Nhân viên kinh doanh là người chịu trách nhiệm bán các sản phẩm, giới thiệu sản phẩm, tư vấn, thuyết phục khách hàng - là các siêu thị, cửa hàng bán lẻ… - mua sản phẩm của công ty mình để bạn lại cho người tiêu dùng.
Đây là một nghề nhiều thử thách và áp lực nhưng là một trong những nghề có mức thu nhập khá hấp dẫn.
Để các bạn trẻ có cái nhìn tổng quan nhất về nghề nhân viên kinh doanh, chị Phan Thị Thanh Hà – CEO của Công ty Vi-light Eco – chuyên cung cấp các giải pháp và thiết bị chiếu sáng tại Việt Nam – sẽ chia sẻ các thông tin liên quan tới ngành này.
Chị Phan Thị Thanh Hà có hơn 17 năm kinh nghiệm làm kinh doanh, cũng như quản lý nhân sự, quản lý điều hành các công ty trong các lĩnh vực mỹ phẩm, thực phẩm, nội thất, chiếu sáng…
Theo chị Thành Hà: “Ông cha ta vẫn dạy cho con cháu rằng “phi thương bất phú” nhưng điều đó không có nghĩa là chỉ làm kinh doanh mới giàu. Tuy nhiên, nếu một bạn trẻ muốn tạo một sự nghiệp riêng cho mình thì có thể học kinh doanh ngay khi vừa tốt nghiệp. Khi làm việc, các bạn sẽ học được kiến thức từ các ngành nghề khác nhau để làm nền tảng phát triển sự nghiệp”.
1. Tính cách nào phù hợp với nghề nhân viên kinh doanh?
Theo Chị Phan Thị Thanh Hà, đứng ở góc độ của một người làm kinh doanh và từng đào tạo nhiều lớp nhân viên kinh doanh, tôi nhận thấy một người có tố chất, kỹ năng của người làm kinh doanh, có kiến thức xã hội sâu rộng, khả năng hoạt ngôn trong quá trình tiếp xúc với người xung quanh thì các bạn đều có thể làm được nghề sales/nhân viên kinh doanh và có thể bán được mọi sản phẩm.
Ngoài ra, mỗi sản phẩm sẽ có phương thức bán hàng riêng. Kiến thức này các bạn sẽ được tìm hiểu khi thâm nhập vào lĩnh vực hàng hóa đó và được sự huấn luyện của công ty nơi bạn đang làm việc… - cùng với những kỹ năng vốn có của bản thân bạn sẽ có thể trở thành nhân viên bán hàng thành công.
2. Cơ hội của nghề nhân viên kinh doanh?
Tôi không nghĩ rằng, cơ hội hiện tại của ngành kinh doanh có lớn hay không nhưng xưa giờ một nhân viên kinh doanh luôn có những cơ hội lớn.
Thời quá khứ chúng ta không có phương tiện bán hàng hiện đại như các kênh bán hàng online, không có điện thoại thông minh... Người nhân viên kinh doanh phải đi đến trực tiếp khách hàng để giới thiệu sản phẩm.
Nhưng hiện tại, nghề kinh doanh phức tạp hơn, cạnh tranh nhiều hơn và cơ hội cũng lớn hơn vì chúng ta không còn bán cái khách hàng cần nữa mà bán cái mình có. Khi xã hội phát triển hơn thì người nhân viên kinh doanh cũng phải hòa nhập, học hỏi nâng cấp bản thân – để phù hợp với công việc bán hàng trong tương lai.
3. Học ngành gì để trở thành nhân viên kinh doanh?
Tôi cũng đã từng qua lứa tuổi 18, trước ngưỡng cửa bước chân vào đại học tôi cũng phải đặt bút viết ra là mình chọn trường nào, học ngành gì, ngành gì phù hợp với mình và học thế nào để không uổng phí. Có lẽ tôi khá may mắn vì ngay thời điểm đó, tôi đã biết mình thích gì, mình muốn gì và tôi tự tin với sự lựa chọn của mình, cũng sẵn sàng chịu trách nhiệm với quyết định chọn ngành học của mình.
Các bạn đang chuẩn bị thi đại học nên suy nghĩ thật cởi mở, hãy chọn ngành học mà các bạn yêu thích nhất thời điểm bạn 18 tuổi – nếu khi đó bạn chưa thích nghề nhân viên kinh doanh.
Nếu thấy mình thực sự yêu thích và phù hợp với nghề kinh doanh, hãy mạnh dạn chọn ngành Quản trị kinh doanh để học.
Tuy nhiên, nếu bạn đã chọn học một ngành rồi (chẳng hạn học công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, thủy sản…) mà muốn làm kinh doanh thì cũng không có gì là buồn bởi thực tế, tôi có rất nhiều nhân viên học nhiều ngành nghề khác nhau – vẫn có thể làm kinh doanh rất tốt.
