Nghẹt thở với những cuộc giải cứu trên cao
Khoảng 6 giờ ngày 5/5/2021, người dân phát hiện một cô gái leo lên trụ điện cao thế cao khoảng 100m trong khu vực thực nghiệm Trường Đại học Nông lâm TPHCM (Khu phố 5, P.Linh Trung, TP. Thủ Đức).
Người dân cho biết, cô gái leo rất nhanh, mọi người hô hoán kêu xuống nhưng cô không quan tâm và cố thủ trên ngọn cột điện, la hét, quơ khúc cây khiến người dân hoảng hồn.
Sau khi tiếp cận nhưng không được thuyết phục cô gái leo xuống, lực lượng công an đã yêu cầu Đội công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Khu vực 1 - Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07) Công an TPHCM hỗ trợ.
Ngay sau khi đến nơi, Đội công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Khu vực 1 phối hợp với Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TP. Thủ Đức, Công an phường Linh Trung triển khai 4 xe cứu nạn, cứu hộ chuyên dụng cùng 24 cán bộ chiến sỹ thực hiện công tác cứu nạn cứu hộ.
Trung tá Đào Quốc Trung - Tổ trưởng tổ Cứu nạn cứu hộ, Phòng cảnh sát PCCC&CNCH (PC07) Công an TPHCM cho biết, cô gái trong tâm trạng hoảng loạn, có thể nhảy xuống bất cứ lúc nào, do đó, lực lượng đã chia thành 4 tổ trèo lên theo 4 gốc trụ điện. Bên dưới một lực lượng khác sẵn sàng di chuyển nệm hơi để đỡ nạn nhân trong trường hợp xấu nhất.
Sau khi tiếp cận cô gái, các chiến sĩ đã phải kiên nhẫn nói chuyện, làm công tác tâm lý để trấn an cô gái, thắt dây bảo hộ và đưa cô gái xuống.
Video: Lực lượng PCCC&CNCH giải cứu cô gái trên cột điện cao thế
Trung tá Đào Quốc Trung chia sẻ, giải cứu cô gái trên trụ điện cao thế là một trong những nhiệm vụ mới nhất mà lực lượng cứu hộ cứu nạn thực hiện. Thực tế thời điểm đó, trời nắng và gió lớn, các chiến sĩ khá khó khăn để leo lên cột điện, tiếp cận cô gái. Đó là chưa kể tới việc các chiến sĩ bị các cây sắt nhọn của cột điện cào đến trầy xước trong quá trình leo lên, leo xuống.
Tuy nhiên, so với nhiều vụ giải cứu anh Trung từng tham gia thì vụ này vẫn còn được đánh giá là “dễ dàng” bởi cô gái sau khi được vận động đã hợp tác khá tốt với lực lượng cứu hộ.
Trung tá Đào Quốc Trung, cho biết, anh cùng đồng đội từng giải cứu nhiều vụ phức tạp và nguy hiểm hơn nhiều.
Anh Trung không thể quên vụ giải cứu người tại tòa nhà HQC hồi tháng 11/2020 khi một nam thanh niên do cãi nhau với gia đình đã uống rượu và trèo lên sân thượng, nằm vắt vẻo trên ô chữ HQC của tòa chung cư HQC Plaza (phường An Phú Tây, huyện Bình Chánh), dọa nhảy xuống tự tử.
Vị trí cứu hộ khá nguy hiểm vì cao khoảng 90m so với mặt đất, địa thế nguy hiểm cho cả nam thanh niên và lực lượng cứu nạn cứu hộ, nếu sơ xẩy có thể rớt xuống đất, ảnh hưởng tới tính mạng.
Trong vụ này, dù lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tiếp cận hiện trường rất nhanh nhưng cuộc giải cứu vô cùng khó khăn vì nam thanh niên không hề hợp tác.
Bất chấp việc các chiến sĩ vận động, thuyết phục thế nào thì nam thanh niên vẫn chửi bới, la hét và cầm kéo đe dọa, khi thấy ai tới gần sẽ lấy kéo đâm vào người, gây thương tích chảy máu khắp cơ thể.
Cuộc giải cứu diễn ra trong nhiều giờ, nam thanh niên này vẫn cố thủ không chịu xuống và di chuyển vắt vẻo ra lan can, nửa người nằm phía ngoài không trung, liên tục đưa kéo chọc vào người mình.
Video: Lực lượng PCCC&CNCH giải cứu nam thanh niên trên tòa nhà HQC
Anh Trung chia sẻ, vụ giải cứu quả thật “thót tim”. Lực lượng PCCC&CNCH sau đó phải mời mẹ và dì của nạn nhân đến để vận động, năn nỉ nạn nhân. Trong lúc nạn nhân sơ hở, lực lượng đã nhanh chóng giữ chặt tay chân và tước cây kéo ra khỏi tay nạn nhân.
