Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Dạy trẻ biết cách chia sẻ

VOH - Cách dạy trẻ biết chia sẻ là việc có lẽ bậc cha mẹ nào cũng muốn nắm được để dạy cho trẻ nhỏ.

Chia sẻ là một trong những bài học cuộc sống bạn cần dạy trẻ càng sớm càng tốt. Khi còn nhỏ, trẻ sẽ thích nghi với nó dễ dàng hơn và sử dụng nó trong suốt cuộc đời. Chia sẻ sẽ giúp trẻ kết bạn tại sân chơi hay trường học, cũng như sẽ đem lại lợi ích khi trẻ trưởng thành và đi làm.

Vì sao cần thiết nên dạy trẻ biết chia sẻ?

Để hình dung dễ dàng hơn về tầm quan trọng khi trẻ biết yêu thương chia sẻ, hãy tưởng tượng đến các bạn nhỏ gặp vấn đề về việc bộc lộ cảm xúc như: trẻ rối loạn phổ tự kỷ, trẻ rối loạn cảm xúc và hành vi, rối loạn ngôn ngữ,…

Dạy trẻ biết cách chia sẻ 1
Ảnh: Kohsantepheapdaily.com

Chẳng ai mong muốn trẻ sẽ trở thành một trẻ nhỏ vô cảm, sống thờ ơ và không biết quan tâm tới những người xung quanh hay ngay cả người thân trong gia đình. Điều này sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới việc hình thành nhân cách và lối sống của trẻ sau này.

Dù là do yếu tố bẩm sinh hay do sự giáo dục chưa đúng đắn đến từ phía gia đình hay nhà trường, việc hình thành cho trẻ biết yêu thương và sẻ chia là điều vô cùng cần thiết.

Sự chia sẻ phát triển như thế nào ở từng độ tuổi?

Trẻ tập đi

Trong giai đoạn này, trẻ chưa hiểu ý nghĩa của việc chia sẻ. Lúc thấy trẻ khác có thứ mà mình muốn, trẻ sẽ không hiểu tại sao mình không có hoặc tại sao mình phải chờ đợi đến lượt.

Ngoài ra, kỹ năng chia sẻ được phát triển cùng lúc với khả năng kiểm soát cảm xúc. Thay vì mong đợi trẻ sẽ cư xử phù hợp và biết cách chia sẻ hơn, thì cha mẹ nên hướng dẫn trẻ một cách từ từ và cùng trẻ thực hành thường xuyên để từng bước củng cố kỹ năng này.

Trẻ mẫu giáo

Ở độ tuổi lên 3, nhiều trẻ bắt đầu hiểu về việc chia sẻ và thay phiên khi chơi cùng nhau. Ví dụ, trẻ hiểu chia sẻ công bằng là điều nên làm, nhưng trẻ không thực sự muốn thực hiện nếu phải từ bỏ một thứ gì đó mà mình yêu thích.

Cha mẹ nên xây dựng kỹ năng chia sẻ cho trẻ mẫu giáo bằng cách giải thích về sự chia sẻ, khuyến khích tính công bằng khi giải quyết vấn đề, ghi nhận và khen ngợi những hành động phù hợp của trẻ.

Cha mẹ có thể trò chuyện với trẻ bằng cách đặt những câu hỏi gợi mở để trẻ có thể hiểu hơn về suy nghĩ và cảm nhận của người khác. Ví dụ: “Con sẽ cảm thấy thế nào nếu bị lấy mất món đồ chơi yêu thích?”, “con thấy sao nếu không có bạn nào muốn chia sẻ đồ chơi cùng con?”, “vậy con có muốn làm như vậy với người khác hay không?”.

Tuy nhiên, hầu hết trẻ mẫu giáo vẫn đang trong quá trình học tập và chưa thể hiểu một cách thấu đáo suy nghĩ, cảm xúc của người khác nên vẫn cần sự hỗ trợ từ cha mẹ.

Trẻ trong độ tuổi đi học

Khi bắt đầu đi học, trẻ sẽ dần hiểu hơn về cảm xúc và suy nghĩ của những người khác. Trẻ sẽ dễ dàng thực hiện việc chia sẻ và tham gia các hoạt động luân phiên, nhưng đôi khi trẻ vẫn thấy khó chịu và không muốn chia sẻ món đồ mà mình yêu thích.

Trẻ có ý thức mạnh mẽ về sự công bằng và có khả năng không muốn chia sẻ đồ chơi nếu nghĩ rằng mình bị đối xử bất công.

Để giải quyết vấn đề, cha mẹ hãy kiểm tra các quy định của trò chơi, đồng thời giải thích cho trẻ và các bạn khác rằng ai cũng sẽ được chơi nếu làm đúng quy định.

Ở độ tuổi này, trẻ sẽ mong muốn làm điều đúng kiên nhẫn và khoan dung hơn. Trẻ đã biết cách kết bạn và đây là cơ hội cho việc thực hành kỹ năng chia sẻ.

Làm thế nào để dạy trẻ kỹ năng chia sẻ?

Trẻ học được rất nhiều điều từ việc quan sát những gì cha mẹ làm. Điều này cũng đúng khi cha mẹ làm gương và thường xuyên thực hiện việc chia sẻ với mọi người, trẻ sẽ có (một) hình mẫu tuyệt vời để noi theo.

Ngoài ra, trẻ cũng cần có cơ hội tìm hiểu và tự thực hành việc chia sẻ. Dưới đây là một số cách để khuyến khích trẻ rèn luyện kỹ năng chia sẻ trong cuộc sống hàng ngày.

Thảo luận với trẻ về những lợi ích mà việc chia sẻ mang lại cho mọi người và bản thân trẻ. Ví dụ: “Khi con chia sẻ đồ chơi với bạn Mi, bạn sẽ vui và thích chơi với con lắm đấy”.

Quan sát những hành động chia sẻ của mọi người xung quanh. Ví dụ, bạn Nam thật tử tế khi chia sẻ đồ chơi cùng mọi người.

Dành lời khen ngợi và động viên khi con thực hành chia sẻ. Ví dụ: “Cha mẹ cảm thấy thật tự hào khi con biết chia sẻ con robot của mình với bạn Minh”.

Cùng trẻ tham gia những trò chơi liên quan đến việc chia sẻ và luân phiên theo lượt. Đưa ra những hướng dẫn theo từng bước cụ thể. Ví dụ: “Bây giờ cha mẹ sẽ xây những khối gạch màu đỏ, sau đó sẽ đến con xây những khối gạch màu xanh”.

Trò chuyện với trẻ về việc chia sẻ trước khi trẻ chơi với người khác. Ví dụ: “Khi bạn Na đến nhà chơi, con sẽ cần chia sẻ một số món đồ chơi của mình khi chơi cùng bạn. Con có thể hỏi bạn thích chơi đồ chơi nào để dễ dàng chia sẻ với bạn hơn”.

Cách dạy trẻ biết chia sẻ thoạt nghe chúng ta sẽ có cảm giác thật khó thực hiện, đặc biệt đối với những đứa trẻ mà nhận thức về những vấn đề như chia sẻ vẫn còn chưa rõ ràng.

Tuy nhiên không vì vậy mà việc dạy trẻ điều này không thực hiện được. Qua một số cách đã đề cập ở trên, bạn hãy từng bước xây dựng và phát triển đức tính tốt đẹp này ở trẻ.