Hiện nay, công tác đào tạo của các trường đại học, cao đẳng đều đào tạo cho các bạn công thức nền – với góc độ của người làm quản trị, khi tuyển nhân viên, tôi cũng không chỉ tuyển các bạn học quản trị kinh doanh.
Khi tuyển nhân viên kinh doanh, tôi sẽ phỏng vấn và tuyển dụng nhân viên kinh doanh với một số tiêu chí như sau:
- Ngoại hình dễ nhìn, có nét dễ thương mà người khác nhìn thấy dễ chịu.
- Giọng nói dễ nghe
- Sự nhạy bén, nhận biết được cảm xúc của người khác
- Yêu thích ngành nghề kinh doanh và mong muốn làm việc trong lĩnh vực này.
Nếu các bạn đã học ngành nào đó khác, đã từng đi làm mà thấy ngành nghề đó không phù hợp thì cũng có thể chuyển sang làm nhân viên kinh doanh. Ngoài các điều kiện trên, thì các bạn phải chịu khó học hỏi – kiến thức về nhiều lĩnh vực (âm, nhạc, chứng khoán, điện…) – để có những câu chuyện để nói với khách hàng, tạo thiện cảm cho khách hàng. Đó chính là câu chuyện kinh doanh trong quá trình tiếp cận khách hàng…
4. Thu nhập của nhân viên kinh doanh?
Hiện nay, nhân viên kinh doanh cũng được chia nhỏ thành nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn nhân viên kinh doanh bất động sản sẽ khác nhân viên kinh doanh kênh thị trường (GT).
Nhân viên kinh doanh Vi-light là nhân viên kinh doanh kênh thị trường và tôi sẽ nói về thu nhập của nhân viên kinh doanh kênh thị trường như sau: Tổng thu nhập của một nhân viên kinh doanh mới vào công ty vào khoảng 10 triệu đồng/tháng - bao gồm lương cứng, phụ cấp công tác và hoa hồng (nếu có). Thông thường trong vài tháng đầu tiên, bạn vừa phải học việc, tìm kiếm khách hàng thì hoa hồng có thể không có, hoặc ít. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, khi đã có khách hàng và bán được hàng thì tiền hoa hồng của các bạn sẽ tăng và thu nhập sẽ tăng theo khả năng bán hàng của bạn.
Khi ở mức chuyên viên, bạn đã có kinh nghiệm bán hàng và nhiều khách hàng thì thu nhập sẽ khoảng từ 15-20 triệu đồng/tháng - bao gồm lương cứng, phụ cấp công tác, hoa hồng, thưởng chỉ tiêu/KPI…
Nếu nói về mức lương cao nhất của nhân viên kinh doanh là bao nhiêu thì tôi sẽ không thể trả lời được vì con số này do bạn quyết định – tùy thuộc vào sự lười biếng hay chăm chỉ của bạn.
Trường ĐH đầu tiên ở Việt Nam thuộc Top 25 trường có đóng góp cho phát triển nghề nghiệp suốt đời
5. Cơ hội thăng tiến/phát triển nghề nghiệp của nhân viên kinh doanh?
Nhân viên kinh doanh là cấp đầu tiên của nghề làm kinh doanh. Khi vừa vào công ty bạn sẽ làm vị trí nhân viên kinh doanh. Sau đó, bạn có thể lên vị trí Sales sup (Sales Supervisor hay Giám sát kinh doanh) – sẽ quản lý một nhóm nhân viên kinh doanh. Sau đó, sẽ có thể thăng tiến tiếp lên vị trí Quản lý kinh doanh – quản lý một vùng hoặc một khu vực. Cao hơn nữa là vị trí Giám đốc kinh doanh…
Đó chỉ là các phân cấp cơ bản. Thực tế, các bạn sẽ có rất nhiều cơ hội phát triển bởi trong nhiều công ty lớn, họ còn phân ra các cấp khác như Giám đốc vùng, Giám đốc miền hay Giám đốc toàn quốc. Càng nhiều nhân sự về kinh doanh họ sẽ càng tổ chức nhiều nhóm nhỏ và có những vị trí quản lý cao cấp hơn.
Xem video phỏng vấn chị Phan Thị Thanh Hà tại đây:
🔴 Hướng nghiệp 5.0 là series chuyên phỏng vấn thực tế các chuyên gia thực sự làm nghề giúp bạn có cái nhìn tổng quát và đầy đủ nhất về ngành nghề trước khi lựa chọn nghề nghiệp.
Theo dõi Hướng nghiệp 5.0 tại:
Fanpage hướng nghiệp: https://fb.me/huongnghiep50.voh
Group hướng nghiệp: https://fb.com/groups/huongnghiep50/
Đặt câu hỏi hướng nghiệp: https://forms.gle/AqBSL2uBCjkTAebp6
Các bài viết: https://voh.com.vn/huong-nghiep-835.html