Dìu bà con vùng lũ qua khó khăn

(VOH) - Chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt – Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM tiếp tục triển khai hoạt động “Cơn lũ đi qua, tình người ở lại” ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Quảng Bình.

Kịp thời hỗ trợ bà con vùng lũ có điều kiện tái thiết cuộc sống, chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt – Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai hoạt động “Cơn lũ đi qua, tình người ở lại” ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Quảng Bình. Cụ thể, hỗ trợ con giống, cây giống hoặc tiền mặt từ 3 – 10 triệu đồng cho các hộ đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí gần 600 triệu đồng. Trong thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, đây là sự chia sẻ mang ý nghĩa lớn lao.

"Nhà cô bị sạt nhà, nóc nhà cũng bị lật hết. Sợ một là hư nhà, hai là 2 mẹ con bị mất tích trong nhà không kịp chạy. Nếu kịp chạy thì may chứ lỡ không kịp chừ mẹ bị đau, còn đứa nhỏ thì hắn ngủ, mình đành chịu." - chia sẻ của cô Hồ Thị Xoan, ngụ ở xã Ba Nang, huyện Đakrong, tỉnh Quảng Trị.

Cô Xoan là người đồng bào dân tộc Pa Cô, quanh năm sống nhờ cây rau, cây mì. Mỗi đợt mưa bão hay sạt lở kéo đến, căn nhà nhỏ vùng núi lại chơ vơ giữa đất trời. Bão giông rồi cũng đi qua, nhưng khó khăn, thiệt hại vẫn ở lại đó, không biết khi nào gượng dậy.

Chính vì vậy, khi nhận được đàn gà giống 150 con cùng thức ăn chăn nuôi với tổng trị giá 5 triệu đồng để tái thiết cuộc sống, cô Xoan xúc động lắm: "Nuôi này để hắn phát triển, to lớn, để hắn đẻ trứng và có lãi con. Nếu được, nhờ chị em họ hàng, bà con tới mua, mình bán để mua mắm ớt và nuôi con học".

Ngoài trao gà giống, Sát cánh cùng gia đình Việt còn hỗ trợ dê giống, heo rừng, cây giống với ước mong bà con sớm cải thiện kinh tế. Phần hỗ trợ này đối với bà con là cả một giấc mơ vì để có được 5 triệu đồng mua cây, con giống đối với họ là không thể.

Khi biết tin mình được hỗ trợ cặp dê giống, anh Hồ Văn Mạnh ở xã biên giới A Vao đã đi bộ hơn 1 tiếng đồng hồ từ bản đến ủy ban xã đón “thành viên” mới cho gia đình: "Rất là vui khi nhận được cặp dê. Cảm ơn nhà hảo tâm, Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố đã hỗ trợ cặp dê rất có giá. Dê đem về, mình làm chuồng, chăm sóc, tìm thức ăn cho dê cho mau chóng lớn lên, phát triển hơn nữa để có tiền làm nhà, lo cho con ăn học".

Nếu ở huyện Đakrong, tỉnh Quảng Trị, bão lũ đã cuốn trôi cây cối, nương rẫy thì tại huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, sạt lở khiến nhiều nhà dân đổ sập, hư hại nặng nề. Đường vào các thôn bản ngập ngụa sình lầy, đất đá. Bên dòng suối chảy xiết, những em bé hồn nhiên đùa giỡn. Các con nép sau lưng cha mẹ, ngơ ngác khi có người lạ ghé thăm. Chương trình đã hỗ trợ mỗi hộ từ 5 - 10 triệu đồng để mua tấm tôn, cây cột, che chắn lại vách nhà hay mua lại con heo, con gà về gầy đàn.

Còn tại Quảng Bình, mặc dù mưa lũ năm nay không gây thiệt hại nặng cho đời sống nhưng hậu quả từ đợt bão lũ năm rồi vẫn nan giải. Do vậy, dựa trên nhu cầu thực tế của người dân cũng như điều kiện khí hậu tại xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, chương trình đã trao gà giống cho 28 hộ và trao sả giống cho 22 hộ dân.

Nhiều ông bà, cô chú không giấu được niềm vui khi nhận được sự hỗ trợ trong thời điểm dịch bệnh đã bào mòn nhiều thứ. Đặc biệt, đây là món quà từ người dân thành phố Hồ Chí Minh: "Chú rất phấn khởi và cảm ơn các mạnh thường quân đã giúp đỡ dù TPHCM dịch bệnh hoành hành rất nhiều, gần 2 năm rồi. Nhưng bây giờ vẫn có tinh thần giúp đỡ bà con khó khăn ở xã Trường Xuân".

Hằng năm, thiên tai đã đẩy nhiều người vào cảnh màn trời chiếu đất, ruộng rẫy tan hoang nhưng khúc ruột miền Trung không bao giờ đơn độc trong cuộc chiến này. 

Dìu bà con vùng lũ qua khó khăn 1
Ảnh minh họa

Trong nhiều năm qua, chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt, luôn công khai minh bạch từng khoản đóng góp nên tạo được niềm tin của thính giả gần xa.

Từng khoản đóng góp của thính giả được tri ân trên sóng và đăng tải công khai trên website chương trình. 100% sự đóng góp được trao tận tay người được hỗ trợ.

Khi vận động hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn, xây trường, xây cầu… chương trình đều có sự khảo sát, kiểm tra kỹ thông tin. Song song đó, phối hợp với chính quyền địa phương để hỗ trợ đúng người đúng việc. Đồng thời, huy động được nguồn lực của địa phương để qua đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của các bên.

Dù người đóng góp không yêu cầu nhưng chương trình cũng công khai hình ảnh, giấy tờ thủ tục khi tổ chức bàn giao hỗ trợ cho cá nhân, cho địa phương… Cách làm bài bản này làm tăng hiệu quả của việc hỗ trợ và ngày càng khẳng định giá trị niềm tin của thính giả.

Đơn cử, ngay trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, hàng chục tỷ đồng vẫn được thính giả gửi về chương trình. Ông Hồ Văn Phương – Phó Chủ tịch hội Chữ thập đỏ huyện Đakrong, tỉnh Quảng Trị bày tỏ: "Từ hồi dịch đến giờ thì đoàn Đài đến đầu tiên. Vùng này thuộc diện vùng sâu vùng xa nên các đoàn đến thông qua các kênh mặt trận, các cấp chính quyền hoặc hội đoàn thể do đó được hướng dẫn và phân bổ. Các đoàn đến được hướng dẫn vào các tổ chức cho nên cũng thuận lợi."

Có thể khẳng định rằng, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách là truyền thống tốt đẹp của người Việt mình. Dòng chảy yêu thương ấy chưa bao giờ dừng lại dẫu trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Làm từ thiện một cách bài bản, càng chặt chẽ thì tính minh bạch, công khai càng cao và tác động tích cực đến hoạt động cứu trợ, hỗ trợ người dân gặp thiên tai, dịch bệnh. Từ đó, ngày càng lan tỏa những giá trị sống tốt đẹp.