Tháng 6 năm 2011, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM cho ra đời Chương trình Phát thanh thực tế ‘SÁT CÁNH CÙNG GIA ĐÌNH VIỆT”- Đây là chương trình phát thanh thực tế đầu tiên của cả nước nhằm giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn - các bệnh nhân nghèo khó. Với những cố gắng nỗ lực của ekip thực hiện, sau gần 10 năm phát sóng, Chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt đã vượt qua những khó khăn ban đầu để thu hút được hơn 100.000 LƯỢT ỦNG HỘ của thính giả nghe Đài, vận động được gần 150 TỶ ĐỒNG cùng hàng chục tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm khác để thực hiện rất nhiều hoạt động mang ý nghĩa từ thiện, ghi đậm dấu ấn ở nhiều vùng đất khó khăn trên cả nước mà chương trình đi qua.
1. Mang lại ánh sáng cho hơn 30.000 bệnh nhân nghèo trên cả nước
- 20 tỷ đồng đã được ủng hộ cho hoạt động ấy để mang lại đôi mắt sáng cho gần 30.000 bệnh nhân nghèo - Họ đã có thể nhìn thấy bầu trời rộng lớn bằng đôi mắt của chính mình, không để bản thân trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Gần 10 năm với hơn 30.000 bệnh nhân nghèo, vậy là trung bình mỗi ngày trôi qua, Sát cánh cùng gia đình Việt giúp được 7-10 bệnh nhân được phẫu thuật mắt – Cũng có nghĩa là mỗi ngày thức giấc, cuộc sống lại đón chào thêm những điều hạnh phúc; hạnh phúc đến tột cùng với những người đang mong tìm lại ánh sáng cho cuộc đời
2. Vận động xây dựng được gần 150 cây cầu ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Kinh phí: Hơn 30 tỷ đồng
* Trong đó, có thể kể đến cây cầu Chân Rò - Tỉnh Quảng Trị - Ước mơ hơn 40 năm qua của gần 1500 người dân sống sâu trên núi, mỗi lần mưa lũ về bị chia cắt với thế giới bên ngoài. Dòng sông Đắk Rông vốn bình yên là thế, nhưng mùa nước lên, nó dữ tợn và hung hăng vô cùng, đã lấy đi người chồng, người cha, người mẹ, người ông của biết bao gia đình. Họ nằm lại dưới lòng sông và mãi mãi không trở về nữa.
Sau khi biết được thông tin này, ekip Sát cánh cùng gia đình Việt đã trực tiếp đi khảo sát 3 lần tại đây để nắm tình hình, đặc biệt có đợt đi gặp mùa lũ, bản thân không vì khó khăn, sợ hãi mà bỏ cuộc. Những người thực hiện chương trình đã ngồi trên chiếc đò nhỏ vượt qua dòng sông dữ tợn để rồi sau đó đi bộ thêm hơn 10km sâu trong núi, gặp người dân, phỏng vấn và tìm hiểu thêm những mong ước của họ, để từ đó có thể chuyển tải một cách chân thực nhất đến thính giả câu chuyện về ước mơ 1 cây cầu ở nơi vùng núi xa xôi này.
Và ước mơ ấy đã trở thành sự thật, cây cầu Chân Rò được khánh thành vào tháng 9/2018. Tổng kinh phí 3,5 tỷ đồng. Quá khứ đau thương nơi đây đã mãi nằm lại phía sau.
** Cây cầu Cư Pui - Huyện Krông Bông - Tỉnh Đắk Lắk (Kinh phí 1,3 tỷ đồng): Nơi đây, hơn 300 người dân và học sinh phải qua sông trên chiếc bè kết bằng cây lồ ô mỏng manh. Đã có nhiều người bị rớt xuống sông và bị nước cuốn trôi khi không có cây cầu an toàn đi lại vào mùa mưa lớn.
Ekip đã đến đó khảo sát nhiều lần và về vận động qua làn sóng của Đài. Chỉ gần 1 tháng sau, thính giả đã ủng hộ được 1,3 TỶ đồng. Cầu Cư Pui - Huyện Krông Bông - Tỉnh Đắk Lắk đã được khánh thành vào đầu năm 2019 - Cầu bắc ngang sông cho em – cho bà, cho ông, cho cha, cho mẹ vững lòng đi lại đôi bờ.
3. Vận động xây dựng 17 ngôi trường mầm non và tiểu học, nhà bán trú. Tổng kinh phí hơn 16 tỷ đồng.
“Ước mơ có được những lớp học ấm áp và vững chãi” tưởng chừng xa vời vợi sau nhiều năm, thậm chí gần 20 năm của nhiều thầy cô và các em nhỏ vùng sâu, vùng xa đã được Sát cánh cùng gia đình Việt biến thành hiện thực.
4. Vận động ủng hộ hơn 20 tỷ đồng cho bà con vùng bão lũ trong nhiều năm qua.
5. Xây dựng hơn 1.000 căn nhà tình thương.
6. Vận động mổ tim cho gần 400 bệnh nhi và người lớn. Kinh phí gần 6 tỷ đồng.
Năm 2011-2012, khi thực hiện, chương trình chỉ chú trọng vận động mổ tim cho những em bé dưới 10 tuổi. Nhưng rồi sau đó khi gặp rất nhiều ca bệnh tim người lớn, ekip Sát cánh cùng gia đình Việt đã suy nghĩ, họ là trụ cột gia đình, là cha, là mẹ của những đứa nhỏ cần nơi nương tựa. Nếu họ có mệnh hệ gì, biết bao đứa trẻ sẽ bơ vơ và trở thành gánh nặng cho xã hội. Chính vì thế, từ năm 2013 trở đi, chương trình đã tìm hiểu và viết nên câu chuyện của hàng trăm bệnh nhân người lớn bị suy tim và gửi câu chuyện ấy đến thính giả nghe Đài.
