Ông Yao sinh năm 1935 trong một gia đình khó khăn ở làng Diêu Thôn, thành phố Lan Khê, tỉnh Chiết Giang. Thấy ông ham học, người dân trong thôn làng và các nhà hảo tâm đã quyên góp để tài trợ học phí cho Yao.
Không phụ lòng những tấm lòng tử tế, ông Yao học hành chăm chỉ và thi đậu vào một trường đại học ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây và theo học ngành dầu khí và có được việc làm tốt sau đó.
Năm 2002, nghe tin quê hương đang có ý định thành lập quỹ từ thiện, ông đã ngay lập tức quyên góp 600.000 nhân dân tệ nhưng lấy tên khác.
Sau đó ông góp hơn 3 triệu nhân dân tệ để xây dựng một trung tâm dành cho người cao tuổi ở Lan Khê và ban đầu không ai biết danh tính thật của ông, vì ông lấy bí danh "Mộc Thốn".
Trong tiếng Trung, mộc có nghĩa là “gỗ” và thốn là một đơn vị đo thời xưa. Khi ghép hai chữ này lại với nhau, chúng sẽ tạo ra từ mới có nghĩa là “làng”.
Năm 2008, ông Yao Baoxi thành lập một quỹ học bổng mang tên “Mộc Thốn”. Quỹ này mỗi năm trích 50.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 7.000 USD) để khen thưởng học sinh, sinh viên xuất sắc và tài trợ cho những em có hoàn cảnh khó khăn tại trường Trung học số 1 Lan Khê.
Quỹ khuyến học này đã giúp hàng trăm học sinh, sinh viên bước dài hơn trên con đường học vấn và trở thành những người thành công. Ước tính, số tiền ông quyên góp là hơn 15 triệu nhân dân tệ (hơn 53 tỷ VNĐ).
Ông từng đóng góp 4 triệu tệ và giới thiệu một đội ngũ chuyên nghiệp cho việc tu sửa các công trình kiến trúc cổ kính ở quê hương.
Trái với những khoản đóng góp "khủng" dành cho quê hương, ông lại có cuộc sống bình dị đến tối giản
"Tôi sinh ra và lớn lên từ quê hương, tôi phải làm điều gì đó để đền đáp", ông Yao từng tâm sự.
Năm 2021, ông được vinh danh là “Người Samari nhân hậu của Trung Quốc”.
Câu chuyện về cuộc đời ông là minh chứng cho tinh thần “lá lành đùm lá rách”, truyền cảm hứng về lòng tốt, để lại những dấu ấn đẹp trong lòng mọi người.