Tình trạng này không chỉ là một bài học đắt giá về việc quản lý chi tiêu, mà còn là lời cảnh tỉnh cho một thế hệ dễ bị cuốn vào vòng xoáy chi tiêu thông qua các công cụ tài chính dễ tiếp cận như thẻ tín dụng.
Timothy Danikowshi, một nhân viên kế toán ở Seattle, Mỹ, là một ví dụ điển hình. Khi mở thẻ tín dụng đầu tiên với công việc đầu tiên, anh chỉ có ý định sử dụng thẻ cho những trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, thói quen mua sắm dần trở thành nghiện, khiến các khoản nợ của anh tăng lên chóng mặt.
Chỉ sau ba năm, Danikowshi tích lũy được khoản nợ lên tới 15.000 USD từ ba thẻ tín dụng, một trong số đó có lãi suất lên đến 28%. Timothy Danikowshi hiện chỉ thanh toán tối thiểu mỗi tháng và tìm cách chống lại cám dỗ sử dụng thẻ tín dụng, nhưng gánh nợ ngày càng trở nên nặng nề, nhất là khi anh mất việc vào năm nay.
Nghiên cứu của TransUnion cho thấy số dư thẻ tín dụng trung bình của người từ 22 đến 24 tuổi vào cuối năm 2023 đã lên tới hơn 2.800 USD, tăng 26% so với nhóm Gen Y (sinh năm 1981-1995) ở cùng độ tuổi.
Điều này phản ánh một thực tế đáng lo ngại: Gen Z không chỉ mở nhiều thẻ tín dụng mà còn sử dụng chúng với tần suất cao, nhưng khả năng thanh toán lại thấp hơn so với các thế hệ trước.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là tâm lý "chi tiêu trả thù" sau đại dịch. Gen Z, nhóm lao động trẻ, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong các lĩnh vực ăn uống, mua sắm và du lịch.
Tuy nhiên, với mức thu nhập còn hạn chế và ít tài sản tích lũy, họ dễ rơi vào vòng xoáy nợ nần. Các công ty thẻ tín dụng cũng không bỏ qua cơ hội này, liên tục phát hành các sản phẩm thiết kế bắt mắt với ưu đãi hấp dẫn, nhắm đến đối tượng khách hàng trẻ tuổi.
Không chỉ dừng lại ở nợ thẻ tín dụng, Gen Z còn gặp khó khăn trong việc trả nợ. Dữ liệu từ Credit Karma cho thấy, mức tăng dư nợ thẻ tín dụng của Gen Z lên tới 3,2% trong nửa đầu năm 2024, cao hơn nhiều so với các thế hệ khác.
Ngân hàng Dự trữ Liên bang ở New York cũng cảnh báo rằng Gen Z có khả năng bị quá hạn thanh toán nợ thẻ tín dụng cao hơn so với người lớn tuổi. Điều này khiến họ dễ dàng rơi vào tình trạng điểm tín dụng thấp, làm giảm khả năng vay mua nhà, ô tô trong tương lai.
Emmaline, 27 tuổi, ở South Carolina, từng mắc nợ thẻ tín dụng lên tới 6.000 USD. Cô chia sẻ: "Nợ thẻ tín dụng là một vấn đề vô hình, không thể nhìn thấy hàng ngày nhưng từ từ ăn mòn người dùng như một ký sinh trùng." Sau thời gian dài tiết kiệm cực đoan, Emmaline cuối cùng đã trả hết nợ vào tháng 11/2024.
Chuyên gia tài chính Courtney Alev khuyến cáo Gen Z cần tránh xa các khoản nợ có lãi suất cao, ngừng sử dụng hạn mức tín dụng hiện tại và chuyển nợ sang các khoản vay cá nhân có lãi suất thấp hơn.