Kể từ đó, những trái tim được hồi sinh, nhiều cuộc đời mới mở ra từ đó.
7. Tặng tiền mặt và quà trị giá hơn 400 triệu đồng cho bà con người Việt đang sống ở vùng Biển Hồ Campuchia.
8. Chương trình Mùa xuân yêu thương, tặng hơn 20.000 phần quà tết cho người nghèo ăn tết, ưu tiên những tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng.
9. Chương trình Áo ấm cho trẻ vùng cao: Trong suốt những năm qua, chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt thường xuyên tổ chức chương trình áo ấm cho trẻ vùng cao với gần 30.000 chiếc áo ấm đã được trao đi.
10. Chương trình Vẽ ước mơ cho em: Tổ chức vui Trung thu Đêm Hội Trăng rằm cho hàng ngàn trẻ em ở các tỉnh như Đắk Nông, Bình Thuận, Đắk Lắk, Bình Phước; Gia Lai
11. Vận động hàng ngàn thẻ bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.
12. Nâng bước em đến trường: Trao hơn 1.000 xe đạp, hàng trăm suất học bổng cho những em học trò nghèo vùng sâu được tiếp tục đến trường.
13. Tổ chức khám bệnh miễn phí, tặng thuốc cho bà con vùng Biển Đảo, vùng sâu vùng xa...
14. Hỗ trợ người dân miền Tây bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Lắp đặt 40 hệ thống lọc nước. Tổng kinh phí là 4 tỷ đồng.
Tháng 3/2020 vừa qua được xem là đỉnh điểm của ảnh hưởng bởi hạn, mặn ở các tỉnh miền Tây. Qua khảo sát đời sống của người dân vùng hạn, mặn, Sát cánh cùng gia đình Việt đã triển khai hoạt động “Không để nước ngọt mặn như nước mắt” vận động thính giả đóng góp lắp đặt hệ thống lọc nước mặn, nước phèn thành nước sạch cho người dân
Khác với những chương trình hỗ trợ của các tổ chức xã hội khác, “Không để nước ngọt mặn như nước mắt” của Sát cánh cùng gia đình Việt không chỉ lọc nước mặn mà còn lọc nước phèn, nước nhiễm bẩn cho những nơi mà 30 – 40 năm qua người dân chưa từng có nước sạch để ăn, uống,... Vì vậy, sau khi hạn – mặn kết thúc thì người dân vẫn có nước sạch để sử dụng.
Mặt khác, để có nước sạch ăn uống, người nghèo ở các tỉnh miền Tây thường phải mua nước bình (6-10 ngàn đồng/bình) trong khi thu nhập của gia đình không quá 50 ngàn đồng/ngày. Tiếp đó, việc sử dụng nước nhiễm bẩn, nước phèn cũng ảnh hưởng đến sức khỏe ở cả trẻ con lẫn ngươi lớn. Do vậy, việc lắp đặt hệ thống lọc nước, cung cấp nước sạch miễn phí cho bà con nghèo không chỉ giúp họ giải quyết một phần gánh nặng về kinh tế mà còn gián tiếp giúp người chăm sóc sức khỏe cho người dân.
15. Chung tay phòng chống dịch bệnh COVID – 19; Hoạt động “Muôn trái tim hướng về nơi tuyến đầu biên giới”, Hỗ trợ Đội ngũ y bác sĩ phòng chống dịch Covid-19 ở Đà Nẵng. Tổng kinh phí là 9 tỷ đồng.
Năm 2020 là một năm không thể nào quên đối với người dân Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Dịch bệnh viêm phổi cấp lây lan do virus corona với diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, kinh tế và xã hội. Trong bối cảnh chung đó, mặc dù cũng gặp rất nhiều khó khăn song Sát cánh cùng gia đình Việt đã không dừng lại, triển khai hoạt động “Muôn trái tim hướng về nơi tuyến đầu biên giới” vận động hỗ trợ vật tư y tế, nhu yếu phẩm cho bộ đội biên phòng ở các tỉnh biên giới đang thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19. Kết quả, đã vận động được 9 TỶ ĐỒNG, trong đó:
- Vận động doanh nghiệp đóng góp 7 TỶ ĐỒNG trực tiếp trao cho Mặt trận Tổ Quốc VIệt Nam TP.HCM để mua sắm trang thiết bị y tế cho các bệnh viện phòng chống dịch bệnh.
- Vận động gần 1,5 TỶ ĐỒNG từ các thính giả, nhà hảo tâm để mua sắm các vật tư y tế, nhu yếu phẩm như: Khẩu trang, Dung dịch rửa tay, Võng, mì gói, cà phê đóng chai, nước suối... trao tặng trực tiếp đến bộ đội biên phòng 9 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Nghệ An, Thanh Hóa, Đắk Lắk và Đắk Nông.
- Vận động hỗ trợ 500 TRIỆU ĐỒNG tiền mặt cho Y – Bác sĩ làm công tác phòng chống dịch tại Đà Nẵng!
“Sát cánh cùng gia đình Việt” đã ghi nhận những thành tích xuất sắc cùng nhiều bằng khen của UBND TPHCM cùng các Huân chương lao động, Bằng khen Thủ tướng, các giải báo chí, Liên hoan phát thanh, cùng vô số bằng khen đến từ các đơn vị các cấp. Đây thành quả của lòng nhân ái, nỗ lực, niềm tin của cả ekip và tình nguyện viên không quản khó khăn, vất vả thắp sáng niềm tin cho những mảnh đời bất hạnh.