Đi xe đạp vì môi trường do Hội Hữu nghị Việt Nam – ASEAN phối hợp với Trung tâm Thể dục thể thao - ĐHQG TPHCM, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức.
Sự kiện thu hút gần 500 sinh viên Việt Nam, Lào, Thái Lan, Indonesia, và một số quốc gia châu Âu và ASEAN đang theo học hoặc nghiên cứu tại trường ĐHQG TPHCM tham gia.
Đi xe đạp vì môi trường được tổ chức nhằm lan tỏa hành động trong thanh niên vì một Việt Nam xanh hơn, hướng tới một cộng đồng ASEAN phát triển bền vững và sử dụng năng lượng sạch. Đây là một phần của chương trình “Cùng tiến bước vì tương lai” (On the move for the Future) được tổ chức năm thứ hai nhấn mạnh vai trò của thanh niên trong ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.
Theo thống kê, hoạt động giao thông đóng góp tới 70% nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trên các thành phố. Sử dụng xe đạp hằng ngày chính là cách tuyệt vời để bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái. Theo cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ, nếu tất cả mọi người đang tham gia giao thông sử dụng xe đạp ít nhất 1 tuần 1 lần thì sẽ làm giảm ít nhất 20% tốc độ nóng lên toàn cầu.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Communications Earth and Environment ngày 18/8, thế giới sẽ giảm được gần 700 triệu tấn ô nhiễm carbon mỗi năm nếu mọi người đạp xe hàng ngày thay vì đi phương tiện sử dụng các nguyên liệu hóa thạch.
Phát biểu tại sự kiện, bà Wiraka Mooddhitaporn - Tổng lãnh sự Vương quốc Thái Lan tại TPHCM chia sẻ: “Để thực hiện cam kết đã đưa ra tại COP26 năm ngoái các nước ASEAN cần thay đổi công nghệ, quy trình, chính sách, nhưng không điều nào trong số đó sẽ thành công trừ khi chúng ta thực sự thay đổi tư duy và hành động của mình. Sự kiện “Đi xe đạp vì môi trường” như một lời nhắc nhở chúng ta cần hành động cùng nhau ngay bây giờ để giảm lượng khí thải carbon. Các thế hệ trẻ cần nỗ lực chung tay hơn nữa để bảo vệ môi trường và bảo tồn hệ sinh thái tương lai”.
Với 27% dân số tương đương 23 triệu người, thanh niên Việt Nam đã và đang đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Thời gian qua, Việt Nam đã thể hiện cam kết và đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ một nước đứng vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu, Việt Nam đã lùi xuống đứng ở vị trí thứ 38 trong năm 2019, đây là một kết quả rất đáng mừng.
Biến đổi khí hậu không phải là vấn đề của một cá nhân hay một quốc gia, mà là trách nhiệm của tất cả mọi người. Bà Phan Thị Hồng Xuân – Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – ASEAN TPHCM - chia sẻ: “Một trong những yếu tố để phát triển bền vững là bảo vệ môi trường, trong đó, đạp xe chính là cách tốt nhất để giảm thải CO2 ra môi trường. Theo các nhà khoa học nếu đạp xe 8km sẽ giảm thải 2kg carbon ra môi trường đó là lý do sự kiện lựa chọn để các bạn sinh viên đạp xe 8km nhằm lan tỏa tinh thần và khuyến khích các bạn sử dụng xe đạp nhiều hơn”.
Em Bùi Thanh Nhung (sinh viên năm 4, khoa Đô thị Trường Đại học KHXH&NV) chia sẻ sau khi tham gia buổi đạp xe: “Hoạt động đạp xe hôm nay vô cùng thú vị, vừa giúp em nâng cao sức khỏe vừa có thể bảo vệ môi trường. Sự kiện này còn khuyến khích sinh viên lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường bằng cách hạn chế sử dụng xe gắn máy, rất ý nghĩa”.
Lộ trình đạp xe bắt đầu xuất phát từ Trung tâm Thể dục thể thao – ĐHQG HCM, đi thẳng đường Vành đai, quẹo trái đường Nguyễn Du – chạy ngang khu vực Hồ đá – đến gần Ký túc xá khu B (ĐHQG) quay đầu về lại đường Nguyễn Du và kết thúc đạp xe ở vị trí xuất phát.