Không đơn giản là sở thích, thói quen tắt đèn hoặc bật đèn khi ngủ còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
1. Tác hại của việc bật đèn khi ngủ
1.1 Bật đèn khi ngủ gây béo phì, huyết áp cao và tiểu đường
Nghiên cứu mang tên Nghiên cứu Lão hóa Khỏe mạnh ở Chicago (Mỹ) được tiến hành trên 1.395 người từ 63 đến 84 tuổi đã được công bố trên tập san học thuật về giấc ngủ Sleep.
Theo đó, những người tham gia sẽ được đánh giá về các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim như huyết áp cao và tiểu đường, đồng thời được đeo thiết bị đo lượng ánh sáng khi ngủ trong hơn một tuần. Trong đó, có 552 người ngủ hoàn toàn trong bóng tối suốt 5 tiếng mỗi ngày. Những người còn lại bật đèn khi ngủ.
Kết quả cho thấy, những người bật đèn khi ngủ có nguy cơ béo phì, huyết áp cao và tiểu đường cao hơn so với người ngủ trong bóng tối, theo chuyên trang khoa học ScienceDaily.
1.2 Bật đèn sáng vừa phải khi ngủ có thể có hại cho tim và đường huyết
Nghiên cứu thứ 2 được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, được thực hiện bởi nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Northwestern (Mỹ), cho thấy, ngủ bật đèn sáng vừa phải có thể dẫn đến nhịp tim và tình trạng kháng insulin cao hơn.
Ánh sáng vừa phải trong nghiên cứu là ánh sáng của đèn 100 lux, tương đương với màn hình tivi trong phòng tối hoặc đèn đường chiếu qua cửa sổ có màn che mỏng. Những người tham gia đều được đeo máy theo dõi nhịp tim khi ngủ.
Đồng tác giả của nghiên cứu, Tiến sĩ Daniela Grimaldi, Phó Giáo sư nghiên cứu về thần kinh học tại Đại học Northwestern (Mỹ) cho biết, những người ngủ trong phòng có ánh sáng vừa phải có nhịp tim tăng rõ rệt, tạp chí khoa học New Scientist đưa tin.
Các tác giả nghiên cứu cũng tiến hành một số thử nghiệm để ước tính tình trạng kháng insulin của những người tham gia vào buổi sáng sau khi thức dậy.
Kết quả cho thấy, ngủ bật đèn sáng vừa phải cũng làm tăng tình trạng kháng insulin vào sáng hôm sau, theo trang tin khoa học Live Science.
1.3 Bật đèn khi ngủ làm giảm chất lượng giấc ngủ
Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra, ngủ bật đèn làm giảm chất lượng giấc ngủ.
Kenji Obayashi, một nhà nghiên cứu dịch tễ học về nhịp sinh học tại Đại học Y Nara (Nhật Bản), đã thực hiện một nghiên cứu năm 2019 với hơn 1.100 người tham gia lớn tuổi và nhận thấy, tiếp xúc với ánh sáng trong vài giờ trước khi thức dậy dẫn đến chứng rối loạn giấc ngủ nhiều hơn, theo tờ The Washington Post.
2. Mẹo giảm ánh sáng khi ngủ
Theo Tiến sĩ Phyllis Zee, Trưởng khoa Thuốc ngủ tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe Trường Y Feinberg, Đại học Northwestern, đồng tác giả nghiên cứu thứ 2, mọi người cần tránh hoặc giảm thiểu lượng ánh sáng trong khi ngủ.
Theo ScienceDaily, để giảm ánh sáng trong khi ngủ, cô Zee đưa ra các mẹo sau:
- Không nên bật đèn khi ngủ. Nếu cần, hãy bật đèn mờ để gần sát sàn nhà.
- Chọn đèn màu hổ phách hoặc đỏ, cam sẽ ít kích thích não bộ hơn. Tránh đèn trắng hoặc xanh lam và để cách xa giường.
- Dùng bịt mắt là tốt nhất.