa đà vào game, có nhiều lựa chọn hơn khi rảnh.
- Nếu phát hiện trẻ có các dấu hiệu gặp rủi ro khi chơi game, nghiện game, cha mẹ cũng không nên tra hỏi, phán xét, cấm đoán. Nếu cha mẹ tích cực nói chuyện, lắng nghe con sẽ cảm thấy thoải mái, dễ dàng chia sẻ và tìm kiếm sự trợ giúp khi cần.