Chờ...

Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ: Nghề của những… người anh hùng

(VOH) - Những chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ luôn được coi là những “người anh hùng” bởi chỉ có họ mới không ngại hiểm nguy để lao vào lửa, nhảy xuống sông cứu người…

Trong mỗi vụ cháy, khi các nạn nhân tìm cách thoát ra ngoài thì có những người phải tìm mọi cách lao vào đám cháy dập lửa, cứu người. Trong những vụ tai nạn tàu thủy, khi các nạn nhân tìm mọi cách để lên bờ thì có những người lại phải lao vào dòng nước để tìm kiếm những người mắc kẹt… - Những con người dũng cảm đó chính là Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH).

PCCC&CNCH vốn là nghề nguy hiểm, nặng nhọc mà không phải ai cũng dám làm và cũng không phải ai cũng làm được. Nói họ là những anh hùng không phải quá lời bởi chỉ có họ mới có đủ sự can đảm, đủ sự dũng cảm để đương đầu với hiểm nguy, để cứu sinh mạng và tài sản của bao người.

Không ít bạn trẻ muốn theo đuổi công việc đầy ý nghĩa này nhưng lại chưa hiểu hết công việc PCCC&CNCH cụ thể như thế nào, không biết phải học gì, chương trình đào tạo như thế nào. Thiếu tá Nguyễn Chí Thành - Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Phòng PC07, Công an TPHCM sẽ giải đáp những thắc mắc này.

nguyễn chí thành, pccc
Thiếu tá Nguyễn Chí Thành - Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Phòng PC07, Công an TPHCM

1. Công việc của một chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH là gì?

Công việc của một chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH bao gồm:

  • Tham gia công tác phòng cháy tham mưu các văn bản, hướng dẫn các cơ quan, xí nghiệp, người dân để thực hiện công tác phòng cháy, tránh xảy ra các sự cố cháy nổ.
  • Tham gia công tác chữa cháy: các chiến sĩ sẽ tham gia công tác chữa cháy khi có sự cố cháy nổ xảy ra.
  • Tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn: các chiến sĩ sẽ tham gia cứu nạn cứu hộ trong trường hợp xảy ra cháy nổ, chìm tàu, tìm kiếm các nạn nhân bị đuối nước…

Do đó, có thể thấy một chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH tham gia rất nhiều nhiệm vụ, người dân yêu cầu là mình phải thực hiện, trong mọi trường hợp. Tính đa năng này đòi hỏi mỗi cán bộ chiến sĩ phải linh hoạt, tập luyện nhiều mô hình, nhiều kỹ - chiến thuật - để đáp ứng yêu cầu công việc.

pccc&cnch, luyện tập, huấn luyện pccc&cnch650
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tham gia công tác diễn tập PCCC&CNCH tại một chung cư tại TPHCM (Ảnh: LH)

2. Những thuận lợi/khó khăn của nghề?

Thuận lợi của nghề đó là được các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện cung cấp các trang thiết bị hiện đại, quan tâm tới đời sống của cán bộ chiến sĩ. Quan tâm tới đời sống của cán bộ chiến sĩ, giúp các cán bộ, chiến sĩ an tâm công tác với môi trường làm việc thuận lợi.

Về khó khăn, môi trường công tác của lính cứu hỏa rất nguy hiểm. Ví dụ một đám cháy có diện tích lớn, có khả năng sụp đổ công trình, có nhiều người trong đó thì người bên trong chạy ra-các chiến sĩ lại phải chạy vào. Khi đó, các chiến sĩ phải đối mặt nhiều nguy cơ tiềm ẩn như khói khí độc, nổ, sập hoặc hi sinh. Những cuộc chữa cháy có thể kéo dài hàng giờ, hàng ngày, thậm chí là 3-4 ngày khiến các chiến sĩ rất mệt mỏi.

Ngoài ra, các chiến sĩ PCCC&CNCH còn phải thực hiện nhiệm vụ trên mọi địa hình. Chẳng hạn như vụ chìm tàu Dìn Ký, tàu chìm dưới đáy sông hơn 20m, việc tìm kiếm con tàu mất rất nhiều thời gian, để vào trong tàu cũng rất khó khăn bởi nước chảy và tàu gỗ có thể lật nghiêng qua, nghiêng lại, nguy hiểm rất lớn đến chiến sĩ tham gia cứu hộ.

Chiến sĩ có thể tham gia cứu hộ trong các công trình sụp, đổ. Sau 2-3 ngày nạn nhân đã bốc mùi nồng nặc – trong quá trình thực hiện nhiệm vụ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe.

Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH TPHCM có khi còn được điều động đi cứu hộ, cứu nạn những vụ lớn và khó. Chẳng hạn như vụ Hà Giang và Cao Bằng, mình phải xuống dưới hang sâu trên 200 mét tìm bộ hài cốt nạn nhân. Khi đó, thời tiết rất lạnh (dưới 10 độ C), trời mưa, hang tối, nhỏ hẹp, có nhiều nhũ đá sắc nhọn. Đá rơi, nước mưa từ trên dội xuống, hang sâu thiếu dưỡng khí rất dễ hi sinh. Tuy nhiên, vì tinh thần trách nhiệm, các chiến sĩ đều nỗ lực vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình…

3. Cảnh sát PCCC&CNCH cần có những tố chất gì?

Cảnh sát PCCC&CNCH đòi hỏi phải có tất cả các tố chất cần có của một người anh hùng, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, vất vả, nguy hiểm; phải có lòng dũng cảm, gan dạ, bản lĩnh và có chút liều lĩnh để hoàn thành tất cả các công việc được giao.

Những cán bộ chiến sĩ PCCC&CNCH làm những công việc người khác không làm được nhưng lại có tính chất nhân văn, ý nghĩa, giúp đời, giúp người.

cảnh sát PCCC&CNCH, cứu hộ, lặn
Các chiến sĩ PCCC&CNCH luyện tập lặn tại sông Sài Gòn (Ảnh: LH)

4. Nữ giới có nên chọn công việc này?

Trong bất cứ công việc nào cũng đều có nữ. Nếu một bạn nữ đam mê công việc này tôi nghĩ bạn cũng sẽ làm rất tốt – và có thể làm được cả công tác chỉ huy. Tại Việt Nam có rất nhiều trường hợp nữ tham gia vào công tác PCCC&CNCH.

5. Muốn trở thành một Cảnh sát PCCC&CNCH nên học ngành gì? Trường gì?

Để trở thành Cảnh sát PCCC&CNCH có nhiều cách: Cách thứ nhất, các em học sinh lớp 12 có thể đăng ký thi đại học - vào Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy, khối A hoặc khối C. Hiện Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy có hai hệ đào tạo là hệ Đại học và hệ Trung cấp.

Cách thứ hai, đối với các bạn đã tốt nghiệp đại học ngoài ngành, khi Đại học Phòng cháy Chữa cháy thông báo tuyển sinh dành cho đối tượng đã tốt nghiệp đại học thì các bạn có thể nộp hồ sơ vào…

Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy là trường thuộc hệ thống các trường Công an Nhân dân và là cơ sở duy nhất ở Việt Nam đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác an toàn về PCCC&CNCH. Ngoài ra, trường còn là một trong những trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật về PCCC&CHCN.

Năm 2021, Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy tuyển sinh toàn quốc đối với các đối tượng:

– Cán bộ Công an trong biên chế;

– Chiến sĩ nghĩa vụ Công an có thời gian công tác từ 15 tháng trở lên (tính đến tháng thi tốt nghiệp THPT); công dân hoàn thành nghĩa vụ Công an hoặc hoàn thành nghĩa vụ quân sự được dự tuyển thêm 01 lần trong thời gian không quá 12 tháng kể từ ngày có quyết định xuất ngũ đến tháng sơ tuyển;

– Học sinh Trường Văn hóa CAND;

– Công dân thường trú theo quy định hiện hành tại địa phương nơi đăng ký sơ tuyển.

Năm 2021, Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy tuyển sinh theo 2 phương thức: Tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ GD&ĐT. Áp dụng đối với tất cả các trường CAND; Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT của tổ hợp xét tuyển là A00 (Toán, Vật lý, Hóa học) kết hợp với kết quả học tập THPT.

Xem thêm: Nghề sales/nhân viên kinh doanh không bao giờ “lỗi thời”

6. Chương trình đào tạo/huấn luyện một Cảnh sát PCCC&CNCH?

Hoạt động đào tạo/huấn luyện một Cảnh sát PCCC&CNCH có hai dạng. Thứ nhất, nếu được đào tạo chính quy, các bạn sẽ được đào tạo chuyên sâu về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; được đào tạo các kỹ chiến thuật rất bài bản. Khi được phân về các địa phương thì các chiến sĩ này có thể tham gia công tác PCCC&CNCH được ngay.

Thứ hai, nếu đơn vị tuyển nghĩa vụ và tự đào tạo thì sẽ đào tạo về chính trị, nghiệp vụ phòng cháy, nghiệp vụ chữa cháy, các đội hình cơ bản để tham gia công tác chữa cháy ban đầu.

