Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết, trường hợp thứ nhất là anh L.A.P. 32 tuổi nhập viện với chẩn đoán bỏng độ II, III vùng mặt, cổ, cẳng tay phải, ngực diện tích 15%. Trước đó, người bệnh có thu gom rác và đổ xăng vào để đốt.
Thấy ngọn lửa có hiện tượng tắt, anh P. đã đổ thêm xăng, hậu quả ngọn lửa bùng lên và bén vào người khiến người bệnh bị bỏng nặng.
Trường hợp thứ hai là ông Đ.V.M. 60 tuổi trong lúc đốt rác, không may một vật không rõ trong đống rác bỗng nhiên phát nổ khiến người bệnh bị bỏng nặng và phải nhập viện với chẩn đoán bỏng độ II vị trí mặt, cổ, cẳng tay, bàn tay trái diện tích 7%...
Bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết, các trường hợp bị bỏng có thể để lại rất nhiều di chứng như co rút cơ ảnh hưởng đến vận động về sau. Vì vậy, người dân cần hết sức cẩn trọng khi sử dụng các chất có thể gây ra cháy nổ như xăng, dầu hỏa, cồn...
Nếu không may bị bỏng, cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự chữa trị bằng các phương pháp chưa được khoa học kiểm chứng, tiềm ẩn rất nhiều biến chứng có thể xảy ra bởi nếu vết bỏng rộng có thể dẫn đến hoại tử thứ phát, độ bỏng sâu hơn, co kéo bề mặt da tạo sẹo xấu. Nguy hiểm hơn, vết thương có thể bị nhiễm khuẩn gây nhiễm trùng máu, suy thận, suy đa tạng... ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.