Ở độ cao mà ai nhìn xuống cũng thấy chóng mặt và chỉ cần sơ xảy là rớt xuống dưới, nam thanh niên lúc này vẫn tiếp tục vùng vẫy chống trả mạnh bạo khiến 10 lính cứu nạn cứu hộ phải dùng hết sức mới giữ chặt nạn nhân, để anh không rơi xuống đất.
Mỗi vụ giải cứu có sự khó khăn và phức tạp khác nhau, khi thì bị nạn nhân cầm hung khí đe dọa, khi thì bị nạn nhân cắn, bị nạn nhân lăng mạ, chửi bới, có khi cuộc giải cứu diễn ra trong nhiều giờ ở những vị trí cao, vô cùng nguy hiểm - nhưng các chiến sĩ PCCC&CNCH vẫn kiên nhẫn thực hiện nhiệm vụ với mục tiêu đặt lên hàng đầu là cứu người.
Sự phi thường của những chiến sĩ đa năng
Sau cuộc “giải cứu” cô gái tại Thủ Đức, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện dài với Trung tá Đào Quốc Trung – người từng trực tiếp tham gia nhiều cuộc giải cứu, cũng là người chỉ huy trong không ít vụ cứu nạn cứu hộ trên cao.
Anh Trung chia sẻ, trước đây, khi chưa sáp nhập vào Công an TPHCM, lực lượng PCCC&CNCH chia hoạt động cứu hộ, cứu nạn thành hai lĩnh vực: cứu nạn cứu hộ trên bờ và cứu nạn cứu hộ dưới nước. Các chiến sĩ cũng được huấn luyện theo một trong hai lĩnh vực này.
Tuy nhiên, sau khi sáp nhập với Công an TPHCM – với định hướng xây dựng lực lượng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại các chiến sĩ thuộc lực lượng PCCC&CNCH đã được huấn luyện toàn diện hơn, đa năng hơn và mỗi chiến sĩ đều có thể thực hiện được mọi nhiệm vụ cứu nạn trên bờ (chữa cháy, cứu người trong đám cháy, sập công trình, cứu hộ trên cao…) và dưới nước (lặn tìm nạn nhân đuối nước, tìm tang vật trong các vụ án...).
Video: Một buổi huấn luyện của lực lượng PCCC&CNCH
Trung tá Đào Quốc Trung nhìn nhận, công tác cứu hộ trên cao là một trong những nhiệm vụ rất nguy hiểm phải đảm bảo tính an toàn cao và đòi hỏi người lính cứu hộ phải có kỹ năng cũng như sự bình tĩnh khi làm nhiệm vụ.
Do đó, bên cạnh chương trình tập luyện về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn dưới nước, mỗi ngày các chiến sĩ còn phải luyện tập các bài tập chiến thuật khắc nghiệt phục vụ hoạt động cứu hộ trên cao như tuột dây trên cao bằng khoá thả chậm, sử dụng đai an toàn, đai cứu người, khoá thả chậm, khoá số 8…, đồng thời, phải tham gia cả các lớp về tâm lý để có thể chia sẻ, kết nối được với các nạn nhân đang trong tâm trạng hoảng loạn…
Vài năm trở lại đây, xuất hiện ngày càng nhiều vụ dọa tự tử trên các tòa nhà cao tầng, hay các vụ người dân tâm lý bất ổn/người sử dụng ma túy leo lên các cột điện cao thế…
Nhiệm vụ cứu hộ trên cao diễn ra nhiều hơn, phức tạp hơn nên đơn vị phải thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn, chia sẻ với các cán bộ chiến sĩ về kỹ năng cần thiết khi làm công tác cứu người trên cao nhằm, giúp các chiến sĩ hiểu sâu về nhiệm vụ, phối hợp nhịp nhàng trong quá trình giải cứu, đảm bảo an toàn cho nạn nhân và cho cả các chiến sĩ trong quá trình thực thi nhiệm vụ…
Mỗi nghề, mỗi công việc có những khó nhọc khác nhau, nhưng có lẽ, bao nhiều khó khăn ấy đều dồn hết vào những người lính làm công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ bởi lẽ dù đang ở nhà hay ở đơn vị, dù là ngày thường hay trong kì nghỉ - họ là những người luôn trong tâm thế sẵn sàng làm nhiệm vụ. Và những nhiệm vụ ấy, ngoài họ ra, không ai có thể làm thay, làm giúp – ngoài họ ra cũng không ai dám dấn thân nhảy vào lửa, leo lên cao để cứu người, giúp người.
Trung tá Đào Quốc Trung tự hào chia sẻ, lực lượng PCCC&CNCH hiện nay đã được huấn luyện toàn diện và tinh nhuệ. Không chỉ cứu nạn, cứu hộ nhiều vụ phức tạp trên địa bàn thành phố, lực lượng còn thường xuyên hỗ trợ cho các địa phương lân cận trong công tác này.
Đó là niềm tự hào cũng là niềm động viên để các cán bộ chiến sĩ không ngừng rèn luyện về cả kiến thức, kĩ năng, tinh thần, chiến thuật để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ và tạo được lòng tin vững chắc trong lòng quần chúng nhân dân.