Quy trình tập luyện đòi hỏi phải có thể lực nên sẽ tập các bài tập như chạy bộ, hít đất, hít xà đơn, chạy cầu thang… để các bạn có thể lực vững chắc. Ngoài ra, các bạn sẽ được huấn luyện môn nhà cao tầng leo dây, đu dây, leo thang dây, tuột ống…; môn bơi, lặn, bơi cứu người…

Công tác huấn luyện, tập luyện sẽ diễn ra hàng ngày, ngay cả khi bạn đã vào biên chế chính thức. Có nghĩa là, các bạn sẽ tập sáng – chiều cho đến lúc về hưu – để luôn duy trì được thể lực và kỹ chiến thuật tham gia công tác PCCC&CNCH cho tốt.

pccc&cnch, đu dây, luyện tập, huấn luyện cs pccc
Chiến sĩ PCCC&CNCH trong bài huấn luyện đu dây (Ảnh: LH)

7. Cảnh sát PCCC&CNCH sẽ được điều động công việc như thế nào?

Nếu các bạn học chính quy, sau khi tốt nghiệp sẽ được tổ chức phân về các địa phương – tùy theo chỉ tiêu của địa phương và phân theo ngành đào tạo là phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

8. Thu nhập của Cảnh sát PCCC&CNCH?

Cảnh sát PCCC&CNCH cũng trực thuộc Bộ Công an nên lương sẽ được hưởng theo cấp bậc và quân hàm. Ví dụ như, thượng sĩ là 3.8, thiếu úy là 4.2 – khi nhân số này với mức lương cơ bản (1,49 triệu đồng/tháng) là sẽ ra mức thu nhập. Ngoài ra, còn có phụ cấp đặc thù là 15% đối với lực lượng làm công tác chiến đấu và 10% đối với lực lượng làm công tác tham mưu. Cơ bản là mức lương cũng đủ sống.

9. Cơ hội thăng tiến của một Cảnh sát PCCC&CNCH?

Làm trong ngành nghề nào thì cơ hội thăng tiến cũng luôn luôn rộng mở phía trước. Nếu một chiến sĩ có năng lực, có sự quyết tâm, luôn trau dồi kiến thức, rèn luyện bản thân, tu dưỡng rèn luyện đạo đức và tiếp tục học cao hơn thì khi có đợt đề bạt, bổ nhiệm thì mình sẽ nằm trong diện quy hoạch và sẽ được đề bạt thăng tiến.

Nếu các bạn trẻ yêu mến công việc PCCC&CNCH và khát khao cống hiến cho công việc đầy trân quý này thì có thể lựa chọn theo học ngay khi mình 18 tuổi. Thời gian và sự kiên trì tập luyện sẽ sớm tôi luyện bạn thành một chiến sĩ quả cảm trong công tác Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Đôi nét về Thiếu tá Nguyễn Chí Thành

Thiếu tá Nguyễn Chí Thành có hơn 20 năm công tác trong lĩnh vực cứu hộ cứu nạn. Anh đã tham gia gần 1.000 vụ, cứu hàng trăm người trong các cháy nổ, công trình sập đổ, đuối nước, hoặc mò tìm thi thể nạn nhân và tang vật trong những vụ án lớn. Anh cùng các đồng đội đã tham gia tìm kiếm thành công thi thể nạn nhân trong hang sâu ở Cao Bằng và Hà Giang, tìm 6 thi thể nạn nhân chìm dưới sông Sài Gòn trong vụ chìm tàu Dìn Ký hay tham gia chữa cháy, cứu người trong vụ cháy tòa nhà Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) tại quận 1, TPHCM vào năm 2002...

Trong tháng 3/2021, Thiếu tá Thành được tuyên dương là một trong “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của TPHCM – lần 4.

Xem video phỏng vấn Thiếu tá Nguyễn Chí Thành tại đây:

🔴 Hướng nghiệp 5.0 là series chuyên phỏng vấn thực tế các chuyên gia thực sự làm nghề giúp bạn có cái nhìn tổng quát và đầy đủ nhất về ngành nghề trước khi lựa chọn nghề nghiệp.

Theo dõi Hướng nghiệp 5.0 tại:

Fanpage hướng nghiệp: https://fb.me/huongnghiep50.voh

Group hướng nghiệp: https://fb.com/groups/huongnghiep50/

Đặt câu hỏi hướng nghiệp: https://forms.gle/AqBSL2uBCjkTAebp6

Các bài viết: https://voh.com.vn/huong-nghiep-835.html